Câu chuyện hóa đơn bữa hải sản tới hơn 85 triệu đồng tại một nhà hàng ở Đà Nẵng đang gây xôn xao cộng đồng mạng.
Cụ thể, mới đây, một tài khoản Facebook có tên N.L.P đã chia sẻ hóa đơn thanh toán tiền 1 bữa ăn hải sản trị giá tới 85 triệu đồng tại nhà hàng ở Đà Nẵng.
Hình ảnh hóa đơn hải sản hơn 85 triệu đồng gây xôn xao cộng đồng mạng. |
Chủ tài khoản này than rằng nhà hàng kia đã quá "chặt chém", ăn từng ấy món mà tới tận 85 triệu đồng thì quả thật là giá "trên trời".
Đi kèm với hóa đơn, người này khuyến cáo du khách nên tránh xa nhà hàng này vì cho rằng lợi dụng khách nước bạn sang chơi, anh em dẫn đi tiếp đón, mà tính tiền kiểu này.
Người này viết: "Các anh đi du lịch Đà Nẵng nên tránh xa cái quán này, lợi dụng có khách nước bạn sang chơi, anh em tiếp đón ở Đà Nẵng, ăn thuần túy, không có cái gì khác ngoài ăn mà tính tiền kiểu này thì ai mà không khiếp sợ. Làm ăn thất đức như vậy thì thử hỏi ai dám tin tưởng về đây du lịch nữa chứ".
Hình ảnh được tài khoản N.L.P chia sẻ cho thấy, đoàn khách này đã vào ăn tại một nhà hàng có tên Mỹ Hạnh ở quận Sơn Trà, Đà Nẵng.
Theo hóa đơn, đoàn khách ăn hết 5 kg tôm hùm loại 4,4 triệu/1 kg, tổng là 22 triệu đồng; 2,6 kg tôm tít với giá 2,3 triệu đồng/kg, tổng gần 6 triệu đồng; 11,2 kg tôm tít loại lớn có giá 2,5 triệu đồng/1kg, tổng 28 triệu đồng.
Đoàn khách còn ăn 12 kg cá mú, giá mỗi kg là 700.000 đồng, tổng số tiền thanh tóa là 8,4 triệu đồng. Đoàn khách cũng ăn 10 mực ống, giá 250.000 đồng/1kg. Ngoài ra, đoàn khách còn ăn nhiều món khác nghêu, gà, sò lông, thịt rang... với số lượng nhiều. Tổng số tiền phải trả cho bữa ăn là 85 triệu 300 nghìn đồng.
Ngay sau khi được đăng tải, bài viết trên đã thu hút sự chú ý do số tiền trong hóa đơn cho 1 bữa ăn quá lớn.
Dù tài khoản N.L.P. đã xoá bài đăng trên tường nhà mình, nhưng cộng đồng mạng đã nhanh tay chia sẻ lại khắp các hội nhóm. Rất nhiều bình luận trái chiều đã nổ ra trên mạng xã hội về hóa đơn trên.
Nhiều người cho rằng hoá đơn toàn tôm hùm, hải sản, nhà hàng tính giá như vậy là khá hợp lý, không đến mức chặt chém. Giá tôm tít và hải sản ở đây được niêm yết đúng thực tế, tùy vào kích thước và chất lượng. Nhiều người bình luận đoàn khách ăn toàn hải sản như thế thì hết nhiều tiền là phải.
Tuy nhiên, một số người lại cho rằng có những món hải sản ở nhà hàng này đang tính giá đắt đỏ hơn so với mặt bằng chung… Chắc có lẽ khổ chủ cũng không biết giá lại cao như vậy nên đã ăn quá nhiều.
Tôm hùm bông loại lớn được nhà hàng niêm yết giá. (Ảnh: Người Lao Động). |
Về vụ việc này, ngày 19/8, ông Dương Hiển Thanh - quản lý nhà hàng Mỹ Hạnh khẳng định trên báo Người Lao Động, nhà hàng có niêm yết giá hải sản đối với những món theo thời giá và không có chuyện "chặt chém" du khách.
Ông Thanh cho biết, đoàn khách sử dụng các món trong hóa đơn có khoảng 50 người, hầu hết là người Lào. Họ là khách quen của nhà hàng, tối 15/8, họ dẫn theo gia đình và có mời thêm một số khách Việt Nam.
“Đây là đoàn khách Lào đã ăn ở nhà hàng vài lần trong nhiều ngày du lịch ở Đà Nẵng. Tuy nhiên, tôi thấy họ đến ăn rất vui vẻ và trò chuyện cùng nhân viên, không biết người đăng hình trên Facebook là ai trong đoàn khách đó”, ông Thanh nói trên Zing.
Lý giải vì sao 1 bữa ăn mà có giá tới 85 triệu, ông Thanh cho biết trên Người Lao Động rằng: Những món mà khách gọi đều có giá đắt đỏ nhất nhà hàng. Trong đó, tôm hùm bông tự nhiên, nhà hàng niêm yết giá là 4,4 triệu đồng/1kg. Mỗi con tôm hùm này cân nặng hơn 2 kg. Đoàn khách trên gọi 2 con tôm hùm loại này với cân nặng tổng cộng là 5 kg.
"Lúc thấy khách gọi hơi nhiều món, nhân viên cũng đã nhắc nhở, sợ đoàn ăn không hết nhưng đoàn khách trên vẫn quyết gọi. Bình thường, đoàn này tới cũng hay gọi những loại hải sản đắt tiền nhưng nay đoàn đi đông người hơn nên hóa đơn lên đến 85 triệu. Nhưng chúng tôi bán đúng giá, có cân cho khách xem chứ không có gian lận gì cả", ông Thanh cho biết trên báo này.
Vị quản lý nhà hàng Mỹ Hạnh cũng phủ nhận thông tin đoàn khách bị tính tiền chén bát vỡ như trong hóa đơn.
Theo đó, số tiền 200.000 đồng tiền chén bát là do khách đề nghị nhà hàng phục vụ để họ đựng thức ăn mang về.
"Nhà hàng không hề tính tiền đối với những vật dụng như chén, bát, ly mà khách sơ ý làm bể. Cái này là do khách đề nghị nên nhà hàng tính vào giống như tiền cọc", ông Thanh cho biết trên báo NLĐ.