Một góc xóm Mỏ Ba |
(GD&TĐ) - Mỏ Ba tọa lạc trên đỉnh non cao nằm ở phía Tây của huyện Đồng Hỷ (Thái Nguyên). Nơi đây là nơi sinh sống của hơn 140 hộ dân và gần 800 đồng bào các dân tộc Mông, Dao, Nùng, Kinh, Cao Lan, Tày, Sán Dìu… Hơn 10km đường núi cheo leo, có đường bê tông rải rác, nơi đây lại tương đối khu biệt so với các vùng khác trong huyện và cả trong tỉnh Thái Nguyên, nhưng lại nổi tiếng bởi một chuyện không lấy làm tự hào: Xóm siêu… đẻ
Sau 2 tiếng đồng hồ khó nhọc, qua con đường gập ghềnh, quanh co, với chặng đường hơn 10km, nhà “vua siêu đẻ” hiện ra, với bốn bề bưng gỗ, tuềnh toàng và đám trẻ hơn chục đứa tíu tít vui chơi trên sân đất lởm chởm.
Trước nhà bạt căng kín sân, trong nhà lố nhố đám đông ra vào. Một tốp thanh niên xoay trần ra mổ chú lợn chừng 1 tạ. Ông Sùng không có nhà vì đưa vợ đi mổ u xơ tại Bệnh viện đa khoa Trung ương Thái Nguyên. Anh Dê (tên tục, theo anh tự giới thiệu), con ông Sùng, ra tiếp chúng tôi.
Lý giải tại sao ngày thứ sáu, mà bọn trẻ ở đây không đến trường, ông Sùng cho biết, ngày mai (thứ bảy) là ngày cưới cô em gái thứ 6 (năm nay 19 tuổi), nên gia đình cho con em ở nhà vui chơi, không phải đi học.
Một số thành viên trong gia đình ông Sùng |
Sinh năm 1978, Dê có 5 con. Nói như vậy là Dê đã tiến bộ vượt bậc so với cha của mình - vì ông Sùng có tới 19 đứa con. Con trai cả ông Sùng đi làm ở Phú Yên, cũng có 4 con. Ở xa nên ngày cưới em gái, anh không về được.
Chừng lúc lâu, ông Sùng về, trẻ trung và xuề xòa, nhanh nhẹn, với chiếc khăn buộc trên đầu, sau khi đưa vợ cả xuống núi (Bệnh viện đa khoa Thái Nguyên) để mổ u xơ. Hỏi, ai chăm sóc vợ, ông nhanh nhẹn trả lời, giọng tinh quái: Vợ cả bị ốm, vợ hai chăm sóc chứ sao.
Ông Sùng có 2 vợ, đều sinh năm 1959. Bà vợ cả Lý Thị Chi sinh hạ cho ông 10 đứa con. Bà thứ 2 là Vương Thị Nhung, ngoài 2 đứa con riêng, đẻ cho ông thêm 7 đứa, nâng tổng số con lên tới 19 đứa - giữ mức kỷ lục mà chưa ai phá vỡ ở xóm Mỏ Ba này.
Vua siêu đẻ rất giỏi sắp xếp cuộc sống hôn nhân phức tạp bằng giải pháp ôn hòa và hòa bình. Nhà bà vợ hai của ông ở kề sau nhà bà cả. Hiện nay, trong căn nhà chính chỉ còn vợ chồng ông và 3 người con. Cô con gái thứ 6, cưới xong sẽ theo chồng về bên Võ Nhai. Nhà vợ hai cũng còn 3 đứa con chung của ông bà. Làm ông từ năm ngoài 30 tuổi, cách đây 3 năm ông Sùng cũng đã lên chức... cụ.
Tuy lên chức cụ, nhưng xem ra ông hãy còn tráng kiện bởi nước da hồng hào và thể lực tráng kiện. Cũng như nhà bà cả, rộng rãi, nhưng tuyềnh toàng, trong căn nhà chẳng có gì đáng giá. Như vậy, việc chăm nom và quán xuyến 2 bà vợ và những đứa con cũng tương đối thuận lợi. Khi hỏi việc hai bà vợ ở sát bên nhau như vậy, có khi nào xảy ra xung đột không, ông Sùng vui vẻ trả lời: Ô hay, người chứ có phải trâu bò đâu mà húc nhau?.
Thế mới biết, vai trò và bản lĩnh của ông vua siêu đẻ ở đây quan trọng như thế nào. Nhưng khi hỏi ông Sùng được mấy trai mấy gái, ông vua siêu đẻ ngẩn người, lẩm bẩm tính toán một lúc rồi lắc đầu, chống chế chuyển sang chuyện khác.
Cậu con trai thứ hai của ông Sùng, tên Bình, có tên tục là Bê sinh năm 1981. Giờ có 3 con, con trai lớn học lớp 7, ở trường chính dưới Tân Long.
Nhìn bầy trẻ hơn chục đứa chạy nhảy bên nhau, Bê nhìn kỹ rồi chỉ cho tôi:
- Kia là con của bố, còn đây là con của em…
Cô em gái dưới Bê, tên là Hoa cũng có 4 con. Hiện có 1 cháu học lớp 6 tại lớp bán trú điểm trường chính Tân Long dưới chân núi.
Có trường hợp như anh Vương Sự (sinh năm 1979) và chị Phùng Thị Hương (sinh năm 1987), có ba con gái hiện đang học tại điểm trường tiểu học Mỏ Ba, anh vẫn quyết tâm đẻ con trai kỳ được mới thôi.
Sát với kỷ lục của vua siêu đẻ là anh Dình, lấy vợ từ năm 13 tuổi. 39 tuổi, anh Dình đã có 13 con với 5 trai, 8 gái và đã lên chức… ông ngoại.
Bên cạnh gia đình anh Dình và ông Sùng, còn có nhiều hộ khác cũng có trên 10 người con như gia đình ông Hồng Văn Páo 12 con, Lý Văn Día 11 con, Hùng Văn Nó 10 con, Vương Văn Khìn 10 con, Đào Văn Tư 13 con...
Được biết, đa số người H"Mông ở đây đều theo đạo Tin lành. Việc nạo phá thai là việc tối kỵ cần tránh. Ở chốn cùng cốc sơn lâm này, mọi điều kiện thông tin về nghe nhìn bị hạn chế, nên dẫu có làm phương pháp tuyên truyền, hay kế hoạch hóa cũng không thể có tác dụng một cách hữu hiệu như ở vùng nông thôn đồng bằng hay thành phố được.
Xóm Mỏ Ba được xem là địa phương giữ nhiều kỷ lục nhất về sinh đẻ vỡ kế hoạch. Gia đình bình thường có 3 - 5 con, không ít nhà gần chục con, cá biệt có gia đình gần 20 đứa con. Nếu chia tỷ lệ hơn 140 hộ và gần 800 nhân khẩu, con số bình quân trong mỗi gia đình sẽ là từ 5 - 6 người/hộ. |
Chu ThịThơm