“Xoay chiều, đảo gió” theo cơn sốt bolero

GD&TĐ - Vì muốn có khán giả, nhiều ca sĩ chấp nhận từ bỏ phong cách cá nhân để “xoay chiều, đảo gió” theo nhịp sốt bolero.

Ảnh minh họa/INT.
Ảnh minh họa/INT.

Có thể nói “cơn sốt” bolero bắt đầu từ năm 2016, đến nay vẫn chưa hạ nhiệt mà còn lan toả mạnh mẽ hơn. Không chỉ các MV ca nhạc ra đời xoay quanh phong cách này, mà ngay cả các gameshow tranh tài trên truyền hình vì dòng nhạc này mà khởi xướng.

Nhận thấy bolero thu hút sự chú ý của khán giả, nhiều ca sĩ chuyên hát nhạc trẻ đã nhanh chóng “bẻ lái” thay đổi hướng đi. Có thể nói, Hồ Quỳnh Hương là một trong những ca sĩ hát nhạc trẻ tiên phong “xoay chiều” sang bolero từ năm 2016 với Album “Hương xưa 1”.

Thế nhưng, khán giả không thấy nét duyên hay phong cách bolero đâu. Ngược lại, họ thấy sự gượng gạo, cố tỏ ra chậm rãi của nhịp điệu hay gương mặt u sầu của nghệ sĩ.

Hồ Quỳnh Hương sau đó cũng phải giải thích, bản thân muốn thổi làn gió mới chứ không phải để khẳng định mình hát tốt dòng nhạc này.

Sau Hồ Quỳnh Hương, khán giả hoảng hốt khi nghe bolero theo phong cách mới trên nền nhạc điện tử. Tập hợp “Bolero mix” do kênh POPS Music đã khơi mào cho phong trào làm mới bolero bằng nhạc sàn. Từ đó bolero remix dần hình thành khiến cho những ca khúc rất trữ tình như “Hoa cài cái tóc” trở nên giậm giật khó ngờ.

Quách Tuấn Du, Bá Thắng… và hàng loạt ca sĩ, không hiểu vì lý do gì mà từ bỏ phong cách mình đã chọn để “cố đấm ăn xôi” với bolero. Nhạc sĩ Hồng Xương Long nói rằng, ca sĩ thi nhau “nhảy” vào nhưng đâu phải ai hát cũng ra chất trữ tình.

Mới đây, ca sĩ Lan Anh, một tên tuổi của dòng nhạc chính thống ra mắt album bolero thứ 2 có tên “Con đường xưa em đi”. Khoan nói đến sự hay - dở của album này, nhưng theo nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long thì quan trọng nhất là mỗi sản phẩm đều cần có cái riêng của nghệ sĩ.

Dù đời sống âm nhạc luôn đề cao sự sáng tạo, khám phá nhưng công tâm nhận xét thì rất khó để tìm ra giọng ca nhạc trẻ “thỏa mãn” được tâm hồn bolero. Nhiều ca sĩ chấp nhận rút lui vì không thể ép bản thân vào một khuôn mẫu không hợp với mình. 

Không chỉ trong âm nhạc, nhiều lĩnh vực nghệ thuật khác cũng bị nghệ sĩ cưỡng bức dưới hình thái “sáng tạo”. Hoạ sĩ chuyên vẽ tả thực bỗng dưng chuyển sang trừu tượng. Không một ai hiểu bức tranh ẩn ý thông điệp gì, duy có một nhà phê bình phát hiện bức hoạ vẽ linh tinh. Họa sĩ ấm ức châm ngòi cho một cuộc chiến bảo vệ sự “sáng tạo” của mình bằng cách gọi nhà phê bình là “bọn thối mồm”.

Rồi đến văn chương, thơ phú cũng bị gò ép bằng những trường đoạn lẫn đoản khúc không đầu không cuối. Nghệ thuật bị lạm dụng, bị cưỡng bức đến nỗi công chúng không thể phân biệt đó là nghệ sĩ thật hay giả. Và riêng thi sĩ, thì có lẽ “đông như quân Nguyên” nhưng khó tìm ra được một câu thơ xứng tầm.

Không ai cấm nghệ sĩ thể nghiệm phong cách mới, góc nhìn mới hay sự “lột xác” nào đó. Tuy nhiên, khi nhận ra mình không hợp với thể loại nghệ thuật này, thì cũng nên rút lui, đừng “cố đấm ăn xôi”; bởi nghệ thuật không giống như hợp kim có thể gò ép theo ý mình.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ