Ca sĩ Đức Tuấn và ham muốn hát bolero kiểu Mỹ

GD&TĐ - Ca sĩ Đức Tuấn ra mắt album “Một ngày ta được yêu” với những sáng tác của Trần Thiện Thanh khiến công chúng một phen ngạc nhiên. Cách hát bolero của anh không quen thuộc với thị hiếu đám đông, như chính anh giải thích: “Khi tôi quyết định hát bolero kiểu Mỹ, tôi đã định sẵn đối tượng khán giả mà mình hướng đến là những người hiện đại, cởi mở và có tư duy âm nhạc không định kiến”.

Ca sĩ Đức Tuấn
Ca sĩ Đức Tuấn

1.

Ca khúc Trần Thiện Thanh không xa lạ với khán giả, và cũng đã được nhiều thế hệ ca sĩ thể hiện theo những màu sắc diêm dúa hoặc ảo não khác nhau. Ca sĩ Đức Tuấn đã chọn hát những bài hát nổi tiếng của nhạc sĩ như “Mùa đông của anh”, “Trên đỉnh mùa đông”, “Khi người yêu tôi khóc”, “Hàn Mặc Tử”, “Hoa trinh nữ”, “Lâu đài tình ái”, “Chuyện hẹn hò”, “Chiếc áo bà ba”… Đức Tuấn không lấy tên một ca khúc để làm tên chung cho album, mà đặt tên album “Một ngày ta được yêu” dựa theo lời hát “một ngày ta được yêu, rồi một ngày một mình ta buồn thiu” trong ca khúc “Tình đầu tình cuối”.

Thiên hạ đã từng nghe ca khúc Trần Thiện Thanh thật da diết hoặc thật sầu muộn, thì Đức Tuấn pha trộn các thể loại Traditional Pop, Soul và Jazz để hát bolero. Đó là một cuộc phiêu lưu, với Đức Tuấn và cả với người nghe. Một không gian mới lạ cho ca khúc Trần Thiện Thanh, có lẽ không quá khó để chinh phục công chúng trẻ, nhưng lại tạo cảm xúc trái ngược cho những ai từng yêu mến nhạc Trần Thiện Thanh kiểu chậm buồn xao xuyến.

Dĩ nhiên, cách làm của Đức Tuấn phải gặp những phản ứng gay gắt của tín đồ bolero du dương bi lụy. Đức Tuấn chấp nhận thực tế ấy, theo quan niệm nghệ thuật của anh: “Khi thực hiện album, tôi đã lường trước được phản ứng của người nghe nhạc bolero truyền thống. Cả đời tôi nhận những phản ứng khi làm khác mọi người nên quen rồi. Trước đây, tôi hát nhạc của Phạm Đình Chương, Phạm Duy, tôi được nhạc sĩ khen, còn khán giả cứ phản đối”.

Không phải đến album “Một ngày ta được yêu”, Đức Tuấn mới phô diễn cá tính. Hơn một thập niên qua, anh liên tục có những sản phẩm mà giới hâm mộ phải bất ngờ. Năm 2005, chẳng ai ngờ một ca sĩ 25 tuổi như Đức Tuấn lại dám hát nhạc Phạm Duy một cách tự tin qua album “Đôi mắt người Sơn Tây”. Lúc ấy, nhạc Phạm Duy vừa được cấp phép biểu diễn trở lại, có người nghe vì tò mò mà cũng có người nghe vì kỷ niệm. Album “Đôi mắt người Sơn Tây” như cú hích hứng khởi cho sự nghiệp của Đức Tuấn, để từ đó anh tự tin thực hiện nhiều dự án khác.

Liệu album “Một ngày ta được yêu” bây giờ sẽ có số phận như “Đôi mắt người Sơn Tây” dạo nào không? Ca sĩ Đức Tuấn trả lời bình thản: “Khi tôi phát hành album “Đôi mắt người Sơn Tây”, kết hợp nhạc kịch cũng nhận nhiều phản ứng của fan nhạc xưa. Họ đã chê bai tôi không thương tiếc. Nhưng cuối cùng, album lại được đề cử giải Cống hiến.

Bản thân tôi, khi làm bất cứ sản phẩm gì, không đặt nặng nhận xét của người khác mà trung thành với cảm xúc cá nhân. Nhiều người làm nghệ thuật luôn phải nghĩ mình cần làm gì để tới gần với khán giả hơn. Tôi đơn giản hơn, tôi sẽ làm gì mình thích. Cái gì tôi thấy hay, thậm chí không hợp thời, không phù hợp với Việt Nam, tôi vẫn sẽ làm. Dù biết nhiều người không đón nhận tôi cũng vẫn sẽ làm. Kết quả dù có thế nào tôi vẫn được sống trọn với cảm xúc của mình”.

 

2.

Hành trình ca hát của Đức Tuấn kể ra cũng thú vị. Sau album “Đôi mắt người Sơn Tây” cứ ngỡ anh sẽ theo đuổi dòng nhạc thính phòng thì năm 2006 anh lại phát hành album “Yêu trong ánh sáng” gồm 8 ca khúc mới của nhạc sĩ Quốc Bảo gần gũi với lứa tuổi đôi mươi mơ mộng và nông nổi. Chưa hết, năm 2011, Đức Tuấn cho ra album “Music of the Night-The Broadway” là một tuyển tập 11 bài hát được trích từ trong 9 vở nhạc kịch khá nổi tiếng.

Rồi năm 2017, Đức Tuấn ra mắt album “36, Tuấn hát Quỳnh” giới thiệu những ca khúc cũ và mới của nhạc sĩ Trần Lê Quỳnh. Năm 2018, Đức Tuấn lại có album “Hà Nội và em khi thu chớm đông sang” trình bày những ca khúc của nhạc sĩ Phú Quang. Không thể phủ nhận, album nào cũng được Đức Tuấn đầu tư công phu, và lưu lại ấn tượng về sự làm nghề nghiêm túc trong lòng khán giả.

Tự vạch một lối đi riêng, ca sĩ Đức Tuấn thành công hay thất bại? Anh chia sẻ: “Trong âm nhạc, mọi người nhận xét tôi là người rất cực đoan vì rất khó tính. Tôi không thỏa hiệp, khoan nhượng khi có sự tranh cãi. Tôi bắt buộc phải làm mọi thứ tốt hơn nếu biết khả năng mình có thể làm tốt hơn. Tôi là người rất điên trong âm nhạc. Ai chấp nhận làm việc với tôi có lẽ họ sẽ biết trước sức ép rất lớn”.

Đức Tuấn vốn là học sinh của Trường chuyên Lê Hồng Phong lừng lẫy đô thị lớn nhất phương Nam. 20 tuổi, đoạt giải Nhất cuộc thi Tiếng hát Truyền hình TPHCM năm 2000, nhưng anh cũng không mấy hứng thú với việc chạy show tranh thủ hào quang từ danh hiệu quán quân ấy. Sau khi tốt nghiệp Đại học Ngoại thương, Đức Tuấn mới dấn thân vào sự nghiệp ca hát.

Giai đoạn khởi nghiệp, Đức Tuấn gặp được ông bầu khá nhạy bén nên xây dựng hình ảnh và phong cách rất nhanh. Tuy nhiên, những người yêu mến ca sĩ Đức Tuấn lại mong muốn anh có những nét độc đáo hơn, vì Đức Tuấn không có chất sâu lắng của những nam danh ca thứ thiệt mà cũng không có độ quái kiệt của những ngôi sao thị trường. Đành rằng, Đức Tuấn là Đức Tuấn, nhưng vẫn có chút gì đó hơi tiếc rẻ từ phía những người kỳ vọng ở anh.

Năm nay 39 tuổi, Đức Tuấn không còn trẻ để nhún nhảy theo thị hiếu đương thời. Thế nhưng, anh vẫn còn một biên độ dài rộng phía trước để tiếp tục sáng tạo.

Ca sĩ Đức Tuấn thú nhận, đối với anh, âm nhạc vẫn chiếm hết tâm trí, nên… chưa tìm được hạnh phúc riêng tư: “Tôi không phủ nhận mình đam mê âm nhạc nhất trong cuộc đời này. Tôi chưa tìm ra được ai có thể chia sẻ niềm đam mê đó với mình. Bởi vì bất cứ người phụ nữ nào cũng sẽ không chấp nhận mình đứng vị trí thứ 2, thứ 4, thứ 5 trong cuộc đời của một người đàn ông. Ở một khía cạnh khác, gia đình là số 1 với tôi, vì tôi là người sống cho gia đình. Gia đình hiểu tôi đến mức không ai hối thúc. Mọi người biết tôi yêu thích cái gì và tôn trọng tuyệt đối niềm đam mê của tôi!”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thành phố cổ Petra, Jordan, là một trong 7 kỳ quan thế giới mới.

Thành phố cổ ẩn giấu nhiều bí ẩn

GD&TĐ - Petra, thành phố cổ kỳ bí nằm ở Tây Nam Jordan, là một trong 7 kỳ quan thế giới mới với những công trình chạm khắc từ đá sa thạch hồng.

Áp phích có hình chữ V ở Mỹ trong Thế chiến II.

Dấu hiệu chữ V có từ khi nào?

GD&TĐ - Một cử chỉ được thực hiện bằng cách giơ ngón trỏ và ngón giữa với lòng bàn tay hướng ra ngoài được gọi là 'dấu hiệu chữ V', biểu tượng chiến thắng.