Xóa vùng lõm về tiêm chủng

GD&TĐ - Bạch hầu, ho gà, uốn ván, tiêu chảy, sốt rét là những bệnh được khống chế từ lâu nhưng đang có xu hướng quay trở lại. 

Xóa vùng lõm về tiêm chủng

Trong 1 - 2 năm gần đây, ổ dịch liên tục xuất hiện với hàng chục người mắc. Điều tra dịch tễ cho thấy, phần lớn người mắc bệnh đều chưa tiêm phòng hoặc tiêm không đầy đủ. Vệ sinh môi trường nơi xảy ra dịch bệnh cũng có vấn đề…

Dịch nối dịch

Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) Đặng Quang Tấn cho biết: Hiện đang có nhiều loại dịch bệnh bao vây người dân. Virus Zika đã xuất hiện tại 72 vùng, lãnh thổ. Bệnh Ebola có 28.616 trường hợp mắc, 11.310 trường hợp tử vong. Mers-CoV có 1.806 trường hợp mắc, 643 trường hợp tử vong. Ngoài ra, bệnh tay -chân - miệng, bại liệt, sốt xuất huyết, cúm A đang xuất hiện trở lại và bùng phát với nhiều diễn biến nguy hiểm…

Ở nước ta, 9 tháng đầu năm đã ghi nhận 72.372 trường hợp mắc sốt xuất huyết tại 52 tỉnh tập trung ở khu vực Tây Nguyên và miền Nam khiến 20 người tử vong. Cơ quan chức năng xét nghiệm 2.689 mẫu, ghi nhận 3 trường hợp dương tính với virus Zika. Bên cạnh hai bệnh trên, bệnh tay chân miệng ghi nhận 27.224 trường hợp mắc tại 62 tỉnh, thành phố, tập trung chủ yếu tại các tỉnh khu vực phía Nam. Bệnh sốt rét ghi nhận 3.360 bệnh nhân có ký sinh trùng sốt rét và 3 trường hợp tử vong. Ngoài ra, các bệnh cúm mùa vẫn xuất hiện, trong đó chủ yếu là cúm A/H3N2 chiếm 44,4%, cúm B chiếm 43,4%, cúm A/H1N1 12,2%.

Với các tỉnh miền núi phía Bắc, thời gian qua đã xuất hiện các ổ dịch ho gà, tiêu chảy, uốn ván sơ sinh, tay chân miệng, liên cầu lợn, dại, viêm não virus... Đặc biệt tỉnh Cao Bằng từ 22/5 -1/6/2016 phát hiện ra ổ dịch lỵ trực khuẩn tại xã Thạch Lâm và Đức Hạnh, huyện Bảo Lâm với 196 trường hợp mắc, 1 trường hợp tử vong. Ổ dịch viêm não do Coxackie tại xã Quảng Lâm và Nam Quang, huyện Bảo Lâm trong tháng 4 - 6 làm 27 trường hợp mắc, 7 trường hợp tử vong. Bệnh ho gà cũng tái xuất khiến 49 ca lâm sàng ho gà (4 trường hợp dương tính)... Tại Quảng Nam, 13 trường hợp được xác định bị bạch hầu, 3 ca tử vong. Còn tại huyện Gio Linh (Quảng Trị) có trên 40 người mắc viêm gan A. Đây là hiện tượng bất thường bởi bệnh xảy ra đồng loạt, nhiều người trong gia đình cùng mắc.

Vệ sinh môi trường, vắc xin chưa được quan tâm

Có nhiều nguyên nhân khiến dịch bệnh mới gia tăng, bệnh cũ quay trở lại. Nhưng dù vì lý do gì đi nữa thì cũng đều liên quan đến vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân, an toàn thực phẩm, vệ sinh nhà ở, phong tục tập quán lạc hậu.

Điều kiện sống như vậy nhưng khi mắc bệnh, người dân cũng không chủ động đi khám, chữa ở cơ sở y tế mà thường tự chữa trị hoặc nhờ thầy lang, thầy cúng. Thế mới có chuyện chính quyền huyện Phước Sơn (Quảng Nam) không biết gì về việc nhiều người dân trong huyện cùng mắc bệnh cho đến khi người dân đến xin tiền hỗ trợ lo ma chay. Lúc này, tất cả bệnh nhân được đưa đi viện, người nhà được khoanh vùng theo dõi. Nhưng không ít người bệnh nhất mực xin về.

Một vấn đề khác liên quan đến dịch bệnh trên do công tác tiêm chủng ở những tỉnh này gặp nhiều khó khăn, tạo ra vùng lõm về tiêm chủng. Phần lớn người mắc bệnh, kể cả trẻ nhỏ đều không được tiêm chủng hoặc tiêm không đầy đủ. Thực trạng trên khiến mỗi khi có dịch, ngành Y tế lại đôn đáo xuất cấp vắc xin, tiêm đồng loạt cho người dân. Khi có bệnh dịch thì vậy nhưng không ai dám chắc, người dân ở vùng này tuân thủ lịch tiêm chủng các mũi nhắc lại. Cho nên, mỗi lần tiêm chủng là một cuộc cách mạng, từ việc chuẩn bị nhân lực, vận chuyển vắc xin đến tổ chức và vận động người dân.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc luôn tiềm ẩn nhiều yếu tố nguy cơ phát sinh, lây lan các loại dịch bệnh như (sởi, viêm não virus, ho gà…). Với những nguyên nhân chủ quan - khách quan từ ý thức, điều kiện, hủ tục, nhận thức của người dân đến những khó khăn về địa dẫn đến bất cập trong vấn đề phòng chống dịch bệnh. Mỗi nơi mỗi khác, Thứ trưởng Long cho rằng các địa phương lẫn ngành Y tế, Biên phòng, Thú y… cần đưa ra giải pháp quyết liệt để khu vực này trở thành lá chắn phòng chống dịch bệnh, giúp cho các tỉnh trong cả nước trong vấn đề ngăn chặn dịch bệnh từ các khu vực láng giềng.

 - Tuyên truyền để người dân nhận thức và sử dụng về nhà tiêu vệ sinh; Sử dụng những thực phẩm ngay tại địa phương để phòng chống suy dinh dưỡng, đồng thời bổ sung các chương trình và bổ sung vi chất dinh dưỡng.
- Công tác tiêm chủng phải được địa phương quan tâm hơn nữa. Không để tồn tại tình trạng “lõm” tiêm chủng như hiện nay.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT.

Cần được cổ vũ, khích lệ

GD&TĐ - Những tối cuối tuần qua (từ ngày 3 - 5/5), khán giả tấp nập tới Hãng phim Tài liệu Khoa học Trung ương (Hoàng Hoa Thám, Ba Đình, Hà Nội).
Truyện tranh là một thể loại văn học mạnh mẽ và hữu ích để phát triển khả năng hiểu cũng như phân tích văn học của học sinh. (Ảnh: ITN).

Trẻ đọc truyện tranh có tốt không?

GD&TĐ - Truyện tranh có một sức hấp dẫn khó cưỡng đối với trẻ em lẫn người lớn. Ngoài việc mang lại tiếng cười sảng khoái, giải tỏa căng thẳng...