Hệ thống các cơ sở GDTX được các địa phương quan tâm phát triển, đáp ứng nhu cầu học tập đa dạng của học sinh, sinh viên, cán bộ công chức, đội ngũ giáo viên, người lao động và người dân trong cộng đồng.
Kết quả khả quan
Theo thống kê của Vụ GDTX, mạng lưới Trung tâm GDTX gồm: 74 trung tâm cấp tỉnh, 621 trung tâm cấp huyện (32 TTGDTX và 589 TTGDNN-GDTX), giảm 12 TTGDTX so với năm học 2016 - 2017 do các địa phương thực hiện rà soát, sáp nhập, tổ chức sắp xếp lại hệ thống các TTGDTX, giáo dục nghề nghiệp, giáo dục kỹ thuật tổng hợp.
Đến nay, các TTGDTX cấp tỉnh duy trì, ổn định hoạt động; TTGDTX cấp huyện kiện toàn, mở rộng hình thức hoạt động theo hướng mỗi huyện có một trung tâm thực hiện nhiều nhiệm vụ và đang ổn định về quy mô, một số trung tâm đã phát triển mạnh đáp ứng tốt nhu cầu học tập của người dân.
Để nâng cao chất lượng dạy – học, nhiều trung tâm đã được đầu tư xây dựng mới phòng học kiên cố. Việc trang bị máy tính và kết nối mạng Internet cho 100% TTGDTX góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động. Đặc biệt, việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong quản lý và dạy học được tăng cường hơn trước, đem lại hiệu quả rõ rệt.
Một số trung tâm đã chủ động hợp tác quốc tế nhằm trang bị cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học, tài trợ xây dựng nhà xưởng dạy nghề. Số khác tận dụng cơ sở vật chất, mở rộng các loại hình đào tạo nghề kết hợp với dạy bổ túc văn hóa theo hợp đồng với các công ty liên doanh, công ty tư nhân trên địa bàn.
Ảnh minh họa |
Hiệu ứng tốt đẹp
Theo TS Dương Thăng Long – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Mở Hà Nội: GDTX đã và đang tạo cơ hội cho mọi người có nhu cầu được học tập thường xuyên, liên tục và suốt đời. Việc học tập này là nhu cầu và cũng là quyền lợi, người học được bổ sung, cập nhật kiến thức, thêm kĩ năng để nâng cao chất lượng cuộc sống. GDTX đang tạo cơ hội học tập thứ hai, bình đẳng cho những người không có điều kiện học chính quy hoặc phải bỏ học dở chừng, những người vừa học, vừa làm.
Lý giải về hiệu ứng tốt đẹp của việc lan tỏa tinh thần học tập từ các TTGDTX, TS Hoàng Tiến Dũng – Giám đốc Trung tâm GDTX tỉnh Hải Dương, cho rằng: Chúng ta sống trong một thế giới mà xã hội, kinh tế và chính trị phức tạp và không ngừng biến đổi. Muốn thích ứng với sự biến chuyển nhanh chóng đó, con người ngày càng phải nhanh chóng nắm bắt được nhiều tri thức, kĩ năng và thái độ mới trong một phạm vi rộng hơn.
Một cá nhân không thể vượt qua được những thách thức trong công việc cũng như cuộc sống nếu bản thân họ không trở thành một người học tập thường xuyên, suốt đời. Một xã hội sẽ không bền vững nếu nó không trở thành một xã hội học tập. Các trung tâm GDTX đã thực hiện tốt sứ mệnh đó, mang cơ hội học tập đến cho mọi người.
Để phát triển tuyển sinh và đào tạo trong bối cảnh xã hội học tập, ông Nguyễn Duy Thanh, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Thái Bình, chia sẻ: Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại cho Việt Nam nhiều cơ hội và thách thức. Để thích ứng phải phát triển kinh tế tri thức, nâng cao hiểu biết và kỹ năng toàn diện của đội ngũ lao động và toàn dân.
Chỉ như vậy, người lao động mới trở thành lao động tri thức, chúng ta mới có xã hội lao động tri thức. Để làm giàu vốn tri thức chỉ có con đường học tập. Học ở mọi nơi, mọi lúc, bằng mọi hình thức: Chính quy, không chính quy và phi chính quy. Người người học tập là cơ sở để xây dựng Việt Nam thành xã hội học tập, xã hội tri thức.