Xóa dần khoảng cách “con đẻ - con nuôi”

GD&TĐ - Trừ một số trường tư có danh tiếng ở các thành phố lớn, còn đa phần thân phận các trường ngoài công lập ở các tỉnh lẻ vẫn mang tiếng “con nuôi” khi so với các trường công lập - "con đẻ". 

Xóa dần khoảng cách “con đẻ - con nuôi”

Bởi vậy, thầy và trò Trường THPT tư thục Đông Quan (Đông Hưng, Thái Bình) xác định: Khẳng định mình trước hết phải bằng chính chất lượng dạy và học, sau đó mới là sự đồng tâm, chia sẻ của nhà nước - xã hội - gia đình. Chỉ có như vậy mới xóa đi được cái mặc cảm cố hữu này.

Chất lượng - thước đo sự thành bại

Đây vừa là mục tiêu vừa là phương thức hành động của thầy và trò trường tư thục Đông Quan. Nhưng nói thì dễ làm mới khó bởi mặc cảm lớn nhất của các trường ngoài công lập có lẽ là chất lượng đầu vào của học sinh.

Trường Đông Quan cũng không ngoại lệ. Học sinh phân tán từ khắp các huyện trong tỉnh, học lực yếu, hạnh kiểm nhiều em cũng kém hơn các trường công lập.

Bởi vậy, muốn trò từ yếu kém, thậm chí hư hỏng thành trò giỏi, trò ngoan, khâu đột phá là thầy phải ra thầy. Nhà trường xác định: Quyết định chất lượng giáo dục là ở bộ máy quản lý và đội ngũ giáo viên, vừa là người thầy vững vàng về chuyên môn nhưng cũng phải là người anh, người chị mẫu mực về nhân cách.

Ban đầu trường chỉ vẻn vẹn 11 cán bộ, giáo viên dạy dỗ hơn 300 em học sinh, đến nay đã có hơn 50 cán bộ giáo viên có trình độ đại học, tất cả đạt chuẩn và trên chuẩn là cả một bước tiến dài.

Để có được kết quả này nhà trường đã phải trải qua nhiều năm miệt mài, quyết liệt chuẩn hóa đội ngũ giáo viên, vừa theo tiêu chuẩn chung nhưng cũng phải thích ứng với đặc thù riêng của một trường tư thục.

Nhà trường đã tổ chức dạy học phân hóa theo năng lực của học sinh dựa theo chuẩn kiến thức kỹ năng của chương trình giáo dục phổ thông, khuyến khích giáo viên chủ động thiết kế bài giảng linh hoạt, khoa học, sắp xếp hợp lý các hoạt động của thầy và trò.

Việc làm này đã tạo thuận lợi cho giáo viên và học sinh trong việc định lượng, định tính kiến thức, giảm tải chương trình song vẫn đảm bảo chất lượng dạy học.

VÌ đầu vào học sinh yếu so với công lập nên các bài giảng phải sát với đối tượng, thầy phải gần gũi chỉ bảo từ dễ đến khó, thương yêu động viên trò. Đây có lẽ là điểm khác biệt với người làm thầy ở một trường ngoài công lập.

Những hoạt động như “Tuần sinh hoạt tập thể” đầu năm học mới, đặc biệt quan tâm đối với các lớp đầu cấp nhằm giúp học sinh làm quen tiếp cận với phương pháp giảng dạy giáo dục trong nhà trường, tạo điều kiện để giáo viên gần gũi, thân thiện với học sinh là cách làm hay.

Nhà trường đặc biệt chú trọng công tác phụ đạo học sinh yếu, nắm chắc tình hình nguyên nhân học sinh bỏ học và có giải pháp khắc phục ngay.

Các thầy cô cũng gần gũi và động viên kịp thời những học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn nhằm động viên tối đa các em bám lớp, không bỏ học giữa chừng.

Đổi mới phương pháp dạy học, cách thức kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh được nhà trường vừa yêu cầu vừa khuyến khích.

Trường đã ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý điểm số trên phần mềm, hồ sơ giáo án điện tử, sử dụng phần mềm phân công coi thi.

Đặc biệt trường cũng là đơn vị đi đầu trong việc lập website riêng quản lý học sinh theo sổ liên lạc điển tử, quản lý việc giảng dạy học tập trên lớp và cơ sở vật chất bằng hệ thống camera.

Thu hẹp khoảng cách

Những chỉ số giáo dục mà Trường THPT tư thục Đông Quan đạt được những năm gần đây không phải trường dân lập nào cũng đạt được. Thậm chí có những chỉ tiêu cao hơn cả mức bình quân của ngành giáo dục địa phương.

Tỉ lệ học sinh lên lớp hàng năm đều đạt 99 - 100%, không có học sinh xếp loại đạo đức yếu, không có học sinh vi phạm kỷ luật nghiêm trọng. Đặc biệt, tỉ lệ đỗ tốt nghiệp hàng năm luôn bằng và vượt mức bình quân của ngành Giáo dục Thái Bình.

Nhiều năm tỉ lệ tốt nghiệp THPT đạt con số 98 - 99% là thành tích không dễ gì đạt được ở một trường ngoài công lập. Tỉ lệ học sinh thi đỗ đại học, cao đẳng, số học sinh giỏi nhiều năm dẫn đầu khối trường ngoài công lập trong tỉnh.

Riêng năm học 2015- 2016, trường đã đạt 2 giải ba toàn tỉnh, xếp thứ nhì khối THPT tỉnh về giáo dục quốc phòng an ninh, giải nhất toàn tỉnh khối THPT đi dự Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc môn bóng bàn và cầu lông. 13 thầy cô đạt danh hiệu giáo viên giỏi cấp tỉnh trong đó có 1 cô giáo đạt giải nhất toàn tỉnh môn Giáo dục công dân .

Nhiều năm trường đạt danh hiệu tiên tiến cấp tỉnh, nhiều năm được Bộ GD-ĐT, UBND tỉnh Thái Bình tặng bằng khen. Cán bộ quản lý nhà trường nhiều năm đạt danh hiệu chiến sỹ thi đua.

Với vai trò là Chủ tịch HĐQT kiêm Hiệu trưởng nhà trường, thầy giáo Đặng Vương Phiếm đã vinh dự hai lần được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cùng nhiều bằng khen của Bộ, ngành và địa phương về những đóng góp không mệt mỏi trong hơn 40 năm đóng góp cho ngành giáo dục Thái Bình.

Có thể nói, những gì mà thầy và trò trường THPT Đông Quan tạo dựng trong gần 20 năm qua đã bước đầu xóa đi mặc cảm, tự ti về cái danh “trường ngoài công lập” mà lâu nay xã hội vẫn khoác cho họ.

“Con đẻ - con nuôi”- xóa khoảng cách cần sự trợ giúp

Những nỗ lực tự thân quyết định thương hiệu của một nhà trường. Tuy nhiên ở một vùng quê nghèo, nhân lực vật lực có hạn nên việc thay đổi sự nhìn nhận cũng như chủ trương đầu tư cho hệ thống trường ngoài công lập đang đặt ra cấp thiết.

Trước những khó khăn thách thức của mô hình trường tư thục, đặc biệt là để chủ trương đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục của Đảng đi vào cuộc sống, Hiệu trưởng Trường tư thục THPT Đông Quan- thầy giáo Đặng Vương Phiếm đề xuất nhiều ý kiến thẳng thắn.

Trước hết là xóa bỏ sự phân biệt đội ngũ giáo viên công lập - dân lập. Để làm việc này, hàng năm nhà nước cần tổ chức xét tuyển công chức cho các trường ngoài công lập để tạo sự công bằng với trường công lập.

Cơ sở vật chất các trường ngoài công lập cũng là nỗi trăn trở của những địa phương nghèo bởi nếu chỉ trông chờ vào sự đóng góp của phụ huynh sẽ rất khó khăn bởi đa phần đều là nông dân nghèo, thu nhập rất thấp.

Thêm vào đó, học sinh các trường ngoài công lập lại phải đóng góp nhiều khoản học phí, tiền xây dựng trường cao hơn nhiều trường công lập nên cũng khó đảm bảo chất lượng cũng như duy trì sĩ số suốt 3 năm học.

Nên chăng Nhà nước cần dành một phần nguồn vốn ưu đãi để đầu tư cơ sở vật chất cho các trường ngoài công lập, hỗ trợ một phần kinh phí giảm gánh nặng cho học sinh nhất là những học sinh nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

Ngoài ra, chủ trương xã hội hóa giáo dục cũng cần thiết thực, cụ thể. Thay vì chỉ tập trung cho khối trường công lập thì các mạnh thường quân, các tổ chức xã hội cũng cần hướng sự quan tâm của mình cả về tinh thần lẫn vật chất đến khối trường ngoài công lập.

Thu hẹp, tiến tới xóa bỏ ranh giới giữa các trường công lập- dân lập là mục tiêu mà thầy và trò Trường tư thục THPT Đông Quan đang ngày đêm nỗ lực vươn tới.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ