Xóa bỏ định kiến về giới

Tại hội thảo bảo đảm bình đẳng giới trong chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới đây, nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng, trong sách giáo khoa hiện hành có nhiều nội dung, hình ảnh mang tính định kiến giới. 

Học sinh Trường tiểu học Ðoàn Thị Ðiểm (Hà Nội) trong giờ học kỹ năng sống. Ảnh: LONG THÀNH
Học sinh Trường tiểu học Ðoàn Thị Ðiểm (Hà Nội) trong giờ học kỹ năng sống. Ảnh: LONG THÀNH

Vì vậy, khi xây dựng chương trình môn học, biên soạn sách giáo khoa mới, Bộ Giáo dục và Ðào tạo (GÐ và ÐT) cần bảo đảm yêu cầu về bình đẳng giới trong nội dung bài học và hoạt động giáo dục.

Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà đánh giá: Một trong những nguyên nhân đang cản trở nỗ lực thu hẹp khoảng cách giới, nhất là trong lĩnh vực giáo dục là do định kiến, quan niệm về vai trò của phụ nữ và nam giới đã ăn sâu trong nhận thức xã hội.

Những khuôn mẫu giới đó khó có thể thay đổi một sớm một chiều, mà cần cả quá trình, trong đó, cần giáo dục trong nhà trường về bình đẳng giới cho học sinh. Học sinh nếu được giáo dục tốt về bình đẳng giới từ sớm, sẽ định hình suy nghĩ, hình thành tính cách, thói quen và hành vi ứng xử bình đẳng.

Theo Bộ GD và ÐT, khi phân tích 76 cuốn sách giáo khoa của sáu môn học (từ lớp 1 đến lớp 12), phần lớn nhân vật xuất hiện trong nội dung văn bản và hình ảnh là nam giới.

Ngoài ra, nhiều thí dụ trong sách giáo khoa về các nhân vật quan trọng, nổi tiếng được thống kê có tới 95% là nhân vật nam. Việc chênh lệch giữa nhân vật nam và nữ cũng có sự khác biệt theo các cấp học, càng lên cấp học cao thì chênh lệch càng lớn, nhất là ở cấp THPT. Nghề nghiệp của nhân vật nam trong sách giáo khoa cũng đa dạng hơn nghề nghiệp của nữ giới.

Thầy giáo Nguyễn Thành Trung, dạy môn Giáo dục công dân, Trường THPT chuyên Trần Phú (Hải Phòng) cho rằng, khi dạy môn Giáo dục công dân, giáo viên chủ yếu tích hợp kiến thức về môi trường, phòng, chống tham nhũng, ít đề cập đến bình đẳng giới, thậm chí không giảng dạy.

Vì vậy, muốn xóa bỏ khoảng cách về bình đẳng giới, bản thân giáo viên phải tự chủ lồng ghép, tích hợp các kiến thức, nội dung, hình ảnh về bình đẳng giới. Tuy nhiên, nội dung, hình ảnh trong sách giáo khoa cũng không nên cào bằng.

Thí dụ, trong giáo dục mầm non, tiểu học, phần lớn giáo viên là nữ giới. Do đó, không nên điều chỉnh về mặt cơ học mà điều chỉnh theo lĩnh vực nghề nghiệp, đặc điểm, năng lực, tính chất công việc của cả hai giới cho phù hợp.

Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Trần Phú (Hải Phòng) Ðỗ Thị Hòa cho rằng, muốn làm được điều này không chỉ tăng cường hình ảnh, nội dung về bình đẳng giới mà cần thay đổi quan niệm, tạo nhiều việc làm, coi trọng hơn vai trò, vị thế của phụ nữ trong xã hội.

"Tích hợp nội dung, hình ảnh bình đẳng giới trong sách giáo khoa mới chỉ giải quyết được về mặt lý thuyết. Trong khi đó, những quyết sách và thực tiễn xã hội luôn là bức tranh sinh động nhất về bình đẳng giới hiện nay. Nếu không có điều chỉnh phù hợp sẽ khó xóa bỏ được khoảng cách về bình đẳng giới", cô Hòa chia sẻ.

TS Nguyễn Thị Mai Hoa, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng, cần xây dựng chương trình giáo dục về bình đẳng giới, giới tính phù hợp từng giai đoạn, lứa tuổi học sinh để các em sớm được tiếp cận, có đủ kiến thức, kỹ năng bảo vệ bản thân.

Muốn làm tốt điều đó, trước hết, cần thay đổi nhận thức của những người xây dựng chương trình giáo dục phổ thông, cụ thể là đội ngũ những người thực hiện chương trình môn học, hoạt động giáo dục cũng như biên soạn và viết sách giáo khoa; thay đổi nhận thức về bình đẳng giới đối với cán bộ quản lý giáo dục các cấp, giáo viên, phụ huynh và học sinh, từng bước xóa bỏ định kiến về giới trong sách giáo khoa.

"Chúng ta cứ loay hoay mãi, còn nhiều bất cập về giới trong chương trình. Nếu không tăng tốc, quyết liệt trong giai đoạn này, mục tiêu về bình đẳng giới của Việt Nam bị bỏ rất xa so với các nước trong khu vực và thế giới", TS Nguyễn Thị Mai Hoa trăn trở.

GS, TS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông tổng thể cho biết, nội dung giáo dục giới tính và bình đẳng giới sẽ được đưa vào chương trình sớm hơn.

Cụ thể, ở cấp tiểu học sẽ lồng ghép về giới và bình đẳng giới trong sách Ðạo đức, Tiếng Việt, Khoa học (lớp 4, 5), Tự nhiên xã hội (lớp 1, 2, 3) và các môn Giáo dục thể chất, Hoạt động trải nghiệm sáng tạo; cấp THCS, sẽ lồng ghép vào môn Giáo dục công dân, Khoa học tự nhiên, Giáo dục thể chất, Hoạt động trải nghiệm; cấp THPT sẽ lồng ghép nhiều môn, chủ chốt là Ngữ văn, Sinh học, Hoạt động trải nghiệm, Giáo dục thể chất, Giáo dục kinh tế và Pháp luật…

Thứ trưởng Bộ GD và ÐT Nguyễn Thị Nghĩa cho biết, bình đẳng giới sẽ được quán triệt trong xây dựng chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới, bảo đảm cơ hội tiếp cận giáo dục của trẻ em trai và trẻ em gái như nhau.

Bình đẳng giới là vấn đề quan trọng, được Bộ GD và ÐT rất quan tâm, coi là yêu cầu tất yếu, bắt buộc trong xây dựng chương trình giáo dục chung cũng như chương trình các môn học và sách giáo khoa.

Vấn đề giáo dục giới tính, sức khỏe sinh sản cũng được quán triệt trong quá trình xây dựng chương trình và sách giáo khoa, nhất là trong các chương trình ngoại khóa, giáo dục kỹ năng sống.

Theo Nhân Dân

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ