Xóa bạo hành trong môi trường giáo dục

GD&TĐ - Trẻ em bị bạo hành không chỉ tổn thương về thể chất, mà còn sang chấn tâm lý dai dẳng. 

Trẻ em học tại Trường Mầm non Ngôi Sao Sáng (TP Thủ Đức, TPHCM). Ảnh: Hồ Phúc
Trẻ em học tại Trường Mầm non Ngôi Sao Sáng (TP Thủ Đức, TPHCM). Ảnh: Hồ Phúc

Do đó, cần có biện pháp xử lý nghiêm khắc đối với hành vi bạo hành và đưa ra giải pháp kịp thời nhằm đảm bảo an toàn cho trẻ, đặc biệt trong môi trường giáo dục và nuôi dưỡng.

Cần tấm lòng yêu trẻ

Chia sẻ về vụ bạo hành trẻ ở Mái ấm Hoa Hồng (Quận 12, TPHCM), chị Phạm Hoàng Yến (ngụ quận Bình Thạnh, TPHCM) không khỏi xót xa. Chị cho rằng việc quấy khóc, nhớ mẹ hay chưa tập được thói quen vệ sinh đúng chỗ hay nghe lời thầy cô là điều hiển nhiên ở trẻ. Vậy nên thật tồi tệ khi bạo hành lại xảy ra ở một môi trường giáo dục, nuôi dưỡng như Mái ấm Hoa Hồng.

“Tôi thực sự không hình dung được những đứa trẻ có hoàn cảnh đặc biệt đã rất bất hạnh, vậy mà còn bị bạo hành. Cũng có con nhỏ, đọc những tin tức về bạo hành trẻ, tôi không cầm được nước mắt, chỉ mong mỗi người chăm trẻ hãy yêu nghề, yêu trẻ. Những người bạo hành trẻ cần có hình phạt đủ sức răn đe để câu chuyện đau lòng này không lặp lại”, chị Yến chia sẻ.

Mọi người hay ví người chăm trẻ phải có “ba đầu sáu tay” vì trung bình một cô phải chăm từ 10 - 20 trẻ, có lớp hơn 30 trẻ. Tất cả người chăm trẻ bắt buộc phải được đào tạo chuyên môn, bồi dưỡng phẩm chất đạo đức, rèn luyện trách nhiệm để thực hiện trồng người thì chắc chắn người làm nhiệm vụ đó phải luôn ý thức được công việc mình đang làm và mang sẵn một tấm lòng yêu trẻ.

Cô Vũ Thị Tư Trâm - Hiệu trưởng Trường Mầm non Ngôi Sao Sáng (TP Thủ Đức, TPHCM) thấy đau lòng mỗi khi báo chí phản ánh các vụ việc liên quan đến bạo hành trẻ em. Chăm sóc nhiều trẻ nhỏ cùng lúc yêu cầu người làm nghề phải có sự bao dung, tình thương. Ngay từ thời điểm chọn công việc này, đội ngũ chăm trẻ phải xác định có nhiều áp lực và nếu bản thân chấp nhận được hãy theo nghề.

“Tôi không đồng ý với việc vì quá áp lực mà có những hành vi bạo hành trẻ. Trẻ con như trang giấy trắng, ngoài sự giáo dục của gia đình thì môi trường giáo dục quan trọng để trẻ có hành trang vững chắc”, cô Trâm cho hay.

Theo cô Trâm, bạo lực chưa bao giờ là cách giải quyết vấn đề tốt, mọi câu chuyện đều có thể giải quyết bằng lời nói, nhất là với trẻ nhỏ. Mỗi trẻ sẽ có tính cách khác nhau, đó là lý do người chăm trẻ cần được đào tạo đúng chuyên ngành, có chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm để điều chỉnh hành vi phù hợp với từng trẻ.

“Bác Hồ từng căn dặn “trẻ em như búp trên cành, biết ăn ngủ, biết học hành là ngoan”, vậy nên, chúng ta phải biết nâng niu như thế nào để hàng triệu búp trên cành ấy tươi tốt, được bảo vệ. Đừng bao giờ quên trẻ em vẫn là trẻ em, chuyện ăn ngủ, việc học hành của trẻ em phải được người lớn chăm lo ở mức tốt nhất”, cô Trâm nhấn mạnh.

xoa bao hanh trong moi truong giao duc (2).JPG
Trẻ em được đưa từ Mái ấm Hoa Hồng về Trung tâm Nuôi dưỡng bảo trợ trẻ em Tam Bình. Ảnh: Lâm Ngọc

Nhiều nguy cơ tiềm ẩn

Liên quan đến vấn đề này, ông Phạm Đình Nghinh - Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Quyền trẻ em TPHCM cho rằng, không thể chấp nhận hình ảnh trẻ em bị bạo hành, nhất là trẻ có hoàn cảnh khó khăn, bị bỏ rơi. Những vụ bạo hành trẻ em, xét về hành vi, mức độ không chỉ ảnh hưởng đến tâm lý, mà còn trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng và gây ra nhiều nguy cơ tiềm ẩn khác đối với trẻ.

Cùng quan điểm, BS chuyên khoa I Nguyễn Quang Huy - Phụ trách Khoa Khám bệnh tâm thần, Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2 (Đồng Nai) nhấn mạnh: Trẻ bị bạo hành chịu nhiều hệ lụy, cả về thể chất lẫn tinh thần. Cụ thể, bạo hành có thể gây ra các cơn hoảng sợ, rối loạn giấc ngủ thường xuyên, gặp ác mộng, hoặc gây rối loạn cảm xúc như lo âu quá mức, cùn cáu, thậm chí có thể gia tăng tỷ lệ lạm dụng chất gây hại ở trẻ em.

Theo ông Huy, có thể còn nhiều vụ bạo hành trẻ em khác chưa được biết đến hoặc đang bị che giấu. Để nhận biết trẻ bị ảnh hưởng tâm lý do bạo hành, người xung quanh nên để ý đến các dấu hiệu như trẻ ít giao tiếp, ngủ giật mình, đờ đẫn, kém tập trung, tự cô lập bản thân. Trẻ có các vấn đề về rối loạn hành vi như phá đồ đạc, tự làm tổn thương cơ thể cũng có thể đã chịu ảnh hưởng của bạo hành.

Đặc biệt, khả năng học tập và tham gia các hoạt động tập thể của trẻ bị bạo hành thường rất hạn chế. Do đó, việc khắc phục, giúp đỡ trẻ bị bạo hành cần có sự hỗ trợ nhiều hơn từ chính quyền, đi kèm các giải pháp mạnh mẽ, để trẻ thực sự an toàn, nhất là trong môi trường giáo dục.

“Đối với trẻ sau bạo hành, giáo viên hoặc người chăm sóc trẻ cần tránh những hành vi ứng xử gây sang chấn, đồng thời hỗ trợ tư vấn tâm lý cho trẻ. Nếu trẻ có biểu hiện tâm lý bất ổn rõ rệt, cần đến cơ sở y tế chuyên môn để được tư vấn, điều trị. Trong trường hợp này có thể phải sử dụng thuốc can thiệp cảm xúc và hành vi cho trẻ”, BS Huy khuyến nghị.

“Cần có giải pháp hỗ trợ kịp thời để đảm bảo an toàn với trẻ đang được chăm sóc và nuôi dưỡng tại các mái ấm, cơ sở giáo dục khi phát hiện hành vi bạo hành. Đồng thời, phải có biện pháp xử lý nghiêm khắc đối với người có hành vi bạo hành, ngược đãi trẻ em để tránh tình trạng tương tự xảy ra”, ông Phạm Đình Nghinh - Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Quyền trẻ em TPHCM nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.