Xin đừng vui quá!

GD&TĐ - Thái độ chủ quan hoặc áp lực phải mở cửa cho “bằng anh, bằng em”… rất dễ khiến chúng ta phải trả giá.

Rốt ráo triển khai thực hiện Nghị quyết 128 của Chính phủ, quy định tạm thời “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, nỗ lực phòng chống dịch của Việt Nam ghi nhận khá nhiều thông tin tích cực trong mấy ngày qua.

Đáng kể nhất là đến tối 21/10, toàn bộ 63/63 tỉnh thành cả nước đã đánh giá xong cấp độ dịch, với 26 tỉnh thành đạt mức xanh (mức bình thường mới), 37 tỉnh đạt mức vàng (nguy cơ trung bình), không có tỉnh thành nào mức cam, đỏ, tức nguy cơ cao và rất cao.

Thống kê cũng cho thấy, ở cấp độ xã phường trên phạm vi toàn quốc, màu xanh vẫn là chủ đạo (6.946 xã phường - đạt tỉ lệ 2/3), tiếp đó là mức vàng (2.790). Tỉ lệ xã, phường ở mức cam (98) và đỏ (27) chỉ chiếm khoảng 1,3%.

Kế đó là cùng với việc triển khai tiêm gần 71 triệu liều vắc-xin, trong tổng số hơn 73 triệu liều đã phân bổ toàn quốc, Việt Nam  công nhận hộ chiếu vắc-xin của 72 quốc gia và vùng lãnh thổ, đồng thời trao đổi với gần 80 đối tác khác về vấn đề này.

“Giấy chứng nhận tiêm vắc-xin của Việt Nam cũng đã được một số nước công nhận và có thể dùng để nhập cảnh vào những quốc gia này”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam phát biểu hôm 21/10.

Hay một thông tin khác không kém phần khích lệ là Hà Nội đã đồng ý để 12 nghìn cổ động viên có thể vào sân Mỹ Đình cổ vũ cho thầy trò ông Park Hang-seo trong trận đấu vòng loại thứ 3 World Cup 2022 với Nhật Bản sau nhiều lần trì hoãn.

Những tin vui kể trên mang lại cho người dân sự tin tưởng vào hàng loạt giải pháp, quyết tâm của cả hệ thống chính trị trong việc đương đầu với những thách thức mà dịch bệnh gây ra.

Tuy nhiên, niềm tin sẽ thêm phần vững chắc hơn khi những tồn nghi xung quanh nỗ lực chống dịch thời gian qua được giải quyết rối ráo. Những thắc mắc xung quanh giá xét nghiệm, hiệu quả của các biện pháp được triển khai trong phòng chống dịch thời gian qua... sẽ được mổ xẻ tại diễn đàn của Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa 15 lần này.

Và chắc chắn, dư âm, những bài học kinh nghiệm... sẽ còn được đề cập trong thời gian tới, góp phần không chỉ tăng hiệu quả, giảm thiểu thiệt hại trong phòng chống dịch mà còn làm tăng thêm niềm tin của người dân.

Nhìn ở bình diện chung, chúng ta đang đi đúng hướng. Tuy nhiên, không phải vì quá vui mừng trước những thành quả đã đạt được trong việc thích ứng với tình hình mới, thúc đẩy sản xuất kinh doanh... mà xoay từ thái cực này sang thái cực khác chỉ trong một thời gian ngắn.

Bởi nhắc lại cũng không thừa rằng nguy cơ dịch bệnh có thể tái xuất hiện trên quy mô lớn, với mức độ ảnh hưởng nghiêm trọng tới tất cả các mặt của đời sống là hiện hữu khi các biến thể nguy hiểm, tốc độ lây lan nhanh hơn trước đã được ghi nhận ở một số nơi trên thế giới.

Thái độ chủ quan hoặc áp lực phải mở cửa cho “bằng anh, bằng em”… rất dễ khiến chúng ta phải trả giá. Bởi vậy, vui mừng trước thành quả bước đầu nhưng cũng đừng vì vui quá mà quên đi rằng có được thành quả đấy không chỉ là nỗ lực, quyết tâm của cả bộ máy thời gian qua mà cần phải duy trì trong những tháng ngày tới.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Gió mạnh trong cơn bão gây đổ cây, tốc mái.

Khi nào bão thành 'thảm họa'?

GD&TĐ - Có nhiều nguyên nhân khiến một cơn bão trở nên nguy hiểm và gia tăng mức độ gây thiệt hại lên đời sống của con người.