Thí sinh ồ ạt nộp xét tuyển học bạ: Hồ sơ nhiều, các trường lọc “ảo”

GD&TĐ - Trước bối cảnh dịch bệnh Covid-19 tại TPHCM và các tỉnh lân cận ngày càng phức tạp, nhiều thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển bằng phương thức học bạ. Hồ sơ nộp về các trường tăng mạnh, nhưng nguy cơ  “ảo” cũng rất cao.

Nhiều thí sinh phía Nam lựa chọn phương thức xét tuyển đại học bằng học bạ. Ảnh minh họa
Nhiều thí sinh phía Nam lựa chọn phương thức xét tuyển đại học bằng học bạ. Ảnh minh họa

Tăng đến 40%

Trường ĐH Công nghệ TPHCM (HUTECH) và ĐH Kinh tế - Tài chính TPHCM (UEF) đã công bố điểm chuẩn trúng tuyển theo phương thức xét học bạ đợt 1 năm 2021 vào ngày 31/5. Số lượng hồ sơ xét tuyển theo phương thức này nộp về 2 trường khá cao, với khoảng gần 5 nghìn thí sinh/13 nghìn nguyện vọng xét tuyển. Tuy nhiên, số thí sinh xác nhận nhập học đạt bao nhiêu % trên tổng số hồ sơ xét tuyển, cả hai trường trên đều chưa thể dự đoán, vì tỉ lệ ảo của hồ sơ học bạ năm ngoái khá lớn, lên tới 40 - 50%.

ThS Trương Thị Ngọc Bích - Giám đốc Trung tâm Truyền thông UEF cho biết: So với năm ngoái, số hồ sơ và nguyện vọng xét bằng học bạ THPT tăng rõ rệt. Tuy nhiên, không vì thế các trường an tâm với nguồn tuyển đang có, bởi tỉ lệ “ảo” của phương thức này rất cao.

UEF đã công bố điểm chuẩn trúng tuyển đợt 1 phương thức này, nhưng mức điểm ấy cũng chỉ căn cứ và tính toán theo kinh nghiệm và đối sánh với năm ngoái, nên chưa thể biết mức độ “ảo” sẽ đến đâu.

Dự tính đợi kết quả thi tốt nghiệp THPT xét tuyển vào ngành Tài chính - Ngân hàng của Trường ĐH Tài chính - Marketing và ĐH Ngân hàng TPHCM nhưng do dịch ngày càng phức tạp, Nguyễn Thế Phong - học sinh lớp 12, Trường THPT Phú Nhuận quyết định chọn hình thức xét học bạ vào 2 trường trên. Phong cho biết, nếu trúng tuyển vào 1 trong 2 trường trên em sẽ xác nhận nhập học ngay mà không cần đắn đo.

Thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển học bạ vào Trường ĐH Gia Định.
Thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển học bạ vào Trường ĐH Gia Định.

Điểm khác biệt trong công tác tuyển sinh năm nay là nhiều trường ĐH tăng mạnh tổng chỉ tiêu cho phương thức xét học bạ THPT, cũng như sớm công bố điểm chuẩn trúng tuyển của phương thức này. Trước đó, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành và ĐH Gia Định đã công bố điểm trúng tuyển học bạ từ tháng 5. Sớm hơn nữa là Trường ĐH Tây Đô, ĐH Văn Lang và ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM.

Ghi nhận nhanh từ các trường ĐH trong và ngoài công lập cho thấy, số hồ sơ xét học bạ THPT năm nay tăng mạnh, có trường tăng tới 42% so với năm trước. Đơn cử, Trường ĐH Nông Lâm STPHCM tính đến thời điểm hiện tại số hồ sơ xét học bạ đã vượt 13 nghìn/1,7 nghìn chỉ tiêu của phương thức này tại cơ sở chính và 2 phân hiệu.

Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM kết thúc đợt 1 nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển học bạ từ đầu tháng 5. Nhà trường nhận được 7.031 hồ sơ. Ở đợt nhận học bạ tiếp theo số lượng cũng tăng rất nhanh. Đối sánh với tỉ lệ hồ sơ cùng thời điểm so với năm ngoái, năm nay tăng ít nhất 40%.

ThS Phạm Thái Sơn - Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông nhà trường cho biết: Năm nay trường dành 40% tổng chỉ tiêu cho phương thức này. Tuy nhiên, theo ông Sơn, muốn tuyển đủ hơn 1,4 nghìn chỉ tiêu của phương thức trên thì số hồ sơ đạt điều kiện trúng tuyển thậm chí phải ở con số 8 - 9 nghìn, vì “ảo” rất cao.

Thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển đại học bằng phương thức xét học bạ tại Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM.
Thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển đại học bằng phương thức xét học bạ tại Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM.

Giảm ảo bằng cách nào?

Ông Bùi Quang Trung - Trưởng phòng Tuyển sinh & Truyền thông Trường ĐH Nguyễn Tất Thành cho biết: Số hồ sơ xét học bạ nộp về trường là trên 20 nghìn (online 12 nghìn và trực tiếp hơn 8 nghìn).

“So với tổng chỉ tiêu tuyển sinh năm nay hơn 7,1 nghìn, chúng tôi không quá lo ngại về nguồn tuyển. Tuy nhiên, thực tế năm ngoái cho thấy tỉ lệ “ảo” của số nguyện vọng và hồ sơ từ phương thức này rất lớn. Trong khi các trường chưa được phép công bố thí sinh trúng tuyển (chưa thi tốt nghiệp THPT) nên việc dự báo tỉ lệ “ảo” rất khó”, ông Bùi Quang Trung nói.

Đồng quan điểm, TS Trần Đình Lý - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Nông Lâm TPHCM cho rằng: Hiện chưa có giải pháp hiệu quả nào hạn chế và lọc bớt tỉ lệ “ảo” của phương thức xét học bạ, bởi thí sinh được quyền nộp hồ sơ vào nhiều trường.

Việc lọc “ảo” chỉ có thể hiệu quả khi kỳ thi tốt nghiệp kết thúc, khi đó các trường đủ điều kiện công bố thí sinh trúng tuyển và yêu cầu xác nhận nhập học từ thí sinh. Quy chế thi và tuyển sinh của Bộ GD&ĐT đã quy định rất rõ khi thí sinh trúng tuyển các phương thức trước, các trường phải cập nhật trên hệ thống để xóa khỏi dữ liệu, nhường cơ hội lại cho thí sinh khác.

Theo TS Nguyễn Trung Nhân - Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Công nghiệp TPHCM, để giảm tỉ lệ ảo, ngoài việc nghiên cứu mức điểm chuẩn trúng tuyển phù hợp (căn cứ trên số hồ sơ, nguyện vọng và cả nhóm ngành nghề), nhà trường còn khống chế số nguyện vọng thí sinh được phép đăng ký xét tuyển là 5.

Năm nay, tỉ lệ xét tuyển bằng phương thức này gia tăng mạnh do dịch bệnh Covid-19 nhưng theo TS Nhân mọi thứ chưa thể lường trước được điều gì. Bởi dù số lượng nguyện vọng đăng ký xét vào các trường hiện rất cao, nhưng 2 - 3 tuần tới nếu dịch được khống chế, Kỳ thi tốt nghiệp THPT diễn ra đúng như kế hoạch, “gió có thể đổi chiều”, số lượng nguyện vọng xét “ảo” sẽ còn cao hơn năm trước nhiều.

TS Mai Đức Toàn - Trưởng phòng Tuyển sinh & Truyền thông Trường ĐH Gia Định nhìn nhận: Tỉ lệ hồ sơ “ảo” cao tùy thuộc vào từng ngành và từng trường. Vì vậy, để hạn chế tỉ lệ hồ sơ “ảo”, ngoài công tác truyền thông về nguy cơ mất cơ hội học ngành mình yêu thích khi “đứng núi này trông núi nọ”, các trường cần thường xuyên thông tin về tỉ lệ chọi của nhóm ngành nghề “hot” tại trường nhằm giúp thí sinh có cái nhìn rõ hơn, chắc chắn với chọn lựa của mình. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ronaldo và Messi văng khỏi danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Ronaldo và Messi đón tin kém vui

GD&TĐ - Bộ đôi siêu sao của bóng đá thế giới vắng mặt trong danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Minh họa/INT

Truyện ngắn: Hậu phương yêu thương

GD&TĐ - Mấy hôm nay gió bấc đã tràn về đảo nhỏ. Lão gió gào thét lùng sục khắp các ngõ ngách, thấy cái gì cũng lật tung lên như thể để tìm kiếm thứ gì đó.