Xét tuyển người tài

GD&TĐ - Ngay ngày đầu tháng 10 mùa Thu, một tin vui thực sự đã đến, khi Ban Tổ chức Trung ương công bố quyết định tuyển dụng 10 công chức là sinh viên tốt nghiệp xuất sắc.

Xét tuyển người tài

Thực ra, chuyện tuyển dụng vốn chẳng có gì xa lạ, bởi nó diễn ra thường xuyên, là nhu cầu tất yếu của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp… Ở nhiều quốc gia, việc “săn đầu người” còn được tiến hành chuyên nghiệp, bài bản, ngay từ khi sinh viên còn ngồi trên ghế nhà trường. Nhưng, việc chỉ tuyển 10 người lại trở thành tin vui, bởi đây là lần đầu tiên Ban Tổ chức Trung ương tuyển dụng công chức, tạo nguồn cán bộ theo diện xét tuyển từ những sinh viên xuất sắc.

Từ tháng 5/2019, thông báo tuyển dụng theo chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ đã được công bố, với các tiêu chuẩn cụ thể, vị trí công tác, chuyên môn nghiệp vụ rõ ràng sau khi được xét tuyển. Sau gần 5 tháng “đãi cát, tìm vàng”, 10 người trẻ xuất sắc được lựa chọn.

Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Thanh Bình chúc mừng 10 công chức trẻ và đề nghị tất cả nhanh chóng tiếp cận, tìm hiểu lĩnh vực được phân công; chấp hành tốt nội quy đơn vị nhận công tác. Ông đề nghị các nhân sự mới không ngừng học tập, làm việc với thái độ cầu thị, tâm huyết và quyết tâm. Trong thời gian đầu còn bỡ ngỡ, từng người phải cố gắng khắc phục khó khăn để bảo đảm công việc đạt hiệu quả.

Tìm được người xuất sắc là tốt, nhưng mọi việc không thể dừng lại. Bởi giữa lý thuyết và thực tiễn, bằng cấp và công việc, thành tích và quá trình làm việc luôn có những khoảng cách không nhỏ. Để những “hạt giống” có thể nảy mầm, đâm chồi, đơm hoa kết trái cần có môi trường làm việc tốt, công bằng, khuyến khích sự sáng tạo, phát triển năng lực của những người trẻ. Cần có sự nỗ lực phấn đấu của chính những người vừa được đặc cách xét tuyển. Và cả sự dìu dắt, chỉ bảo tận tâm, trách nhiệm, công bằng của những người đi trước…

Từ câu chuyện xét tuyển lần đầu của Ban Tổ chức Trung ương, lại nhớ đến tư tưởng của Bác Hồ về “Tìm người tài đức”, như tiêu đề bài viết của Người đăng trên Báo Cứu quốc, ra ngày 20/11/1946. Bài viết như “chiếu cầu hiền” gửi quốc dân đồng bào, với lời lẽ chân tình, cầu thị, coi trọng người tài đức, đồng thời không quên nhận khuyết điểm, bởi: “E vì Chính phủ nghe không đến, thấy không khắp, đến nỗi những bậc tài đức không thể xuất thân. Khuyết điểm đó tôi xin thừa nhận”.

Và rồi, nhiều người tài đức cả ở trong và ngoài nước đã chung tay gánh vác việc nước, việc dân, với việc tìm hiểu, phát hiện và đặt vào những vị trí đều có thể phát huy hết khả năng, sở trường của mỗi người.

Có lẽ, việc lần đầu tiên Ban Tổ chức Trung ương xét tuyển 10 công chức vào ngày đầu tháng 10 cũng là tín hiệu tích cực trong công tác tuyển chọn nhân sự, tìm kiếm người tài, cũng là biểu hiện sinh động của việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Việc này, cũng cần nhân rộng…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ