Xét tuyển Đại học dựa vào chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế: Để cơ hội thành hiện thực

GD&TĐ - Mùa tuyển sinh năm nay, nhiều cơ sở giáo dục đại học sử dụng phương thức xét tuyển dựa trên chứng chỉ quốc tế như: SAT, ACT, A-Level, IELTS.

Tiêu chí xét tuyển thông qua chứng chỉ ngoại ngữ đang được nhiều trường ĐH áp dụng. Ảnh minh họa
Tiêu chí xét tuyển thông qua chứng chỉ ngoại ngữ đang được nhiều trường ĐH áp dụng. Ảnh minh họa

Hiện, các trường và thí sinh đã chủ động, sẵn sàng tâm thế để tham gia “ứng tuyển”.

Đơn thuần là một phương thức xét tuyển

PGS.TS Nguyễn Phong Điền – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội – cho biết: Hội đồng tuyển sinh của trường đã dự kiến phương thức tuyển sinh đại học chính quy năm 2022, gồm: Xét tuyển tài năng; kết quả Kỳ thi đánh giá tư duy; dựa trên điểm thi tốt nghiệp THPT 2022. Riêng phương thức xét tuyển tài năng, nhà trường sử dụng xét tuyển dựa trên các chứng chỉ quốc tế SAT, ACT, A-Level. Điều kiện dự tuyển là: Thí sinh được công nhận tốt nghiệp THPT, điểm trung bình chung học tập từng năm học lớp 10, 11 và 12 đạt từ 8,0 trở lên và chỉ áp dụng đối với thí sinh tốt nghiệp THPT năm 2022.

Đối với thí sinh có chứng chỉ IELTS (Academic) 5.0 trở lên có thể sử dụng để quy đổi điểm tiếng Anh để xét tuyển các tổ hợp A01, D01, D07 và các tổ hợp xét tuyển theo Kỳ thi đánh giá tư duy (thông qua hệ thống quy đổi của nhà trường). Điều kiện ngoại ngữ (tiếng Anh) đối với các chương trình tiên tiến, chương trình đào tạo quốc tế giảng dạy bằng tiếng Anh sẽ áp dụng chuẩn đầu vào từ năm 2023.

Nhiều thí sinh xác định dùng chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế để xét tuyển vào đại học. Ảnh minh họa/TG
Nhiều thí sinh xác định dùng chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế để xét tuyển vào đại học. Ảnh minh họa/TG

Mùa tuyển sinh năm 2022, Trường ĐH Ngoại thương tiếp tục giữ ổn định 6 phương thức như những năm trước; trong đó có phương thức xét tuyển kết hợp giữa chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế và kết quả học tập dành cho thí sinh hệ chuyên và hệ không chuyên; hoặc kết hợp giữa chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế và chứng chỉ năng lực quốc tế (SAT, ACT, A-level), áp dụng cho các chương trình giảng dạy bằng tiếng Anh và Ngôn ngữ thương mại. Theo PGS. TS Vũ Thị Hiền - Trưởng phòng Quản lý đào tạo, ngoài ra, Trường ĐH Ngoại thương còn có phương thức xét tuyển kết hợp giữa chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế và kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2022, áp dụng cho các chương trình giảng dạy bằng tiếng Anh và Ngôn ngữ thương mại.

Trường ĐH FPT xét tuyển ngành Ngôn ngữ Anh với những thí sinh có chứng chỉ tiếng Anh TOEFL iBT từ 8.0, IELTS (Học thuật) từ 6.0 hoặc quy đổi tương đương. Ngành Ngôn ngữ Nhật: Có chứng chỉ tiếng Nhật JLPT từ N3 trở lên.

Một số đơn vị đã thông báo lịch thi IELTS đến tháng 6/2022. Ảnh minh họa: Internet
Một số đơn vị đã thông báo lịch thi IELTS đến tháng 6/2022. Ảnh minh họa: Internet

Thí sinh chủ động

Theo đại diện các trường, việc mở rộng phương thức xét tuyển (có sử dụng chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế) là một trong những phương thức nhằm tăng cơ hội cho thí sinh. PGS.TS Nguyễn Phong Điền – trao đổi: Thí sinh cần chủ động tham gia kỳ thi của các trung tâm, tổ chức được cấp phép để có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế, để bảo đảm đủ điều kiện khi tham gia xét tuyển vào trường (nếu có nhu cầu). Nhà trường không tổ chức và cũng không liên kết để tổ chức thi cấp chứng chỉ cho thí sinh. Trường ĐH Bách khoa Hà Nội chỉ xét dựa trên hồ sơ của thí sinh với đủ minh chứng. Trong trường hợp nếu không tuyển đủ chỉ tiêu ở phương thức này, nhà trường sẽ có phương án điều chỉnh hợp lý. Tuy nhiên, ở thời điểm này nhà trường chưa “chốt” phương án cụ thể.

TS Lê Trường Tùng – Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH FPT – chia sẻ: Dịch bệnh Covid-19 vẫn có diễn biến phức tạp. Đây là trở ngại cho các thí sinh tham gia các kỳ thi sát hạch để được cấp chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế. Tuy nhiên, còn nhiều thời gian để thí sinh hiện thực hoá điều này. Do đó, việc cần làm lúc này là tập trung học tập, rèn luyện ngoại ngữ nếu có nhu cầu thi để được cấp chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế. “Hiện nhiều trung tâm đã và đang có kế hoạch tổ chức thi (cả trên giấy và trên máy) cho thí sinh có nhu cầu được cấp chứng chứng chỉ” - TS Lê Trường Tùng thông tin.

Theo chia sẻ từ IELTS IDP Việt Nam, với nhu cầu tăng lên cao, Trung tâm luôn cố gắng tối đa sắp xếp lịch thi IELTS cho các thí sinh (đặc biệt với hình thức thi IELTS trên máy, thí sinh được chọn lịch linh hoạt tất cả các ngày trong tuần). Bên cạnh đó, IELTS IDP Việt Nam nhận đăng ký giờ chót để hỗ trợ các thí sinh có nhu cầu cần chứng chỉ gấp. Hiện nay, IELTS IDP cũng đã thông báo lịch thi IELTS tại 24 tỉnh thành trên cả 3 miền Bắc Trung Nam trên website của IDP.

Theo thông báo của Hội đồng Anh, đã có ngày thi, địa điểm thi cụ thể đến tháng 6 năm nay. Phần thi Nghe, Đọc và Viết sẽ được thực hiện trong cùng một ngày. Phần thi Nói có thể được thực hiện cùng một ngày hoặc trong vòng một tuần trước hoặc sau ngày thi Viết (hình thức: Có thể thi trên giấy hoặc trên máy).

Dành gần 3 năm ôn luyện, Nguyễn Thành Vinh – học sinh Trường THPT Sóc Sơn (Hà Nội) – cho biết: Ngay từ khi vừa vào lớp 10, em đặt mục tiêu có chứng chỉ IELTS với thang điểm 6.5 trở lên. Đây sẽ là lợi thế để em có thể tham gia xét tuyển thẳng vào một số trường đại học. Hiện em vẫn tiếp tục tăng cường ôn luyện và đặt lịch thi vào tháng 5. Hy vọng kết quả sẽ như mong muốn.

Ôn luyện IELTS từ năm lớp 10, Huỳnh Minh Tâm (Đống Đa, Hà Nội) hoàn thành việc đăng ký lịch thi vào tháng 2. “Em đang tập trung cao độ cho việc ôn luyện để đạt mục tiêu thang điểm 7.0 trở lên. Dự định của em sử dụng chứng chỉ tiếng Anh IELTS để xét tuyển vào ngành Logistics Trường ĐH RMIT và Trường ĐH Bách khoa Hà Nội. Vì thế, em quyết tâm để đạt được kết quả như ý. Tất nhiên, em vẫn sử dụng các phương thức xét tuyển khác để không bỏ lỡ cơ hội vào đại học” – Minh Tâm bộc bạch.

“Em coi đây là một trải nghiệm để xác định trình độ, năng lực tiếng Anh của mình đang ở ngưỡng nào. Vì thế, em sẽ đăng ký xét tuyển đại học bằng nhiều phương thức khác nhau để tăng cơ hội trúng tuyển cho mình” – Nguyễn Thành Vinh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ