Tuyển sinh 2022: Tăng cơ hội cho thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế

GD&TĐ - Tuyển sinh 2022 ghi nhận nhiều cơ sở giáo dục đại học sử dụng phương thức xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển đối với thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế.

Tiêu chí chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế được nhiều trường ĐH ưu tiên trong tuyển sinh đầu vào. Ảnh minh họa
Tiêu chí chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế được nhiều trường ĐH ưu tiên trong tuyển sinh đầu vào. Ảnh minh họa

Theo các chuyên gia, phương thức này mở ra nhiều cơ hội cho học sinh giỏi ngoại ngữ. 

Chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế lên ngôi?

PGS.TS Nguyễn Thị Hòa - Trưởng phòng Khảo thí và Đảm bảo chất lượng, Trường ĐH Giao thông Vận tải – thông tin: Năm 2022, nhà trường duy trì bốn phương thức tuyển sinh như năm 2021. Theo đó, ngoài việc sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT, kết quả học bạ THPT, tuyển thẳng học sinh giỏi quốc gia, quốc tế; nhà trường còn áp dụng phương thức xét tuyển kết hợp chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế và kết quả thi tốt nghiệp. Dự kiến, nhà trường dành từ 5 - 10% chỉ tiêu cho phương thức này.

Năm 2022, Trường ĐH Thương mại tuyển sinh hơn 4.000 chỉ tiêu với 5 phương thức; trong đó có phương thức xét tuyển kết hợp. Cụ thể, sẽ xét các trường hợp kết hợp chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế/chứng chỉ khảo thí quốc tế (ACT, SAT) còn hiệu lực đến ngày xét tuyển với kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2022, theo tổ hợp xét tuyển tương ứng với ngành (chuyên ngành) đăng ký xét tuyển, theo quy định của trường. Ngoài ra, kết hợp chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế/chứng chỉ khảo thí quốc tế (ACT, SAT) còn hiệu lực đến ngày xét tuyển với kết quả học tập bậc THPT theo quy định của trường.

Thí sinh tham dự ngày hội tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp 2021 – thời điểm dịch Covid-19 chưa bùng phát. Ảnh: TG
Thí sinh tham dự ngày hội tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp 2021 – thời điểm dịch Covid-19 chưa bùng phát. Ảnh: TG

Điều kiện điểm trung bình học tập từng năm học THPT (lớp 10, 11, 12) đối với thí sinh đăng ký xét tuyển theo phương thức xét chứng chỉ ACT, SAT kết hợp với kết quả học bạ phải đạt từ 8,0 trở lên. Điểm bài thi tốt nghiệp THPT năm 2022 môn Tiếng Anh (đối với thí sinh không có chứng chỉ Tiếng Anh quốc tế/chứng chỉ khảo thí quốc tế hoặc đoạt giải học sinh giỏi môn Tiếng Anh phải đạt từ 7,5 điểm trở lên nếu đăng ký xét tuyển vào ngành Ngôn ngữ Anh; đạt từ 7,0 điểm trở lên nếu đăng ký xét tuyển vào các chương trình chất lượng cao/Kế toán tích hợp chương trình ICAEW CFAB).

Năm 2022, tổng chỉ tiêu tuyển sinh của Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia TPHCM) hơn 3.600 sinh viên, dự kiến áp dụng 6 phương thức tuyển sinh. ThS Phùng Quán - Trưởng phòng Thông tin và Truyền thông – cho hay: Các phương thức xét tuyển đều yêu cầu thí sinh phải đáp ứng điều kiện chung là tốt nghiệp THPT. Trong đó, nhà trường dành 5% - 10% chỉ tiêu theo ngành/nhóm ngành áp dụng đối với thí sinh là người Việt Nam học THPT theo chương trình 12 năm của Bộ GD&ĐT.

Cụ thể, thí sinh đạt kết quả học tập xếp loại khá trở lên (đối với các chương trình đào tạo liên kết Việt - Pháp) trong 3 năm lớp 10, lớp 11, lớp 12 có chứng chỉ tiếng Pháp DELF mức B2/TCF B2 hoặc thí sinh đạt kết quả học tập xếp loại giỏi trở lên (đối với chương trình chất lượng cao, chương trình tiên tiến) trong 3 năm lớp 10, lớp 11, lớp 12 và có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế IELTS từ 6.0 trở lên hoặc TOEFL iBT từ 65 trở lên.

Thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế sẽ có thêm cơ hội trúng tuyển đại học. Ảnh: TG
Thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế sẽ có thêm cơ hội trúng tuyển đại học. Ảnh: TG

Tăng cơ hội cho thí sinh

Theo PGS.TS Nguyễn Viết Thái – Trưởng phòng Đối ngoại và Truyền thông, Trường ĐH Thương mại (Hà Nội), việc các trường áp dụng xét tuyển kết hợp có ưu tiên với những thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế là lợi thế với nhiều thí sinh giỏi ngoại ngữ. Ở khía cạnh khác, đây sẽ là động lực để khích lệ học sinh THPT, đặc biệt là các em học lớp 12 chú tâm vào phát triển năng lực ngoại ngữ.

Tuy nhiên, dù là điều kiện quan trọng để áp dụng phương thức xét tuyển kết hợp, nhưng chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế không mang tính quyết định. Tức là, các cơ sở giáo dục đại học nhà trường sẽ xét từ cao xuống thấp cho đến khi đủ chỉ tiêu. Điều này đồng nghĩa với việc, không phải bất kỳ thí sinh nào có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế đều trúng tuyển.

Cho rằng, chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế không bảo đảm chắc chắn để thí sinh có được “tấm vé” vào đại học, TS Võ Thanh Hải – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân (Đà Nẵng) – cho rằng: Mỗi cơ sở đào tạo có đề án tuyển sinh riêng, sẽ được công bố trong thời gian tới. Theo đó, đề án tuyển sinh sẽ hướng dẫn cách tính, hoặc quy đổi chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế. Vì thế, thí sinh cần nghiên cứu kỹ các phương án tuyển sinh, điều kiện xét tuyển đại học để không bị “trượt oan”.

Đồng quan điểm, TS Lê Viết Khuyến – nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) – cho rằng: Những năm gần đây, nhiều cơ sở giáo dục đại học có xu hướng sử dụng đa phương thức tuyển sinh; trong đó có ưu tiên xét tuyển những thí sinh giỏi ngoại ngữ. Theo đó, học sinh có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế sẽ có thêm nhiều cơ hội để lựa chọn ngành học, trường hợp phù hợp.

Tuy nhiên, phần lớn các trường, nhất là những trường tốp đầu chỉ xác định chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế là một trong những điều kiện ưu tiên trong xét tuyển. Vì thế, dù có chứng chỉ này thì thí sinh cũng chưa trúng tuyển đại học. Do vậy, ngay từ bây giờ, thí sinh cần đọc kỹ đề án tuyển sinh của trường mà mình dự định đăng ký xét tuyển; trong đó cần lưu tâm đến các điều kiện cần và đủ khi sử dụng chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế để tham gia xét tuyển; tránh bị hụt hẫng, bất ngờ.

Theo đại diện Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT), hiện các cơ sở đào tạo được tự chủ trong việc xác định phương thức tuyển sinh như: Thi tuyển, xét tuyển và kết hợp giữa thi tuyển với xét tuyển. Việc nhà trường sử dụng nhiều phương thức xét tuyển, trong đó có việc sử dụng các loại chứng chỉ quốc tế khi tuyển sinh sẽ tăng cơ hội trúng tuyển cho thí sinh. Qua đó cũng cho thấy, các trường đã và đang chú trọng nâng cao chất lượng đầu vào. Chuẩn bị kỹ càng để đầu ra đạt chuẩn quốc tế, từ đó tăng cơ hội việc làm cho sinh viên.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ