Xét tuyển đại học công bằng cho tất cả thí sinh

GD&TĐ - Trước những lo lắng của thí sinh về thiệt thòi khi phải thi tốt nghiệp THPT đợt 2, TS Võ Văn Tuấn cho rằng Bộ GD&ĐT đã có chỉ đạo gộp 2 đợt thi tốt nghiệp rồi xét tuyển 1 lần nên công bằng cho tất cả thí sinh.

Thí sinh tìm hiểu ngành nghề đào tạo tại VLU.
Thí sinh tìm hiểu ngành nghề đào tạo tại VLU.

Tại chương trình giao lưu trực tuyến Tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2021 - Không lo “mất chỗ”, do Báo GD&TĐ tổ chức ngày 22/7, TS Võ Văn Tuấn - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Văn Lang (VLU, TPHCM) đã có những chia sẻ, giải đáp hữu ích dành cho thí sinh.

TS Võ Văn Tuấn: "Năm nay, Bộ đã có chỉ đạo gộp 2 đợt thi tốt nghiệp rồi xét tuyển 1 lần nên các em đừng quá lo lắng"
TS Võ Văn Tuấn: "Năm nay, Bộ đã có chỉ đạo gộp 2 đợt thi tốt nghiệp rồi xét tuyển 1 lần nên các em đừng quá lo lắng" 

“Thí sinh thi tốt nghiệp đợt 2 đừng quá lo lắng”

Trả lời câu hỏi của Minhtuan@ “Em nằm trong khu vực phong tỏa nên  phải thi tốt nghiệp vào đợt 2. Em đã đăng ký xét tuyển NV1 vào ngành Thiết kế đồ họa của Trường ĐH Văn Lang. Vậy, em có nhiều cơ hội để được xét tuyển vào trường không?”, TS Võ Văn Tuấn cho rằng, hiện nay ảnh hưởng của bệnh dịch khá căng thẳng, phức tạp, điều này cũng ảnh hưởng không nhỏ đến công tác thi cử cho các em. Hiểu được tâm lý đó, Bộ GD&ĐT nói chung và VLU nói riêng  đang rất nỗ lực đưa ra các biện pháp hỗ trợ tối ưu nhất cho thí sinh trong giai đoạn căng thẳng này. Cụ thể, năm nay, Bộ đã có chỉ đạo gộp 2 đợt thi tốt nghiệp rồi xét tuyển 1 lần.

Đồng thời TS Võ Văn Tuấn cũng lưu ý, đối với các em thuộc diện thi tốt nghiệp đợt 2, VLU sẽ luôn có hỗ trợ riêng. Các em đừng quá lo lắng rằng mình sẽ không đủ chỉ tiêu, hay mình không có đủ cơ hội vào VLU. Trường sẽ đưa ra những thông báo cụ thể nhất đối với các em trong thời gian tới. Bên cạnh đó, các em cũng có thể cân nhắc thêm đến phương thức xét học bạ THPT, thêm một phương thức cũng sẽ giúp các em tăng thêm cơ hội trúng tuyển.

“Các phương thức đều độc lập với nhau và không có sự phân biệt giữa phương thức nào cả. Hiện tại VLU đang xét điểm học bạ THPT đợt 4 đến hết ngày 27/7. Các em có thể tham khảo và cân nhắc việc xét thêm phương thức này để tăng thêm cơ hội vào trường” - TS Võ Văn Tuấn chia sẻ.

Trả lời câu hỏi của Vân Anh  (Thừa Thiên-Huế), “Em đăng ký xét tuyển bằng học bạ. Nếu trúng tuyển hình thức này rồi thì có được đăng ký xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT đợt 2 không?”,  TS Võ Văn Tuấn cho rằng, hiện nay các trường ĐH có nhiều phương thức xét tuyển cho thí sinh lựa chọn, trong đó có phương thức xét tuyển bằng học bạ. Thí sinh cần lưu ý là xét tuyển bằng học bạ và xét tuyển bằng điểm thi THPT là hai phương thức xét tuyển độc lập, song song và không ảnh hưởng kết quả của nhau. Thí sinh có thể cùng lúc đăng ký xét tuyển nhiều phương thức để tăng khả năng trúng tuyển của mình.

“Như vậy, nếu em đã đạt mức điểm của phương xét thương thức xét học bạ, thì em vẫn có thể đăng ký xét tuyển bằng phương thức xét điểm thi THPT. Tuy nhiên, em cần lưu ý, dù xét tuyển bằng phương thức nào thì thí sinh cũng phải đảm bảo mình được công nhận tốt nghiệp THPT” - TS Võ Văn Tuấn  lưu ý.

Sinh viên VLU học thực hành.

 Sinh viên VLU học thực hành.

Lợi thế cân bằng giữa công lập và tư thục

Trả lời câu hỏi của Bình Minh (Cần Thơ) “em thích học ngành báo chí nhưng em được biết hiện nay số trường công lập đào tạo ngành này rất ít nên sẽ cạnh tranh điểm xét tuyển rất cao. Vậy em học trường tư thục rồi đi làm báo có được không?”, TS Võ Văn Tuấn cho rằng trong lực lượng làm báo hiện nay, ngoài các nhà báo tốt nghiệp các trường công lập, vẫn có nhiều nhà báo được đào tạo trong các ngành truyền thông, quan hệ công chúng, văn học ứng dụng ở các trường ngoài công lập. Hơn nữa, nhiều nhà báo vốn được đào tạo đại học các ngành kinh tế, kỹ thuật, khoa học khác…

Đồng thời, Luật Báo chí cũng quy định người được xét cấp thẻ nhà báo thì phải có bằng ĐH, chứ không phân biệt tốt nghiệp trường công lập hay tư thục.

“Khối ngành truyền thông của VLU  có quá trình phát triển bền vững hơn chục năm nay với nhiều nhà báo nổi bật bước ra từ ngành Quan hệ công chúng. Theo học ngành Quan hệ Công chúng và ngành Văn học ứng dụng tại VLU, sinh viên sẽ được trang bị các kiến thức chuyên môn như kiến thức báo in, báo nói, báo hình, báo trực tuyến;

Bên cạnh đó là các kỹ năng về hoạt động báo chí, truyền thông hiện đại như: Kỹ năng nghiên cứu, viết, biên tập, tổ chức tòa soạn, tổ chức sự kiện, hội nghị, họp báo, tư vấn chiến lược, sản xuất chương trình video, tổ chức điều tra dư luận xã hội…” -  TS Võ Văn Tuấn  chia sẻ - “Năm 2021, VLU mở thêm ngành Truyền thông đa phương tiện, thêm một lựa chọn cho thí sinh yêu thích khối ngành PR - Truyền thông”. 

SV ngành Răng Hàm Mặt tại VLU.
SV ngành Răng Hàm Mặt tại VLU.

Liên quan đến đào tạo ngành Y, trả lời câu hỏi “Em nghe nói, nhiều nơi không muốn tiếp nhận SV học ngành Y ở các trường tư thục. Không biết thực hư thế nào? Học ngành Y do các trường tư thục đào tạo thì cơ hội việc làm ra sao, thưa thầy?”, TS Võ Văn Tuấn cho rằng, hiện chưa có thông tin chính thức nào về việc không tiếp nhận sinh viên học ngành Y đến từ các trường tư thục. Do đó, thông tin thí sinh nghe  là không chuẩn xác.

“Theo tôi được biết sắp tới đây, Nhà nước sẽ thành lập Hội đồng y khoa quốc gia và Hội đồng này sẽ tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực y khoa dành cho tất cả những SV tốt nghiệp ngành Y trước khi hành nghề. Do đó, lợi thế sẽ cân bằng cho tất cả các SV ngành Y thuộc trường công lập hay tư thục. Nên em yên tâm” - TS Võ Văn Tuấn lưu ý.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giá của thi trên mạng

GD&TĐ - Một phụ huynh có con đang học tại Trường Tiểu học Ngô Quyền (Đà Nẵng) đã mất 55 triệu đồng vì đăng ký cho con dự cuộc thi viết chữ đẹp trên mạng.