Xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2024: Khả năng điểm chuẩn tăng

GD&TĐ - Số lượng đăng ký nguyện vọng vào nhiều trường đại học tăng mạnh, khả năng điểm chuẩn theo phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT sẽ tăng.

Thí sinh tìm hiểu thông tin tuyển sinh vào Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TPHCM) năm 2024. Ảnh: Lê Nam
Thí sinh tìm hiểu thông tin tuyển sinh vào Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TPHCM) năm 2024. Ảnh: Lê Nam

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, điểm chuẩn còn phụ thuộc vào số lượng nguyện vọng của thí sinh cho từng ngành.

Số lượng nguyện vọng tăng

Năm nay, Trường Đại học Sư phạm TPHCM ghi nhận trên 31.000 thí sinh đăng ký xét tuyển (tăng gấp đôi so với năm 2023). Trong đó, tổng số nguyện vọng xét tuyển vào trường đạt gần 52.000, gấp 2,2 lần so với năm 2023. Con số trên bao gồm các thí sinh và nguyện vọng đủ điều kiện trúng tuyển sớm đã đăng ký thành công trên hệ thống Hỗ trợ tuyển sinh chung của Bộ GD&ĐT.

TS Huỳnh Trung Phong - Giám đốc Trung tâm hỗ trợ sinh viên và phát triển khởi nghiệp, Trường Đại học Sư phạm TPHCM biết, năm nay, số lượng nguyện vọng xét tuyển vào trường bằng bất kỳ phương thức nào cũng tăng. Số lượng chỉ tiêu còn lại dành cho phương thức xét tuyển sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT của các ngành dao động từ 10 - 60% theo đúng đề án tuyển sinh.

“Điểm chuẩn phải cân nhắc trên nhiều yếu tố, trong đó quan trọng nhất là số lượng nguyện vọng nộp vào từng ngành. Với tình hình hiện nay, điểm chuẩn hầu hết ngành từ giữ nguyên đến tăng so với năm ngoái”, TS Phong cho hay.

Năm nay, Trường Đại học Sư phạm TPHCM tuyển 43 chuyên ngành đào tạo, trong đó nhiều chương trình lần đầu được tuyển sinh tại Phân hiệu Long An. Giữa tháng 7, Trường Đại học Sư phạm TPHCM công bố điểm chuẩn phương thức xét tuyển sử dụng kết quả học tập THPT. Theo đó, điểm chuẩn cao nhất ở ngành Sư phạm Hóa học 29,81 điểm. Như vậy, thí sinh phải có điểm trung bình mỗi môn trong tổ hợp xét tuyển hơn 9,93 mới có thể trúng tuyển.

Tương tự, Trường Đại học Sài Gòn - cơ sở giáo dục đại học có đào tạo khối ngành Sư phạm ở TPHCM cũng ghi nhận số nguyện vọng đăng ký tăng so với năm ngoái. Cụ thể, trường có hơn 41.000 thí sinh đăng ký xét tuyển vào trường với tổng số nguyện vọng hơn 64.900.

Năm ngoái, điểm chuẩn các ngành của trường dao động từ 20,80 - 26,31. Trong số 14 ngành đào tạo giáo viên, có tới 10 ngành, thí sinh cần đạt điểm trung bình mỗi môn từ 8 điểm trở lên mới trúng tuyển. Một số ngành có điểm chuẩn trên 26 điểm như: Sư phạm Tiếng Anh, Sư phạm Toán học…

Vừa qua, Trường Đại học Sài Gòn ra thông báo điều chỉnh chỉ tiêu tuyển sinh các ngành Sư phạm năm 2024. Theo đó, trong 15 ngành Sư phạm, 3 ngành giữ nguyên chỉ tiêu như đã thông báo trước đây là Giáo dục Mầm non 180 chỉ tiêu, Giáo dục Tiểu học 180 chỉ tiêu, Sư phạm Mỹ thuật 40 chỉ tiêu; 12 ngành còn lại chỉ tiêu giảm nhẹ so với thông báo trước đó. Chỉ tiêu nhiều ngành Sư phạm giảm trong khi số nguyện vọng tăng nên điểm chuẩn các ngành đào tạo giáo viên của trường được dự báo tăng mạnh.

Các trường đại học thành viên thuộc Đại học Quốc gia TPHCM cũng ghi nhận số lượng thí sinh đăng ký nguyện vọng tăng so với năm ngoái. Tại Trường Đại học Kinh tế - Luật, số thí sinh đăng ký vào trường tăng khoảng 17%, số nguyện vọng tăng khoảng 13%.

Tại Trường Đại học Công nghệ Thông tin, với tổng chỉ tiêu 2.000 sinh viên năm 2024, nhà trường ghi nhận hơn 8.800 thí sinh đăng ký xét tuyển, tăng hơn 20% so với năm trước. Đặc biệt, các ngành Trí tuệ nhân tạo, Khoa học máy tính, Công nghệ thông tin có số lượng thí sinh đăng ký tăng mạnh.

Theo dự báo của Trường Đại học Công nghệ Thông tin, điểm chuẩn năm nay sẽ tăng từ 0,5 - 1 điểm, tùy ngành. Năm ngoái, điểm chuẩn các ngành của trường dao động 25,4 - 27,8; trong đó dẫn đầu là ngành Trí tuệ nhân tạo, kế tiếp là Khoa học dữ liệu.

Diem chuan co the tang (1).JPG
Sinh viên Trường Đại học Quốc tế (Đại học Quốc gia TPHCM) trong một giờ học. Ảnh: Nguyễn Ngọc

Điểm chuẩn tăng ở nhiều ngành “hot”

PGS.TS Nguyễn Văn Thụy - Trưởng phòng Tuyển sinh và Truyền thông, Trường Đại học Ngân hàng TPHCM cho biết, năm nay nhà trường ghi nhận sự tăng trưởng vượt bậc đối với phương thức xét tuyển. Trong đó, tỷ lệ dành cho phương thức xét kết quả Kỳ thi tốt nghiệp THPT chiếm 35% - 45%. Kết quả đăng ký nguyện vọng cho thấy, số thí sinh đăng ký xét tuyển tăng hơn 30% so với năm 2023.

Số lượng lớn nguyện vọng được ghi nhận ở những ngành mới mở như Marketing, Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng, Công nghệ tài chính, Khoa học dữ liệu và Kinh doanh quốc tế. Các chương trình quốc tế cũng thu hút thí sinh lớn hơn so với năm 2023.

“So sánh kết quả đăng ký nguyện vọng trên cổng thông tin của Bộ GD&ĐT cho thấy các quyết định của thí sinh xét tuyển điểm thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển sớm tập trung phần lớn vào nguyện vọng 1. Kết quả này chứng minh quá trình tìm hiểu thông tin của phụ huynh và thí sinh rất kỹ về các ngành đào tạo, đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất phục vụ quá trình học tập tại trường”, PGS.TS Nguyễn Văn Thụy nhận định và dự báo: Điểm chuẩn năm 2024 của Trường Đại học Ngân hàng TPHCM vẫn ổn định như các năm trước. Trong đó, năm 2023, điểm chuẩn theo phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT vào trường dao động 24,1 - 25,24.

Tại Trường Đại học Công nghiệp TPHCM, với khoảng 8.000 chỉ tiêu tuyển sinh năm 2024, số lượng chỉ tiêu xét tuyển từ kết quả thi tốt nghiệp chiếm xấp xỉ 5.000. Năm nay, số thí sinh đăng ký vào trường tăng ở mức 15% khi có gần 42.000 thí sinh với hơn 60.000 nguyện vọng. Các ngành được dự báo có điểm chuẩn tăng như Quản trị kinh doanh, Marketing, Thương mại điện tử, Công nghệ thông tin, Tự động hoá, Thiết kế vi mạch…

ThS Phạm Thái Sơn - Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông, Trường Đại học Công Thương TPHCM cho biết, năm nay nhà trường có hơn 80.000 nguyện vọng đăng ký xét tuyển, trong đó số lượng nguyện vọng 1 là hơn 13.000. “Số lượng đăng ký nguyện vọng 1 và 2 cao hơn nhiều so với năm ngoái. Tổng số lượng nguyện vọng cao hơn gấp 2 lần, khi con số này năm ngoái chỉ là 37.000”, ông Sơn thông tin.

Đại diện Trường Đại học Công Thương TPHCM dự đoán, điểm chuẩn năm nay của trường dao động 16 - 24,5 (tăng ít nhất 1 điểm so với năm ngoái). Trong đó, mức điểm chuẩn cao nhất ở các ngành “hot” như Marketing, Kinh doanh quốc tế, Logistics và chuỗi cung ứng..., dao động từ 23 - 24,5. Các ngành như Công nghệ thực phẩm, Công nghệ thông tin, Kế toán, Tài chính - Ngân hàng, mức điểm chuẩn từ 22 - 23,5. Các ngành còn lại, điểm chuẩn dự kiến ở mức 16 - 22.

Nhiều trường đại học đã lên kế hoạch công bố điểm chuẩn, phổ biến vào chiều tối 17/8 và ngày 18/8, gồm: Trường Đại học Công Thương TPHCM, Trường Đại học Công nghệ TPHCM, Trường Đại học Kinh tế - Tài chính TPHCM, Đại học Kinh tế TPHCM, Trường Đại học Giao thông Vận tải TPHCM, Trường Đại học Ngân hàng TPHCM, Trường Đại học Mở TPHCM, Trường Đại học Nông Lâm TPHCM, các trường thuộc Đại học Quốc gia TPHCM…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa.

Ngày xưa đi học

GD&TĐ - Chỉ nghĩ thôi mà những kỷ niệm ngày xưa ùa về. Trong thoáng chốc, dường như tôi thấy mình là một cô gái nhỏ ngày đầu được mẹ dắt đến trường...