TP Hà Nội đang triển khai xét nghiệm với quy mô lớn ở nhiều nơi và những đối tượng có nguy cơ cao để chủ động phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn thành phố.
Đợt cao điểm xét nghiệm từ ngày 9/8 đến 17/8, ngành y tế Hà Nội tập trung thực hiện xét nghiệm với tổng số khoảng 1,3 triệu mẫu bằng kỹ thuật RT-PCR.
Những ngày qua, Sở Y tế Hà Nội đã tiến hành xét nghiệm cho người nguy cơ và người tại các khu vực nguy cơ. Toàn thành phố đã lấy được 191.633 mẫu, số đã có kết quả là 72.959 (gồm 8 mẫu dương và 72.951 mẫu âm) và 118. 674 mẫu chưa có kết quả.
Kế hoạch trong ngày 12/8, toàn thành phố tiếp tục lấy thêm 65.000 mẫu cho các đối tượng này để xét nghiệm sàng lọc.
Theo bà Trần Thị Nhị Hà - Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, cùng với chiến dịch tiêm chủng vắc xin lớn nhất trong lịch sử Thủ đô, đây cũng là đợt lấy mẫu xét nghiệm lớn nhất từ trước đến nay trong công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19.
Liên quan đến kế hoạch lấy mẫu xét nghiệm diện rộng của Hà Nội, PGS.TS Trần Đắc Phu - nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho rằng, việc xét nghiệm được thực hiện trên diện rộng nhưng phải có trọng tâm, trọng điểm. Đặc biệt, thành phố cần có kế hoạch cụ thể, đảm bảo quy định phòng chống dịch tránh điểm xét nghiệm thành ổ dịch.
Cũng theo ông Phu thông tin trên báo chí, khi triển khai xét nghiệm trên diện rộng tìm ra người nhiễm bệnh (F0), từ đó phát hiện ra ổ dịch lẩn khuất trong cộng đồng để truy vết, phong tỏa dập dịch, tránh lây lan ra cộng đồng.
Quan trọng hơn, xét nghiệm diện rộng còn giúp thành phố đánh giá được nguy cơ dịch đang ở mức độ nào để tiếp tục đưa ra các biện pháp đáp ứng một cách hợp lý nhất.
Việc xét nghiệm này cũng giúp thành phố đánh giá nguy cơ để quyết định hiệu quả của việc giãn cách xã hội ra sao. Kết quả thu được sau khi triển khai xét nghiệm diện rộng sẽ quyết định cho việc thành phố có tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 17 của UBND thành phố nữa hay không.