Dư luận cho rằng, việc tái diễn cảnh phụ huynh xếp hàng giành suất cho con vào lớp 1 là hình ảnh không đẹp của giáo dục, cách đánh bóng thương hiệu, cạnh tranh không lành mạnh, khuyến khích chạy theo xu hướng chọn trường chọn lớp.
Xếp hàng... theo trend
Hàng trăm phụ huynh ở Hà Nội xếp hàng 6 - 7 tiếng, chờ tới nửa đêm để mua hồ sơ cho con dự tuyển vào lớp 1. Đây là lần thứ hai diễn ra cảnh này ở Trường Marie Curie (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội). Năm ngoái, khoảng 30 phụ huynh đến trường vào lúc 0 giờ, được nhà trường bán hồ sơ sau đó 30 phút.
Để trúng tuyển vào lớp 1 Trường Marie Curie, học sinh phải nộp hồ sơ để tham gia một buổi trải nghiệm. Buổi trải nghiệm của nhà trường dành cho 360 học sinh mua hồ sơ trong ngày 25/2 và nhà trường sẽ chọn ra 180 học sinh trúng tuyển.
Theo thông tin từ nhà trường, dù ngày 25/2 trường mới phát hành hồ sơ nhưng không chờ từ nửa đêm hay rạng sáng như các năm trước, để chắc ăn, phụ huynh đến xếp hàng từ tối. Do đó, từ 15 giờ ngày 24/2, nhiều phụ huynh đã có mặt tại trường thăm dò. Đến 18 giờ, các phụ huynh đã xếp hàng dài tại cổng cho đến gần 2 giờ đêm thì hồ sơ được bán xong.
Theo ông Nguyễn Xuân Khang - Hiệu trưởng Trường Marie Curie, năm nay trường nhận hồ sơ dự tuyển 360 học sinh để chọn 180 em vào lớp 1 trong ngày 25/2. Đến 22 giờ 30 phút ngày 24/2, số người đăng ký trên danh sách đã đủ 360 người. Do đó, sau khi tham khảo ý kiến, trường quyết định phát hành hồ sơ từ 23 giờ ngày 24/2. Ông Khang cũng cho biết, Trường Marie Curie không cho đăng ký online vì lo xảy ra tình trạng “học sinh ảo”. Việc xếp hàng xuyên đêm cho thấy phụ huynh thực lòng muốn cho con theo học.
Anh Nguyễn Quốc Hùng, một phụ huynh ở quận Thanh Xuân, cho biết: "Tôi thấy cách làm này chưa khoa học và có phần không công bằng. Thông báo ngày phát hồ sơ, nhưng thực tế lại phát số sớm vài tiếng. Như vậy sẽ tạo tiền lệ cho những năm sau, mọi người bỏ công việc, ăn uống để xếp hàng sớm hơn, vô tình làm khổ phụ huynh hơn".
Trong khi một số phụ huynh vui vẻ đi xếp hàng tại cổng trường Marie Curie để mua hồ sơ trải nghiệm vào lớp 1 cho con thì không ít người tỏ thái độ phản đối cách làm “phản cảm” của trường khi không áp dụng công nghệ 4.0 trong công tác tuyển sinh, trong đó có việc phát hành và nộp hồ sơ trực tuyến.
Chị Nguyễn Thị Mai, một phụ huynh ở quận Nam Từ Liêm, lại bày tỏ quan điểm: Trường này năm nào cũng làm vậy để PR. Điều này làm khổ phụ huynh vì cứ nghĩ cái gì càng khó có được càng tốt. Nhà trường nên bán hồ sơ trực tuyến theo giờ quy định để tránh tình trạng thức xuyên đêm xếp hàng.
“Theo tôi, việc này không nên tái diễn. Phụ huynh cũng nên có quan điểm rõ ràng, nếu không tuyển sinh trực tuyến sẽ không nộp hồ sơ vào trường. Việc chọn trường ở Hà Nội nay đã đơn giản hơn trước. Có nhiều trường chất lượng tốt, giáo viên giỏi, học phí chấp nhận được và không phải xếp hàng khổ sở như thế…”, chị Mai nói.
Phụ huynh vui mừng khi đăng ký hồ sơ thành công tại trường Marie Curie. |
Không để tái diễn
Việc xếp hàng xin học không phải trường hợp hi hữu ở Hà Nội bởi những năm trước, đã có tình trạng này như tại Trường Mầm non Thành Công A (quận Ba Đình) năm 2010, Trường Mầm non 8/3 (quận Hai Bà Trưng) năm 2011, thậm chí đạp đổ cổng trường tại Trường Tiểu học Thực nghiệm (quận Ba Đình) vào năm 2012.
Tuy nhiên, nhiều năm trở lại đây, nhờ tăng cường cơ sở vật chất, phân tuyến tuyển sinh, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin tuyển sinh đầu cấp, Hà Nội đã khắc phục được tình trạng này. Thống kê cho thấy, chỉ bộ phận nhỏ phụ huynh muốn đăng kí cho con vào các trường chất lượng cao là các trường ngoài công lập. Nhưng việc để cho phụ huynh xếp hàng xuyên đêm thì chỉ có ở Trường Marie Curie.
Thầy Vũ Khắc Ngọc, giáo viên Trung tâm Giáo dục Học mãi, nêu quan điểm: Tôi ngạc nhiên khi năm 2023 mà phụ huynh còn phải xếp hàng chờ mua hồ sơ giấy như thời bao cấp để xin học cho con vào một trường ngoài công lập, trong khi còn nhiều sự lựa chọn khác. Lẽ ra trường chỉ cần tạo form đăng ký trực tuyến, phụ huynh ngồi nhà kích chuột 2 phút là xong việc; Không phải phơi mưa, gió, xếp hàng khổ sở như vậy.
PGS.TS Trần Thành Nam, chuyên gia đến từ Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội, cũng cho rằng: Nhà trường - một không gian giáo dục, thì cách tổ chức phải đặt trọng tâm vào người học và gia đình của họ. Nếu vì người học, nhà trường hoàn toàn có thể mở cổng đăng ký online, vừa thuận tiện, công bằng về mặt cơ hội, đỡ mệt cho phụ huynh, không tốn kém thời gian, mất công việc cũng là gây phí tổn xã hội, vừa phòng nguy cơ mất trật tự, chen lấn.
Qua việc này, nhà trường được quảng bá miễn phí qua truyền thông, tạo ấn tượng ảo về chất lượng giáo dục. Phụ huynh bị hội chứng FoMo (sợ bị bỏ lỡ) càng lên cơn sốt ảo ở những năm sau. Với quan điểm này, PGS.TS Trần Thành Nam đề nghị cơ quan quản lý, cụ thể là Sở GD&ĐT Hà Nội và Phòng GD&ĐT quận Nam Từ Liêm cần có biện pháp giải quyết, không nên để sự việc tiếp tục xảy ra.
Cùng đó, ngành Giáo dục cần đảm bảo “trường nào cũng là trường tốt”, đều đáp ứng hết các yêu cầu cần đạt, chuẩn đầu ra của Chương trình GDPT mới và đảm bảo người học có cơ hội thành công trong tương lai chứ không phải vào một số trường bố mẹ “chen nhau xếp hàng” thì mới khiến con cái học tốt, thành công.
Theo thầy Ngọc, cách Trường Marie Curie, làm trong 2 năm vừa qua cho thấy sự lạc hậu về công nghệ, thiếu trách nhiệm với sức khỏe của phụ huynh, tư duy nặng tính kinh doanh, cạnh tranh không lành mạnh. “Nếu là phụ huynh, tôi không chọn cho con đi học theo cách này. Tôi mong nhà trường cùng phụ huynh sẽ thay đổi cách nhìn nhận để không còn tái diễn tình trạng này”.