Một cuộc triển lãm về nghệ thuật sinh học mang tựa đề “Morbis Artis: Diseases of the Arts” (Morbis Artis: Những căn bệnh của nghệ thuật) diễn ra tại Đại học RMIT (Australia), hiện đang thu hút được nhiều sự chú ý. Trưng bày 11 tác phẩm của các tác giả đến từ các quốc gia khác nhau, triển lãm cung cấp một cái nhìn sâu sắc về nghệ thuật sinh học – một thể loại nghệ thuật ra đời từ những năm 1980, và đang ngày càng được nhiều nghệ sỹ trên thế giới lựa chọn, để thể hiện các cảm hứng sáng tạo của mình.
Nghệ thuật sinh học là “sự kết nối giữa nghệ thuật và sinh học, thông qua các phương pháp thể hiện mới như gien, tế bào sống hoặc động vật…”, nghệ sỹ kiêm nhà bình luận nghệ thuật Frances Stracey định nghĩa. Diễn đạt một cách đơn giản hơn, nghệ thuật sinh học sử dụng da thịt, các tế bào, các bộ phận cơ thể, những chất lỏng chảy ra từ cơ thể… kết hợp với các công nghệ và công cụ video kỹ thuật số hiện đại, để diễn đạt ý tưởng của các nghệ sỹ.
Không gian sáng tạo và trưng bày nghệ thuật, nhưng lại có thể chứa đựng những thiết bị và chi tiết của một phòng thí nghiệm khoa học – đây chính là một trong những đặc trưng lớn nhất của nghệ thuật sinh học. Được đánh giá là một xu hướng mới đang ngày được ưa chuộng của nghệ thuật thế giới, nghệ thuật sinh học góp phần xóa nhòa ranh giới giữa nghệ thuật và khoa học, đưa nghệ thuật lên một tầm cao mới, và giúp khoa học trở nên gần gũi hơn với cuộc sống.
Các nghệ sỹ trong triển lãm “Morbis Artis: Diseases of the Arts” muốn thể hiện góc nhìn khác nhau với các “căn bệnh” đang tồn tại trên thế giới ngày nay, từ đó gửi đi những thông điệp về vẻ đẹp và kỳ vọng của cuộc sống.
Nghệ sỹ Lienors Torre gây ấn tượng khi sử dụng vật liệu thủy tinh để tạo ra những nhãn cầu mắt có kích cỡ lớn. Một phần tác phẩm của cô bao gồm hai nhãn cầu mắt khổng lồ treo phía trước một màn chiếu lớn, trình chiếu hình ảnh những giọt nước mắt rơi liên tục. Bên cạnh đó, nghệ sỹ kê một chiếc tủ đứng chứa các bình thủy tinh đổ nước theo nhiều mức, tạo ra các hiệu ứng ánh sáng khác nhau.
Nghệ sỹ Drew Berry quay lại quá trình phát triển của các virus bệnh herpes, cúm, HIV, đậu mùa… và trình chiếu lên màn hình lớn cho người xem.
Nghệ sỹ nổi tiếng người Australia, Stelarc “đi xa hơn” khi phẫu thuật cấy một chiếc tai vào tay của mình. “Khi nghệ thuật gây ngạc nhiên, nó trở nên thú vị,” Stelarc nói.
Từ một mảnh tai do chắt nội của anh trai danh họa Vincent Van Gogh quyên tặng, nghệ sỹ sống tại Boston (Mỹ) Diemut Strebe sử dụng công nghệ cấy mô để tái tạo lại chiếc tai của họa sỹ nổi tiếng người Hà Lan.
Tác phẩm “Vết thâm tím” của nghệ sỹ Alison Bennet là hình ảnh 3D của một bản scan có độ phân giải cao phần da bị thương. Thông qua màn hình cảm ứng, người xem có thể phóng to thu nhỏ, điều khiển hình ảnh 3D xoay chiều…
Trong tác phẩm “ca khúc của các hiện tượng”, nghệ sỹ Chris Henschke đem đến một chiếc máy ghi lại quá trình phân hủy của các vật hữu cơ như hoa quả…
Hai nghệ sỹ Ferry van Tongeren và Jaap Sinke sử dụng các loài bò sát trong tác phẩm của mình.
(Theo CNN)