Xem xét việc mở rộng cấp xét xử trong quá trình tố tụng

Xem xét việc mở rộng cấp xét xử trong quá trình tố tụng

(GD&TĐ)-Trong 2 ngày 16 và 17/2, tiếp tục Phiên họp thứ 38, Ủy ban Thường vụ QH (UBTVQH) đã đóng góp ý kiến vào dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng dân sự, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật phòng, chống mua bán người và dự án Luật Kiểm toán độc lập.

cv
Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng chủ trì phiên họp

Ða số ý kiến phát biểu thống nhất với việc cần sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng dân sự, nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập trong quá trình thi hành pháp luật, bảo đảm ngày càng tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong tố tụng dân sự.

Nội dung được các đại biểu đặc biệt quan tâm và đóng góp nhiều ý kiến là vai trò của Viện Kiểm sát trong quá trình tố tụng dân sự và có nên mở rộng cấp xét xử trong quá trình tố tụng. Ðại biểu Nguyễn Văn Thuận, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH cho rằng, nếu duy trì vai trò của Viện Kiểm sát từ khi thụ lý đến khi kết thúc vụ việc, tham gia các phiên tòa sơ thẩm, phúc thẩm như đề nghị của ban soạn thảo là không cần thiết và không phù hợp với tinh thần cải cách tư pháp theo Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị. Ðồng tình với quan điểm trên, đại biểu Nguyễn Ðức Chính, Thứ trưởng Tư pháp lập luận, việc kiểm sát viên tham gia tất cả các cuộc họp, các cấp xét xử trong quá trình tố tụng là không cần thiết. Vì theo thông lệ quốc tế, tranh chấp dân sự là việc của hai bên đương sự, nên pháp luật khuyến khích hai bên tự thu xếp trong khuôn khổ pháp luật. Về vấn đề này, đại biểu

Đại biểu Trần Văn Ðộ, Phó Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao không đồng tình với lập luận của ban soạn thảo cho rằng, thời gian qua nhiều vụ tranh chấp dân sự xét xử thiếu chính xác và bị kéo dài do thiếu sự giám sát của cơ quan kiểm sát. Theo đại biểu Trần Văn Ðộ, việc xét xử thiếu chính xác hay bị kéo dài là do trình độ của cán bộ thi hành pháp luật và do nhiều yếu tố khách quan. Do vậy, không nhất thiết phải có sự tham gia của kiểm sát viên trong giải quyết các vụ tranh chấp dân sự.

Về đề nghị mở rộng xét xử án dân sự theo cơ chế kiến nghị và xem xét lại quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm của Hội đồng Thẩm phán như đề nghị của ban soạn thảo, nhiều đại biểu đề nghị không nên mở rộng mà nên giữ nguyên hai cấp xét xử như hiện nay. Ðại biểu Nguyễn Ðức Chính, Thứ trưởng Tư pháp cho rằng, nhiều vụ án dân sự hiện nay phải xét xử hàng chục lần, với thời gian kéo dài hàng chục năm do có những quy định chồng chéo. Do vậy, việc mở rộng cấp xét xử sẽ khiến việc xét xử nhiều bản án trở nên không có điểm dừng. Nhiều đại biểu đề nghị không nên sửa đổi luật theo hướng kéo dài thời hạn và thời hiệu xử lý trong việc giải quyết các tranh chấp dân sự. Ðại biểu Trần Văn Ðộ cho rằng, thời gian qua nhiều vụ việc bị kéo dài, khiến quá thời hạn và thời hiệu xem xét, giải quyết là do năng lực cơ quan tiến hành tố tụng, và cán bộ thụ lý chứ không phải do thiếu thời gian. Do vậy, cần có cơ chế tăng năng lực của các cơ quan tố tụng và năng lực của các bộ thụ lý.  

Giải trình thêm về những vấn đề trên, đại biểu Lê Thị Thu Ba, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của QH cho rằng, quan điểm của ban soạn thảo là xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng dân sự theo hướng ngày càng cải cách, tạo thuận lợi cho người dân theo kịp xu thế thế giới, nhưng phải phù hợp với điều kiện thực tiễn của Việt Nam. Do vậy,  cần thiết có cơ chế để kiểm sát viên tham gia trong quá trình tố tụng dân sự, trên tinh thần tôn trọng sự thỏa thuận của các bên đương sự.

Dự kiến, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng dân sự sẽ được đưa ra xem xét và biểu quyết thông qua tại Kỳ họp thứ 9, QH khóa XII trong tháng 3 - 2011.

Sáng 17/2, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc tiếp thu và chỉnh lý dự án Luật Phòng, chống mua bán người và Dự án Luật Kiểm toán độc lập. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu chủ trì phiên họp.

Nội dung được nhiều đại biểu tham gia thảo luận, cho ý kiến là về tiếp nhận, xác minh nạn nhân bị mua bán người ở trong nước, Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội Trương Thị Mai đề nghị cần phải đơn giản hóa thủ tục để nạn nhân có thể nhanh chóng được hỗ trợ. Đối với trẻ em không nơi nương tựa được làm thủ tục chuyển giao cho cơ sở bảo trợ xã hội, còn không thể tiếp nhận hết các đối tượng có nguyện vọng ở lại.

Bà Trương Thị Mai nêu ý kiến: “Tất cả nạn nhân phải quay trở về, trừ trường hợp trẻ em không nơi nương tựa thì cơ sở xã hội phải lo cho các cháu đến 18 tuổi, còn thành niên, có sức khỏe phải về địa phương hỗ trợ họ làm ăn để có cuộc sống bình thường…”.

Về bảo vệ an toàn cho nạn nhân được quy định tại điều 31 của dự thảo Luật, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, việc quy định các biện pháp bảo vệ an toàn cho nạn nhân là cần thiết nhưng phải chặt chẽ và phù hợp với thực tế. Vì hiện nay, pháp luật đang có nhiều quy định về vấn đề này như: Bộ Luật tố tụng hình sự, Bộ Luật tố tụng dân sự và Dự thảo Luật tố cáo…

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Văn Thuận đề nghị: “Tôi đề nghị cần rà soát lại trong toàn bộ quy định này để tránh chồng chéo. Cần xem lại Luật Phòng chống mua bán người cũng xác định mục đích bảo vệ, giới hạn phạm vi bảo vệ, từ đó mới có biện pháp thích hợp được. Nếu cứ quy định chung chung như thế này tôi sợ rằng không giải quyết được vấn đề”.

Cũng tại phiên làm việc sáng 17/2, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào 3 vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Kiểm toán độc lập. Đó là: Việc cấp, đình chỉ, thu hồi Giấy phép thành lập và họat động của doanh nghiệp hành nghề kiểm toán, chi nhánh, văn phòng, đại diện của doanh nghiệp hành nghề kiểm tóan; tổ chức nghề nghiệp về kiểm toán và Kiểm toán viên hành nghề.

Về Kiểm toán viên hành nghề, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng tình với yêu cầu các kiểm toán viên nước ngoài phải biết tiếng Việt và hiểu biết về luật pháp Việt Nam. Đặc biệt, kiểm toán viên hành nghề phải hiểu báo cáo tài chính bằng tiếng Việt và chịu trách nhiệm đối với chữ ký của mình trong báo cáo kiểm toán tài chính.

Nhiều ý kiến đồng tình với quy định của dự thảo Luật, không yêu cầu bắt buộc kiểm toán hành nghề phải là hội viên của Hội nghề nghiệp vì cho rằng, đây là tổ chức thành lập trên nguyên tắc tự nguyện. Mặt khác, các kiểm toán viên chỉ hành nghề trong các doanh nghiệp kiểm toán và không được phép hành nghề cá nhân

Hùng Sơn
 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ