Xem xét tuyển dụng giáo viên đã kí hợp đồng lao động từ 31/12/2015 trở về trước

GD&TĐ - Chiều 20/9, Bộ Nội vụ tổ chức họp báo cung cấp thông tin định kỳ cho báo chí, giải đáp về một số vấn đề dư luận quan tâm, trong đó có việc gần 3000 giáo viên hợp đồng của Hà Nội không ai được xét tuyển đặc biệt.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng trả lời các vấn đề báo chí quan tâm.
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng trả lời các vấn đề báo chí quan tâm.

Liên quan đến việc gần 3.000 giáo viên hợp đồng của thành phố Hà Nội không ai được xét tuyển đặc biệt, ông Nguyễn Duy Thăng- Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho biết: Bộ Chính trị, Thủ tướng đã có chỉ đạo vấn đề này.

Tinh thần chung là những người đang làm hợp đồng lao động, đã kí hợp đồng lao động từ ngày 31/12/2015 trở về trước, có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc thì xem xét tuyển dụng.

UBND tỉnh, thành phố rà soát lại theo tiêu chuẩn, quy định của Bộ GD&ĐT, quy định vị trí việc làm, chức danh nghề nghiệp, định mức biên chế để xem xét tuyển dụng đặc cách, không qua thi, không theo Nghị định 29, không theo Nghị định 161. Bộ Nội vụ sẽ sớm có văn bản chỉ đạo các địa phương để thống nhất thực hiện theo các văn bản đã  ban hành của Bộ Chính trị và Thủ tướng Chính phủ

Giải thích về vấn đề này, ông Trương Hải Long- Vụ trưởng Vụ Công chức- Viên chức (Bộ Nội vụ) cho biết: Không riêng Hà Nội mà tất cả các địa phương đều phải thực hiện theo tinh thần Nghị quyết số 39, Nghị quyết số 19 của Trung ương và các quy định pháp luật hiện hành.

Với tinh thần chung là không được sử dụng hợp đồng lao động làm công tác chuyên môn nghiệp vụ, Bộ Nội vụ đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan rà soát, tổng hợp, báo cáo Chính phủ trình Bộ Chính trị cho ý kiến liên quan đến biên chế giáo viên, giáo viên hợp đồng và Bộ Chính trị đã có văn bản số 9028 chỉ đạo vấn đề này.

Theo đó, đối với viên chức đã được tuyển dụng, ký hợp đồng trước năm 2015 trong các đơn vị sự nghiệp công lập chưa tự chủ và còn chỉ tiêu biên chế, Chính phủ giao Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố quyết định hình thức tuyển dụng phù hợp với tình hình địa phương.

Về việc điều chuyển giáo viên từ cấp học cao xuống cấp học thấp cũng là một trong những giải pháp để giải quyết tình trạng thừa thiếu giáo viên cục bộ và tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế.

Thời gian qua, Bộ Nội vụ đã phối hợp với Bộ GD&ĐT quy định cụ thể những vướng mắc trong việc chuyển đổi đối với giáo viên, đảm bảo đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và phù hợp với vị trí việc làm đối với cấp học đó.

Liên quan đến vấn đề thiếu giáo viên tại các địa phương năm học 2018-2019, ông Nguyễn Văn Lượng- Quyền Vụ trưởng Vụ Tổ chức Biên chế (Bộ Nội vụ) cho biết: Bộ Nội vụ đã phối hợp với Bộ GD&ĐT đề xuất Thủ tướng Chính phủ, Bộ Chính trị giao bổ sung 20.300 biên chế giáo viên mầm non cho 14 địa phương có tăng dân số cơ học và 5 tỉnh Tây Nguyên.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ