Xem hội họa gắn kết anh em

GD&TĐ - “Anh em” là triển lãm nhóm của 6 họa sĩ từng học chung trường tại Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội.

30 tác phẩm của 6 họa sĩ hội tụ trong triển lãm “Anh em”.
30 tác phẩm của 6 họa sĩ hội tụ trong triển lãm “Anh em”.

30 tác phẩm đa dạng về chất liệu, điêu luyện về kỹ thuật cùng ngôn ngữ biểu hiện phong phú, mộc mạc giàu cảm xúc cùng hội tụ trong Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (66 Nguyễn Thái Học – Hà Nội).

Từ chất liệu truyền thống

Triển lãm nhóm mang tên “Anh em” trưng bày tác phẩm của 6 họa sĩ: Vũ Thái Bình, Lê Thanh Bình, Nguyễn Cao Hoàng, Nguyễn Ngọc Tuấn, Cấn Mạnh Tưởng và Lê Thế Anh.

Họ là các cựu sinh viên Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội, tuy khác khóa nhưng luôn giữ được tình anh em gắn kết. Đặc biệt, khi đến với hội họa họ xem nhau là tri kỷ, cùng tiến và cùng bước trên hành trình nghệ thuật để góp tiếng nói của mình vào quá trình phát triển của nền mỹ thuật.

Vũ Thái Bình được tôn là người anh cả của nhóm. Trước khi đến với chất liệu giấy dó, anh từng trăn trở với nhiều đề tài lẫn chất liệu khác nhau. Sự quăng quật giữa các biên độ và phong cách trong sáng tạo khiến Vũ Thái Bình có những trải nghiệm phong phú.

Đó là một chất liệu truyền thống, và anh nhận ra sự trọn vẹn của giấy dó khi phô diễn sắc màu. Vũ Thái Bình khẳng định giấy dó như mảnh đất thiêng riêng biệt trong “ngôi đền” nghệ thuật của bản thân. Anh vẽ những đề tài giản dị, những thứ dễ làm người ta lãng quên như thể nhắc nhở về những giá trị sống.

Bằng kỹ thuật màu nước trên giấy dó thành thục đến mức tự nhiên, Vũ Thái Bình khiến mỗi đề tài - dù tĩnh vật hay phong cảnh, trừu tượng hay con người cụ thể, đều trở nên mực thước, sang trọng và đầy cảm xúc.

Nguyễn Cao Hoàng lại tham gia triển lãm với các tác phẩm có kích thước vừa và nhỏ, phù hợp với kỹ thuật sơn dầu cổ điển mà anh đang theo đuổi. Là người cầu toàn, Cao Hoàng vẽ một cách chỉn chu và thấu đáo. Với anh, mỗi lớp sơn là một khám phá kỹ thuật.

Việc duy trì sự thăng hoa trong sáng tác khiến tác phẩm của Cao Hoàng khi hoàn thành luôn có bề mặt long lanh, dễ mê dụ công chúng mê đắm trong thế giới sắc màu. Ngắm tranh của anh, người xem thấy một cá tính quá mạnh ở kỹ thuật lẫn cách đặt vấn đề gai góc.

Nguyễn Cao Hoàng thích đặt những đối tượng tĩnh vật ở góc nhìn cận cảnh, thậm chí nằm cao hơn vị trí đường chân trời. Những nhân vật ở tâm thế đĩnh đạc, trực diện với người xem… cùng với không gian thiên về màu tối, khiến tác phẩm có một chiều kích không gian thứ hai, sâu sắc và giàu chiêm nghiệm.

Họa sĩ Lê Thanh Bình là người tìm đến hội họa sau nhiều năm làm công việc tách bạch với môn nghệ thuật này. Tuy vậy, tranh của anh là sự trải nghiệm, với lăng kính đa chiều về cuộc sống.

Lê Thanh Bình thỏa sức thể hiện quan điểm, triết luận của mình thông qua những tác phẩm có kích thước lớn. Đó là một sự dấn thân đầy mạnh mẽ và dũng cảm. Tranh anh có sự kết hợp nhuần nhuyễn của kỹ thuật sơn dầu cổ điển, của cách diễn đạt vấn đề khoa học phương Tây với những đề tài đậm chất chiêm nghiệm phương Đông.

Những không gian lớn được Lê Thanh Bình bung tỏa đến mức choáng ngợp bên cạnh những đối tượng thân thuộc, có tính nhỏ nhoi. Cách đặt cạnh nhau song hành như thế khiến ý đồ nghệ thuật và nội dung tư tưởng đầy tính thuyết phục. Hội họa của Lê Thanh Bình là sự trọn vẹn của vẻ đẹp hình thức và tính sâu sắc của nội dung.

Tranh trên chất liệu giấy dó của Vũ Thái Bình.

Tranh trên chất liệu giấy dó của Vũ Thái Bình.

Đến sự nhuần nhụy sắc màu

Mỗi họa sĩ có những cá tính riêng với cách đặt vấn đề khác nhau, nhưng họ đều giống nhau ở tình yêu vô điều kiện dành cho hội họa. “Anh em” là triển lãm nhóm đầu tiên được tụ hội để cùng nhau đánh dấu sự khởi đầu của sự gắn kết.

Cũng vẽ về đề tài dân tộc miền núi, họa sĩ Cấn Mạnh Tưởng lại ghi một nét riêng với chất liệu sơn mài. Anh là người đi nhiều, để lại dấu chân trên khắp các bản làng miền sơn cước. Chính vì vậy, đề tài miền núi trong các tác phẩm của anh hiện lên rất chân thực, gần gũi và mộc mạc.

Anh chọn những nét bản sắc riêng của người vùng cao, đưa vào tác phẩm nội dung theo ý đồ cá nhân nhưng lại rất tự nhiên. Từ cái mõ trâu đến những họa tiết hoa văn thổ cẩm. Từ một ô cửa sổ với chú mèo nhỏ đến những nếp nhà mái ngói âm dương xanh rêu cũ kỹ. Từ ngõ nhỏ lối về đến những triền đồi trắng xóa hoa mận, hoa mai.

Làm chủ kỹ thuật sơn mài tốt, Cấn Mạnh Tưởng đã lưu lại vẻ đẹp của thiên nhiên con người vùng cao theo phong cách riêng biệt – không giống ai và không để ai giống mình.

Họa sĩ Lê Thế Anh lại chỉ bày các tác phẩm phong cảnh miền núi được vẽ trực họa từ năm 2013 và hoàn thiện gần đây. Sự quan sát trực diện khiến họa sĩ nắm bắt chính xác vẻ đẹp của thiên nhiên. Anh chủ động trong việc chắt lọc những mảng khối để đưa vào tác phẩm đặc trưng của đối tượng.

Việc sử dụng thành thạo và mạnh mẽ trong kỹ thuật đi cọ, nhát bút, đường bay… khiến tác phẩm có sự rung cảm trong màu sắc mà vẫn không đánh mất đi vẻ tinh tế vốn có. Ngắm tranh của Lê Thế Anh, công chúng dễ cảm nhận năng lượng cuộc sống, yêu từ những thứ giản dị nhất.

Nguyễn Ngọc Tuấn là họa sĩ có hoạt động trải dài trên nhiều thể loại, từ thiết kế phim hoạt hình đến minh họa sách. Nhưng với hội họa, anh có những rung cảm nồng đượm với bảng màu mạnh mẽ mà rất tình. Anh sử dụng những nhát bút quấn quýt, đan cài… khiến những vệt màu tưởng như nguyên sắc nhưng rất nhuần nhụy.

Anh nắm bắt rất tài tình các khoảnh khắc của thời gian, thời tiết luân chuyển theo ngày, theo mùa… cảm tưởng như ngửi được mùi hương của nắng gió. Ngọc Tuấn vẽ nhiều phong cảnh, từ phố cổ Hội An đến các tỉnh miền núi phía Bắc với sự rung động mạnh mẽ nhất từ con tim.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.