Xem cấu trúc đề thi Ngữ văn kỳ thi tốt nghiệp THPT 2014

GD&TĐ - Chủ trương đổi mới đề thi tốt nghiệp THPT năm 2014 đã được đưa ra cùng với quá trình xây dựng và hoàn thiện phương án thi.

Xem cấu trúc đề thi Ngữ văn kỳ thi tốt nghiệp THPT 2014
  • Chủ trương đổi mới đề thi tốt nghiệp THPT 2014 tiếp tục được khẳng định trong công văn số 1656/BGDĐT-KTKĐCLGD về việc hướng dẫn tổ chức thi tốt nghiệp THPT năm 2014. 

  • Trong đó nói rõ đề thi môn Ngữ văn có 2 phần: đọc hiểu và làm văn. Các câu hỏi yêu cầu học sinh sử dụng kiến thức, kỹ năng tổng hợp, vốn sống và hiểu biết xã hội để trả lời, không máy móc theo khuôn mẫu có sẵn.
Theo PGS Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định Chất lượng giáo dục (Bộ GD&ĐT), chủ trương đổi mới này dựa trên định hướng đổi mới kiểm tra, đánh giá theo hướng chuyển dần từ đánh giá kiến thức sang đánh giá năng lực của HS theo tinh thần Nghị quyết 29-NQ/TW. 

Chủ trương đổi mới này cũng được đề xuất trên cơ sở thực tiễn dạy học môn Ngữ văn trong các nhà trường, kế thừa những ưu điểm của hình thức thức ra câu hỏi định dạng theo đánh giá PISA đã được triển khai thành công ở nhiều trường THPT nước ta (thực tế cho thấy học sinh thích ứng nhanh với dạng câu hỏi này và đã đạt kết quả khá cao); dạng câu hỏi mở cũng đã được sử dụng trong kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ trong mấy năm gần đây - Ông Mai Văn Trinh nhấn mạnh.

Được biết, định hướng đổi mới kiểm tra, đánh giá các môn học nói chung, môn Ngữ văn nói riêng cũng đã được chỉ rõ trong văn bản hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ năm học 2013 - 2014.

Với các câu hỏi được ra theo dạng “đề đóng” như lâu nay, tính tích hợp (giữa các phân môn Tiếng Việt, Làm văn, Văn học và liên môn) chưa cao. Các câu hỏi chủ yếu đánh giá HS ở hai mức nhận biết và thông hiểu, mức vận dụng hầu như chưa có. 

Có 2/3 câu kiểm tra kiến thức về văn học, về những văn bản (VB) đã học trong chương trình và sách giáo khoa (SGK). Để làm bài, HS thường phải ghi nhớ máy móc nội dung của các bài học, học bài văn mẫu... 

Như vậy, đề thi chưa giúp đánh giá được năng lực Ngữ văn của học sinh cuối cấp THPT.

Đề thi sẽ nâng cao dần yêu cầu qua từng năm và tập trung vào kiểm tra đánh giá 2 kĩ năng quan trọng mà HS cuối cấp THPT phải đạt đến độ thuần thục qua môn ngữ văn, đó là kĩ năng đọc hiểu và kĩ năng viết. Cụ thể là:

+ Kĩ năng đọc hiểu: Thực tế, năng lực đọc hiểu rất quan trọng đối với mỗi người. HS đã được rèn luyện và kiểm tra đánh giá kĩ năng đọc hiểu từ bậc Tiểu học. 

Ở Tiểu học, trong các bài kiểm tra giữa kì, học kì, GV đã đưa vào đề thi những văn bản không có trong SGK. Ở THCS, THPT, đọc hiểu chiếm phần lớn lượng thời gian dạy học của môn Ngữ văn để đạt mục tiêu tốt nghiệp THPT, HS đã có khả năng đọc hiểu tốt. 

Vì vậy, việc kiểm tra đánh giá kĩ năng đọc hiểu trong kì thi tốt nghiệp THPT là việc hoàn toàn bình thường và là yêu cầu bắt buộc. 

Điểm mới chỉ là ở chỗ chuyển từ việc yêu cầu HS học thuộc lòng, ghi nhớ máy móc những nội dung đã đọc hiểu về những văn bản có trong SGK sang việc vận dụng kiến thức, kĩ năng đọc hiểu đã được hình thành, rèn luyện, phát triển vào việc đọc hiểu một hoặc một số văn bản không có trong SGK nhưng có cùng đặc điểm về thể loại, đề tài/chủ đề… 

Cách kiểm tra này sẽ đánh giá khách quan và chính xác hơn năng lực đọc hiểu của HS; tránh được hiện tượng học tủ, học vẹt.

+ Kĩ năng viết: HS cũng đã được rèn luyện kĩ năng viết từ bậc Tiểu học. Đề thi của các năm trước rất coi trọng kĩ năng này (cả 3 câu trong đề thi đều yêu cầu HS trình bày bằng hình thức viết). 

Đề thi mới vẫn coi trọng kĩ năng này. Hơn nữa, đề thi mới sẽ đưa vào những câu hỏi theo hướng “mở” và tích hợp kiến thức liên môn chứ không đưa ra những câu hỏi “đóng” (và cả đáp án “đóng”), yêu cầu HS ghi nhớ kiến thức và làm bài theo những khuôn mẫu có sẵn như trước. 

Cách làm mới cho phép HS bộc lộ những suy nghĩ riêng, sáng tạo của bản thân; vận dụng những gì đã học để giải quyết một vấn đề cụ thể của đời sống hoặc văn học một cách sáng tạo và độc lập nhằm đánh giá đúng năng lực viết của các em. 

Đề thi và kiểm tra môn Ngữ văn trong vài năm gần đây đã bắt đầu đổi mới theo hướng này.

Với cấu trúc như trên, dung lượng đề thi năm nay sẽ giảm bớt để phù hợp với thời gian làm bài là 120 phút.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ