Xe thô sơ, tự chế lại gây tai nạn giữa phố Hà Nội: Sự "bất lực" trong xây dựng an toàn đô thị?

GD&TĐ - Mới đây đã xảy ra sự việc chiếc xe tự chế như công nông đi ngược chiều đâm thủng kính xe buýt bằng những thanh sắt dài trên đường Nguyễn Trãi (Hà Nội).

Tai nạn giao thông rình rập người đi đường nếu xe tự chế, xe thô sơ... vẫn tung hoành.

Ám ảnh người đi đường

Không chỉ các tuyến phố chính, ngay cả những con ngõ nhỏ, hằng ngày không khó để bắt gặp hình ảnh những chiếc xe thô sơ, tự chế nghênh ngang hòa cùng dòng xe đông đúc trên các tuyến phố Hà Nội.

Ghi nhận của PV, tại các phố Đê La Thành, Nguyên Hồng, Thành Công (quận Ba Đình), do có nhiều hộ kinh doanh đồ gỗ nội thất nên vẫn còn xe tự chế, xe thô sơ chở loại hàng hóa này giao cho khách hàng ở khắp nơi.

Trên các tuyến đường gom vành đai, hay cửa ngõ Thủ đô như: Đại lộ Thăng Long, Phạm Văn Đồng, Phạm Hùng và khu vực có nhiều công trình đang xây dựng tại các quận, huyện: Đống Đa, Hai Bà Trưng, Hoài Đức, Hà Đông... cũng luôn xuất hiện các loại xe máy chở sắt, tôn thép, cửa cổng sắt, bàn ghế, tủ… Trong khi đó, nhiều chủ xe không sắp xếp gọn gàng, chằng buộc cẩu thả khiến tai nạn có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Điển hình là vụ tai nạn xảy ra vào khoảng 6 giờ 30 phút (ngày 8/5), khi chiếc xe buýt mang biển kiểm soát 29B - 193.63 bị xe tự chế như công nông đi ngược chiều đâm trúng và những thanh sắt xuyên thủng kính trước phần bên lái xe.

Theo Chỉ huy Đội CSGT số 7 (Phòng CSGT, Công an thành phố Hà Nội), lúc xảy ra tai nạn, xe buýt đang chở khách. Tuy nhiên, rất may vụ tai nạn giao thông không có thương tích về người.

“Vào thời điểm trên, xe buýt có nhiều hành khách đang lưu thông trên đường Nguyễn Trãi thì bất ngờ xe tự chế chở nhiều thanh sắt dài đi từ phố Vũ Trọng Phụng ra chạy ngược chiều lấn sang làn đường ưu tiên cho xe ô tô rồi lao thẳng vào...”, anh Dương Hiệp có mặt tại hiện trường vụ việc chia sẻ.

Theo anh Dương Hiệp, vụ tai nạn hi hữu này làm nhiều hành khách trên xe hoảng sợ. Khi phát hiện xe tự chế đi ngược chiều, lái xe buýt hãm phanh kịp thời và ra khỏi cabin trước khi những thanh sắt lao thẳng vào làm vỡ kính chắn gió.

Để xử lý xe thô sơ, xe tự chế, đại diện lãnh đạo Đội CSGT - TT (Công an quận Ba Đình) cho biết, những năm qua Công an quận đã có rà soát, triển khai xử lý nghiêm trường hợp xe thô sơ, xe tự chế, xe thương binh chở vật liệu xây dựng, hàng hóa cồng kềnh ra đường...

“Năm 2008 trên địa bàn quận Ba Đình, qua thống kê có 16/16 phương tiện đăng ký, quản lý xe thương binh...”, vị lãnh đạo Đội CSGT - TT trên thông tin.

Cũng theo đại diện Đội CSGT - TT Công an quận Ba Đình, dịp SEA Games 31 diễn ra, đơn vị tiếp tục tăng cường ra quân xử lý xe quá khổ, quá tải, trong đó có xe tự chế, xe thô sơ vi phạm Luật Giao thông đường bộ.

Hiện trường vụ tai nạn giao thông từ xe tự chế chở hàng cồng kềnh.
Hiện trường vụ tai nạn giao thông từ xe tự chế chở hàng cồng kềnh.

Tăng cường kiểm tra, xử lý

Trao đổi với Báo GD&TĐ, Thượng tá Trần Quyết Thắng - Trưởng Công an huyện Phúc Thọ (Hà Nội) - cho biết, đơn vị chủ động có kế hoạch tổng điều tra cơ bản các xã, thị trấn và giao cho Đội CSGT - TT chủ trì.

“Vì đặc thù nông thôn liên quan đến các đường liên xã, thôn. Vì vậy, vẫn còn bộ phận nhỏ người dân có nhu cầu sử dụng xe tự chế, xe thô sơ để vận chuyển hàng hóa, mặc dù Công an đã tuyên truyền, nhắc nhở, xử lý...”, Thượng tá Thắng chia sẻ.

Thượng tá Thắng cũng cho biết, đơn vị tham mưu cho UBND huyện và các xã cùng hệ thống chính trị vào cuộc tuyên truyền nhắc nhở người dân. Đồng thời, yêu cầu người dân, các cơ sở sản xuất xe tự chế trên địa bàn phải ký cam kết.

“Từ đầu năm 2022 đến nay, Công an huyện Phúc Thọ đã xử lý 6 xe tự chế, xe thô sơ với mức phạt lên tới 20 triệu đồng, tạm giữ 4 xe. Cùng với tuyên truyền nhắc nhở, Công an huyện tập trung vào công tác xử lý...”, Thượng tá Thắng nhấn mạnh.

Trao đổi với báo chí, Trung tá Trần Quang Vinh, Đội trưởng Đội Tuyên truyền, khám nghiệm điều tra TNGT (Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội), cho biết, bên cạnh việc tăng cường tuần tra, xử phạt nghiêm các vi phạm trên đường phố, lực lượng CSGT cũng có các phương án xử lý xe quá cũ nát, xe thô sơ. Đơn cử như: Xử phạt vi phạm giao thông, tịch thu phương tiện…

Theo Trung tá Vinh, các cơ quan chức năng có thể áp dụng chế tài truy cứu trách nhiệm của chủ hàng hóa - người thuê chở, nếu có hành vi chủ động, cố ý thuê phương tiện chuyên chở hàng hóa cồng kềnh trái quy định.

Về vấn đề này, luật sư Diệp Năng Bình, Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật, cho biết, theo Nghị định số 100/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, người vi phạm ngoài nộp phạt hành chính còn phải khắc phục hậu quả khi làm rơi vãi vật liệu.

Ngoài ra, lái xe bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe có thời hạn nếu gây tai nạn giao thông... Trong trường hợp gây tai nạn tùy theo mức độ còn có thể bị xử lý về mặt hình sự.

“Ngoài biện pháp tập trung xử lý vi phạm hành chính, thu hồi phương tiện vi phạm, lực lượng chức năng cần tăng cường nhắc nhở, tuyên truyền để các chủ xe không chở hàng cồng kềnh gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông...”, Luật sư Bình bày tỏ.

Liên quan đến xe thô sơ, xe tự chế chở hàng hóa cồng kềnh gây tai nạn giao thông, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh vừa có văn bản tăng cường công tác xử lý các loại xe này.

Cụ thể, chiều 9/5, UBND thành phố Hà Nội có Văn bản số 1370 gửi Công an thành phố, Sở Giao thông Vận tải và UBND các quận, huyện, thị xã. Trong đó, giao Công an thành phố chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, Công an các quận, huyện, thị xã tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân sử dụng phương tiện chở hàng cồng kềnh, quá khổ, quá tải vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông.

Đồng thời, xử lý nghiêm các trường hợp xe tự chế, xe giả danh thương binh, xe đứng tên thương binh nhưng cho thuê, mượn để vận tải hàng hóa...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ