Xe tàu ngày Tết

GD&TĐ - Hầu như năm nào vào những ngày cận Tết Âm lịch, các bến xe, bến tàu và cảng hàng không đều chật cứng người về quê.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Trừ hai năm bị dịch Covid-19 vừa qua, còn hầu như năm nào vào những ngày cận Tết Âm lịch, các bến xe, bến tàu và cảng hàng không đều chật cứng người về quê.

Đặc biệt, các trung tâm kinh tế ở hai đầu đất nước là Hà Nội và TPHCM, lượng người càng đông hơn. Đó là chưa kể có một số người chọn xe máy làm phương tiện để vượt cả nghìn cây số trong giá rét để mong có mặt tại quê nhà đúng Giao thừa!

Từ hơn một tháng qua, các ga tàu lửa, bến xe và cảng hàng không đã nhận đặt vé về Tết bằng hình thức trực tuyến nên đỡ phải xếp hàng chen lấn như mọi năm. Ngành đường sắt, hàng không cũng đã tăng hàng trăm chuyến xe lửa, máy bay đi đến các ga và sân bay nhưng số người “lỡ chuyến” vẫn nhiều vô kể.

Đây chính là mảnh đất màu mỡ để các chuyến “xe dù” làm ăn những ngày này. Tình trạng nhồi nhét khách, chở quá số người quy định, phóng bạt mạng trên đường để tranh giành khách hoặc để xoay tua cho nhanh vẫn thường diễn ra vào những ngày cận Tết.

Lực lượng thanh tra giao thông và cảnh sát giao thông các địa phương gần như có mặt trên các tuyến đường xuyên Việt 24/24 để tuần tra, kiểm tra và phạt những trường hợp vi phạm, song tình trạng phóng nhanh vượt ẩu, nhồi nhét khách và các vụ tai nạn vẫn cứ xảy ra.

Dù phải đi trên những chiếc xe không đảm bảo an toàn, lại phải ngồi sau tay lái của nhiều tài xế chạy ẩu, dù phải trả giá vé đắt gấp nhiều lần so với ngày thường nhưng không ít hành khách đã buộc phải chọn các loại phương tiện “lành ít rủi nhiều” này để về quê ăn Tết.

Trước tình trạng này, nhiều doanh nghiệp, các tổ chức thiện nguyện, các nhà hảo tâm đã đứng ra quyên góp, thuê bao trọn gói hàng chục chuyến xe từ các thành phố lớn, các khu công nghiệp để đưa công nhân, sinh viên, học sinh và những người đi làm ăn xa về quê trên những chuyến xe đầy ắp nghĩa tình ấy. Tuy nhiên, số người may mắn này không đáng bao nhiêu so với số người cần được về quê an toàn lúc này.

Hai tiếng “về quê” như một sự thôi thúc tự thân của mỗi người Việt Nam xa quê. Về quê trong những ngày Tết cổ truyền lại càng thôi thúc trong lòng mỗi người hơn.

Từ nhiều năm trước, không ít người là những nhà khoa học uy tín, những nhà văn hóa hàng đầu đất nước từng đề xuất là chúng ta nên bỏ Tết cổ truyền mà ăn Tết như những nước châu Âu.

Theo những ý kiến này thì, ăn Tết như vậy sẽ giảm áp lực “về quê” nhưng quan trọng hơn là các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nước ngoài đỡ phải “tạm dừng sản xuất” trong nhiều ngày và đợi công nhân trở lại làm việc.

Tuy nhiên, ý kiến trên nhận được những phản hồi nhiều chiều, cuối cùng rồi cũng vẫn duy trì ăn Tết cổ truyền. Có lẽ không thể bỏ được tập quán này một khi nó đã ăn sâu vào máu thịt của mỗi người Việt.

Chấp nhận vất vả khi phải “về quê” trong những ngày này nhưng có những niềm vui vượt lên nỗi vất vả ấy một khi được đặt bước chân về đến ngôi nhà quen thuộc của mình, nơi được gọi là quê cha, đất tổ.

Chỉ cầu mong tất cả mọi chuyến đi đều được an toàn tuyệt đối để ai cũng được đón một mùa Xuân trọn vẹn bên người thân ở quê nhà.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ