Lực lượng chức năng vất vả luồn rừng, qua nhiều khe suối và con dốc để thu thập manh mối vụ án. Ảnh: Tuấn Ngọc
Bản làng nín thở đợi tin
Con đường đất gập ghềnh dài chừng 20km từ QL7 vào bản làng Tày Poọng những ngày qua không ngớt người vào ra. Chiều 16.7, cơn mưa rào đột ngột của mùa hè khiến đoạn đường trở nên lầy lội, xe máy khó di chuyển hơn bao giờ hết.
Bản Phồng gồm hơn trăm ngôi nhà quây quần dưới chân đồi. Những ngôi nhà lợp bằng mái tôn hoặc ván gỗ thô sơ nằm khuất dưới những lùm cây lớn. Đây là bản nghèo và hiu hắt nhất của xã giáp biên Tam Hợp, đồng bào Tày Poọng chủ yếu sống bám vào nương rẫy.
Nhiều ngày qua, trước sân nhà, trên suối hay lúc lên nương rẫy, bà con vẫn tụm lại hỏi nhau về vụ án mạng rùng rợn trên suối Cát Tả. Những ánh mắt hiện rõ vẻ sợ hãi và ám ảnh, nhưng cũng đầy tò mò khi ai nấy đều muốn biết thông tin về kết quả điều tra.
Anh Vi Văn Hoài (SN 1969), người đàn ông nghèo trong bản cùng con trai là hai nhân chứng đầu tiên phát hiện các thi thể. Những ngày qua, anh liên tục được các cơ quan chức năng, báo đài tiếp xúc, để nghe kể lại giây phút nhìn thấy hiện trường.
“Lúc đó độ 3 giờ chiều, tôi cùng con trai ra suối đánh cá thì thấy xác một người phụ nữ ở trần nổi trên mặt nước. Sợ lắm! Hai cha con đi một đoạn nữa lại thấy xác một phụ nữ khác nằm ven bờ. Tôi rùng mình giục con chạy về bản để báo tin”, anh Hoài kể.
Còn anh Vi Tuấn Anh, một người họ hàng của gia đình nạn nhân cũng chưa hết ám ảnh khi nhớ lại buổi chiều kinh hoàng. Nhân được tin báo có nhiều người chết trên suối, anh cùng vài người khác băng rừng chạy lên, nhận ra đó là thi thể bà Chương cùng con dâu và cháu nội. Anh chạy lên nhìn thấy xác anh Lo Văn Thọ dưới chân lán, trong lán là mâm cơm được dọn sẵn.
“Sau vụ thảm án, người dân trong bản đều lo lắng. Đang mùa làm rẫy những mấy ngày đầu chẳng ai dám lên nương, hoặc ra đường vắng vào buổi tối. Bản làng xưa nay hiền hòa, chưa từng xảy ra chuyện rùng rợn như vậy. Chúng tôi phải phối hợp cùng các lực lượng để trấn an bà con. Dân bản đều mong sớm phá được án, bắt hung thủ để ai nấy bớt lo”, ông Nguyễn Anh Minh, Chủ tịch UBND xã Tam Hợp cho biết.
Xé rừng phá án
Theo nguồn tin của Lao Động, hiện tại địa bàn Tam Hợp có khoảng 60 điều tra viên thuộc Cục C45, Phòng PC45 Công an Nghệ An và Công an Tương Dương. Ngoài ra còn có lực lượng bộ đội biên phòng, công an xã và chính quyền địa phương cũng được huy động hỗ trợ phá án.
Suốt nửa tháng, cán bộ điều tra phải đối mặt với rất nhiều khó khăn. Địa bàn giáp biên núi rừng hiểm trở, giao thông cách biệt, sóng điện thoại chập chờn và hầu như không liên lạc được. Để bám trụ địa bàn, lực lượng điều tra phải mượn một căn nhà của người dân để ở lại, có khi phải ăn mì tôm qua ngày.
Hiện trường vụ án không có nhiều manh mối khiến cơ quan điều tra gặp nhiều khó khăn trong việc truy lùng hung thủ. |
Thượng tá Cao Ánh Hồng, Phó phòng PC45, CA Nghệ An, người đã bám trụ suốt 2 tuần tại bản Phồng cho biết, anh em điều tra chủ yếu phải đi bộ, luồn lách trong rừng qua nhiều suối và dốc cao để lần tìm manh mối. Có khi, các trinh sát phải ngủ lại trong rừng, uống nước suối. Sóng điện thoại hầu như không có, khi bắt được sóng thì anh em nhận hàng chục cuộc gọi, phần lớn từ cơ quan báo đài đang sốt ruột đợi tin.
Một điều tra viên cho biết, khó khăn lớn của vụ án là rất ít manh mối. Gia đình bị sát hại hầu như không có mâu thuẫn hay thù oán, không có tài sản gì đáng giá. Hiện tại cơ quan điều tra vẫn chưa thu giữ được hung khí gây án.
Theo tìm hiểu, người dân bản Phồng cung cấp lại một số thông tin đáng lưu ý. Một số dân bản cho rẳng trước thời điểm phát hiện sự việc, có một nhóm người ngoại tỉnh đột nhiên xuất hiện ở địa bàn, mua một ít lương thực rồi đi lên rừng. Trước đây, khu vực này vốn ít có người lạ xuất hiện.
Xác nhận với phóng viên chiều 16/7, lãnh đạo Công an Nghệ An cho rằng, hiện vẫn chưa có thông tin gì về hung thủ gây án. Công tác điều tra vẫn đang được tiến hành khẩn trương.