Xe ôm miễn phí cho học sinh nghèo

GD&TĐ - Thấy trẻ em trong xóm bỏ học do cha mẹ làm ăn xa, không ai đưa đón; nhiều học sinh đi bộ đến trường một mình…, anh Nguyễn Văn Hội (40 tuổi, ngụ ấp Phú Nhơn, xã Phú Hội, huyện An Phú, tỉnh An Giang) đã không ngần ngại nhận đón đưa dù nhiều lúc không có tiền đổ xăng. Với thâm niên 8 năm làm “xe ôm” miễn phí, số học sinh được anh đưa đón lên đến hàng ngàn lượt em.

Đón nhiều trẻ đến trường
Đón nhiều trẻ đến trường

Chạy xe ôm kiếm tiền đổ xăng để chở HS miễn phí

Vừa chở khách về nhà, anh Hội lập tức chuẩn bị nước dừa, cam vắt mang theo để “có cái” cho học sinh uống khi tan trường. Trò chuyện với chúng tôi, anh Hội kể, anh chỉ học hết lớp 7. Năm 18 tuổi, anh tham gia vào bộ đội biên phòng, đến năm 2002 thì xuất ngũ.

Trở về với gia đình, anh mưu sinh bằng nghề trồng nấm rơm. Vốn ít, làm lụng mãi chẳng có dư, anh đành lên Bình Dương giữ vườn trái cây cho một người quen. Vài năm sau đó, anh về phụ người em bán vật tư nông nghiệp gần nhà.

Thu nhập trong thời gian này cũng ổn định nên anh bắt đầu làm từ thiện. Anh tham gia vào “đội quân” hái thuốc nam, cất nhà, bồi lộ và cũng từ đây trở thành chú “xe ôm” bất đắc dĩ.

“Từ nhỏ, tôi đã muốn làm từ thiện nên có điều kiện là hoạt động nhiều hơn. Một chuyến đi hái thuốc có khi kéo dài nửa tháng mới về, trong khi đó mẹ già cần người chăm sóc nên tôi quyết định chọn công việc thiết thực hơn là đưa rước học sinh. Mình nghĩ, nếu các em được đi học, cha mẹ các em có thời gian đi làm ăn, gia đình các em đỡ khổ và xã hội khỏi cần phải cứu trợ”, anh Hội chia sẻ.

Anh dùng chiếc xe gắn máy được mua từ 7 triệu đồng tiền vay để hàng ngày nhận đưa rước các em học sinh nghèo khó, cha mẹ bận đi làm… đến trường.

Lúc đầu, số lượng học sinh mà anh chở mỗi ngày khoảng 10 em, những năm gần đây, con số tăng lên dần. Ban đầu, nhiều người tỏ ra nghi ngờ, có người còn nghĩ anh… bắt cóc trẻ, nhưng dần dần họ hiểu ra và tin tưởng.

“Lúc đầu, tôi lấy chiếc xe cà tàng chạy rảo quanh nhiều tuyến đường, thấy em nào lội bộ đi học một mình là kêu lên xe để chở đến trường. Lúc này, một số người dân hiểu lầm tưởng tôi bắt cóc trẻ em nên chặn đường, chửi mắng đủ thứ. Khi đó, tôi giải thích nhưng họ vẫn còn bán tín bán nghi, một thời gian sau họ mới hiểu ra và còn gửi con cho mình chở”, anh Hội kể lại kỷ niệm thời kỳ đầu làm “xe ôm” cho học sinh trong xóm.

Anh Hội đang nuôi mẹ già gần 80 tuổi nay ốm mai đau và do không có vợ con, hàng ngày, anh thức dậy từ lúc 4 giờ sáng để cơm nước, dọn dẹp nhà cửa.

Đúng 5 giờ 30, anh ra khỏi nhà và lần lượt đến nhà của từng học sinh để chở chúng đến trường. Mỗi cuốc xe chở được 4 em và cứ quay đi quay lại như vậy hơn 20 lần/buổi, đảm bảo đến 7 giờ, tất cả 60 em học sinh có mặt đầy đủ tại trường Tiểu học A Phú Hội và mẫu giáo cạnh bên.

Trong suốt 8 năm qua, những đứa trẻ anh chở đi học ngày nào giờ đã thành những cô cậu chuẩn bị bước vào giảng đường đại học, mỗi lần gặp anh, vẫn kính cẩn khoanh tay, cúi đầu chào vì nhớ ơn.

“Nhiều lúc đi xa làm từ thiện mà tụi nhỏ mượn điện thoại của ba mẹ gọi cho mình nói, chú Hội ơi, con nhớ chú quá, bao giờ chú về vậy? Con đi bộ mệt quá. Nghe nói vậy là tui dù mệt cách mấy cũng ráng chạy về lo cho tụi nó”, anh Hội nói.

Có 3 đứa cháu được anh Hội đưa đón hàng ngày, bà Nguyễn Thị Luân (75 tuổi) cho biết: “Cách nay 4 năm, sau khi chồng chết, con dâu đi bước nữa, bỏ lại 3 đứa cháu cho tôi nuôi. Gia đình không đất vườn, để có cái ăn hàng ngày, tôi đi câu cá, giăng lưới trang trải cuộc sống, nên đâu còn thời gian đưa rước cháu đi học. Thấy hoàn cảnh gia đình vậy, chú Hội nhận đưa rước mấy đứa cho đến nay”.

Việc đưa rước học sinh hoàn toàn miễn phí trong khi đó tiền xăng bỏ ra khoảng 50 ngàn đồng/ngày. Do vậy để duy trì công việc này, anh Hội chỉ còn cách tranh thủ chạy xe ôm chở khách. “Tôi tranh thủ lúc rảnh chạy chở khách để kiếm tiền đổ xăng, mua nước, bánh trái cho tụi nhỏ. Nhiều lúc ngồi trên xe có đứa nói: chú Hội ơi con khát nước, con đói bụng. Nghe vậy giá nào mình cũng đáp ứng vì biết được gia đình tụi nhỏ đa phần nghèo khó. Mình lớn rồi nhịn ăn chút cũng được chứ tụi nhỏ chịu vậy tội lắm!”, anh Hội tâm sự.

Thấy việc làm của anh Hội nên nhiều người hỗ trợ anh bằng cách… bán xăng thiếu hoặc vá xe miễn phí.

Không lấy vợ vì sợ “vướng bận”

Phần lớn thời gian của anh Hội đều dành cho người dưng nên cuộc sống riêng của anh cũng khá khó khăn.

Nói về lý do sống độc thân, anh Hội tâm sự: “Nếu có vợ, phải bận bịu lo toan gia đình, đâu còn thời giờ giúp đỡ mọi người. Từ ý nghĩ đó mà tôi quyết định ở vậy, dù mẹ đã nhiều lần thúc giục. Nhiều khi mình mệt, tụi nhỏ ôm cổ bảo cố lên, hôn như cha mẹ. Riêng những lúc đi học quân sự (năm 2 - 3 đợt) nhiều đứa lấy điện thoại ba mẹ gọi hỏi thăm, nói nhớ mình… nên tôi nghĩ như vậy cũng đã là đủ rồi”.

Mới đây, với hy vọng chở được nhiều em học sinh hơn nữa, anh bỏ công sức vận động mạnh thường quân được số tiền hơn 40 triệu đồng để đặt làm chiếc xe 3 bánh. “Tiền mua xe đã vận động đủ rồi nhưng giờ đang lo chi phí xăng nhớt trong thời gian tới, thủ tục đăng ký, bằng lái... Mua xe này không chỉ chở nhiều học sinh hơn nữa mà còn đảm nhận chức năng cấp cứu cho những người bị tai nạn, ốm đau…”, anh Hội trăn trở.

Ông Kiều Văn Mỹ - Chủ tịch Hội Khuyến học xã Phú Hội, cho biết: “Tôi thấy anh Hội không đòi hỏi tiền của ai hết. Trong xóm này ai có cần giúp sửa đường hay cất nhà, chôn cất người thân, anh cũng sẵn sàng làm mà không tính toán hay than phiền.Ngoài giờ đưa rước các em, anh Hội còn tham gia tìm kiếm thuốc nam để cung cấp cho các nhà thuốc làm từ thiện, thậm chí đêm khuya có ai ốm đau anh cũng lấy xe chở luôn không chút chần chừ”.

Ông Đoàn Phú Trí - Phó chủ tịch UBND xã Phú Hội nhận xét: “Toàn xã hiện có 622 gia đình thuộc diện hộ nghèo, 511 hộ gia đình cận nghèo và số này đã chiếm hơn 1/3 dân số của toàn xã. Từ những khó khăn đó mà con em bỏ học hoặc phụ huynh đưa đón không còn thời gian để phát triển kinh tế gia đình. Thế nhưng nhờ tấm lòng của anh Hội mà thời gian qua địa phương đã hạn chế rất nhiều trường hợp học sinh bỏ học giữa chừng. Với nghĩa cử cao đẹp đó nhiều năm qua chính quyền cấp xã, huyện, tỉnh trao tặng anh nhiều bằng khen. Tôi nghĩ nếu không có anh giúp chắc vùng này nhiều em bỏ học lắm!”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ