Trong cuộc họp về vấn đề giao thông Hà Nội ngày 23/12, Phó Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng đã chỉ đạo Tổng Công ty vận tải Hà Nội nghiên cứu thí điểm tuyến xe buýt dành riêng cho phụ nữ.
Chủ trương được đưa ra sau khi Tổ chức Plan Quốc tế tại Việt Nam, ActionAid Quốc tế tại Việt Nam công bố kết quả khảo sát, 31% nữ sinh từng bị quấy rối trên xe buýt, 20% người chứng kiến trẻ em gái bị quấy rối tình dục trên xe buýt nhưng không hành động gì.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Thụ cho rằng đề xuất xe buýt dành cho phụ nữ rất buồn cười. “Nếu Hà Nội có xe buýt dành cho phụ nữ thì thật buồn cười và kỳ cục bởi chưa có quốc gia nào đưa giải pháp này để hạn chế quấy rối tình dục”.
Ông Thụ băn khoăn nếu có xe buýt dành cho phụ nữ, việc tổ chức chạy xe sẽ gặp khó. “Nếu xe buýt dành cho phụ nữ hoạt động nhưng có chị em đi 2, 3 tuyến thì làm thế nào, chẳng lẽ chỉ đề phòng quấy rối tình dục trên 3 tuyến thí điểm” - Ông Thụ nói.
Nói về con số 31% phụ nữ bị quấy rối tình dục, ông Thụ không tin vào kết quả khảo sát này. “31% phụ nữ bị quấy rối tình dục trên xe buýt là quá nhiều. Làm gì có chuyện cứ 10 người trên xe buýt thì 3 người phụ nữ bị quấy rối tình dục” - Ông Thụ chia sẻ.
Đồng quan điểm với PGS.TS Nguyễn Văn Thụ, ông Bùi Danh Liên -Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội cũng cho rằng, đề xuất này xe buýt dành riêng cho phụ nữ có phần "kỳ cục".
Ông Bùi Danh Liên - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội
Ông Liên dẫn chứng: Nếu tổ chức tuyến xe buýt dành riêng cho phụ nữ, khi hai vợ chồng cùng đi xe buýt, vợ sẽ đi một xe, chồng đi một xe. Điều này sẽ khiến nhiều người không hài lòng.
Theo Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội, nếu xe buýt có quấy rồi tình dục thì tàu hỏa, máy bay cũng có thể xảy ra.
“Chẳng lẽ ngành hàng không cũng phải có 2 loại máy bay dành cho nam và cho nữ, đường sắt cũng phải có hai toa. Một toa dành cho nam và một toa dành cho nữ” - Ông Liên nói.
Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội chia sẻ, ông là người thường xuyên đi xe buýt ở Thủ đô. Qua đó, ông thấy văn hóa ứng xử trên xe buýt cũng khá lên nhiều. Phụ xe khi nhìn thấy người già, phụ nữ có thai lên xe đều kêu người trẻ nhường ghế ngồi.
Hơn nữa, các nước đang thực hiện quyền bình đẳng giới, nếu như Việt Nam thực hiện ý tưởng này sẽ phản tác dụng và đi ngược lại xu thế.
Không giải quyết gốc rễ
TS Đinh Thị Thanh Bình - Viện trưởng Viện Quy hoạch và Quản lý giao thông vận tải (Đại học Giao thông vận tải Hà Nội) cho rằng, đề xuất xe buýt dành cho phụ nữ chỉ giải quyết vấn đề trước mắt, không giải quyết được gốc rễ.
“Xe buýt dành cho phụ nữ chỉ làm lại hình ảnh cho thành phố một phần nào đó nhưng chỉ tức thời, không giải quyết được gốc rễ, không thể hết được nạn quấy rối tình dục trên xe buýt”.
Hơn nữa, thí điểm ở một số tuyến, không thể giải quyết toàn bộ mạng lưới giao thông tại Việt Nam.
“Nếu đưa vào sử dụng xe buýt dành riêng cho phụ nữ, tôi nghĩ hiệu quả kinh tế sẽ không cao. Bởi vì phải đầu tư thêm xe, tăng thêm tiền, thêm nhân công, trong khi đó không giải quyết được triệt để nạn quấy rối tình dục, chen chúc, xô đẩy trên xe buýt hiện nay” - TS Bình nói.
TS Nguyễn Xuân Thủy - Chuyên gia có 30 năm nghiên cứu về giao thông đô thị cho hay: Ở Việt Nam, nạn quấy rối tình dục chưa đến mức “báo động” như ở nước ngoài. Do vậy, nếu thực hiện ý tưởng xe buýt dành riêng cho phụ nữ sẽ không phù hợp.
TS Thủy cho biết thêm, hiện tại “sức hút” của xe buýt đối với người dân Thủ đô Hà Nội chưa cao. Nếu xe buýt phải chia ra làm nhiều tuyến, người dân thấy bất cập sẽ không đi xe buýt mà chọn đi xe máy. Như vậy, sẽ làm giảm tác dụng của xe buýt công cộng xuống.
Các chuyên gia đều cho rằng, yếu tố quan trọng nhất vẫn là tuyên truyền để thay đổi nhận thức của người dân. Phụ nữ và trẻ em gái phải lên tiếng.