Xây trường chuẩn quốc gia ở Hà Nội: Tháo gỡ vướng mắc

GD&TĐ - Xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia (CQG) là chủ trương lớn mang tính chiến lược nhằm chuẩn hóa cơ sở vật chất, đội ngũ GV, qua đó góp phần nâng cao chất lượng GD-ĐT.

Trường đạt chuẩn quốc gia góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.	Ảnh: TG
Trường đạt chuẩn quốc gia góp phần nâng cao chất lượng giáo dục. Ảnh: TG

Với Hà Nội, vấn đề này càng cấp thiết bởi địa bàn rộng, khó tìm quỹ đất dành cho trường học… Nơi có quỹ đất lại thiếu kinh phí đầu tư.

Tỉ lệ trường đạt chuẩn thấp

Đầu năm học 2020 - 2021, Hà Nội có 1.615 trường được công nhận đạt CQG trên tổng số 2.748 trường (đạt 58,8%). Trong đó, tỉ lệ trường công lập đạt CQG là 71,6%. Như vậy, so với chỉ tiêu đề ra tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố, tỉ lệ trường công lập đạt CQG của toàn thành phố đã vượt mức đề ra.

Theo ông Nguyễn Thanh Bình - Trưởng ban Văn hóa xã hội, Hội đồng nhân dân TP Hà Nội, qua giám sát thực cho thấy, xây dựng trường CQG từng bước làm thay đổi diện mạo trường học. Các trường đạt chuẩn cơ bản có cơ sở vật chất khang trang hiện đại, là môi trường học tập tốt cho HS. 

Việc xây dựng trường CQG cũng góp phần đáng kể nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Các trường CQG có bộ máy tổ chức hoàn thiện, đủ tiêu chuẩn theo quy định; đội ngũ cán bộ quản lí, GV đủ về số lượng, cơ cấu, chất lượng giáo dục mũi nhọn và đại trà được nâng lên qua từng năm.

Tuy nhiên, Hà Nội cũng gặp một số khó khăn như tỉ lệ trường đạt CQG chưa đồng đều ở các cấp học, địa bàn. Theo ông Phạm Xuân Tiến - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội, tỉ lệ trường đạt CQG ở cấp mầm non và THPT của thành phố hiện còn thấp. Tỉ lệ trường THPT đạt CQG thấp nhất trong các cấp học, mới chỉ đạt 36,7%. Tương tự, bậc mầm non ở mức 61,5%, chưa đạt chỉ tiêu đề ra.

Tỉ lệ trường công lập đạt CQG giữa các quận, huyện có sự chênh lệch. Có 2 đơn vị đạt trên 90% là Đan Phượng và Tây Hồ, 6 đơn vị đạt trên 80%, 15 đơn vị đạt từ 65 - 80%; còn 7 đơn vị có tỉ lệ trường công lập đạt CQG dưới 65%, trong đó quận Ba Đình chỉ đạt 50%.

Số trường CQG mức độ 2 của thành phố chưa nhiều, chỉ có 81 trường đạt trên tổng số 1.615 trường đạt CQG toàn thành phố, chiếm 5,02%. Số trường công lập được công nhận đạt CQG đã quá 5 năm cần công nhận lại rất lớn. Năm 2020, thành phố có 621 trường CQG đến hạn cần công nhận lại, chiếm 39,3% tổng số trường công lập đã được công nhận chuẩn. Tuy nhiên, năm 2020, chỉ có 404 trường đăng kí thực hiện công nhận lại.

Một số trường CQG gặp khó khăn trong việc duy trì các tiêu chí, tiêu chuẩn. Trường khu vực nội thành có sĩ số HS/lớp cao vượt quá điều lệ trường học, thiếu diện tích đất, khu sân chơi, bãi tập. Còn trường khu vực ngoại thành thiếu các điều kiện cơ sở vật chất, phòng lớp học, phòng bộ môn, thiết bị, đồ dùng dạy học.

Cần dành quỹ đất để xây trường

Học sinh Trường Tiểu học Mậu Lương (quận Hà Đông).
Học sinh Trường Tiểu học Mậu Lương (quận Hà Đông).

Nguyên nhân của tình trạng vướng mắc kể trên, theo đại diện Sở GD&ĐT Hà Nội do thiếu quỹ đất xây trường mới, mở rộng trường để đủ diện tích đạt chuẩn. 

Công tác đầu tư xây mới, cải tạo, sửa chữa trường học chậm tiến độ, trong đó thời gian thẩm định hồ sơ xây dựng còn dài, bất cập. Việc bàn giao hồ sơ về đầu tư xây dựng theo quy định cho các trường quản lí chưa kịp thời. Các gói thầu mua sắm tập trung, việc bàn giao, lắp đặt của các đơn vị trúng thầu thực hiện còn chậm; hoàn thiện cơ sở vật chất của các trường thường dồn vào cuối năm.

Đặc biệt, nhiều phường tại các quận nội thành do điều kiện quỹ đất hạn chế nên chưa bảo đảm chỉ tiêu trên địa bàn có ít nhất 1 trường công lập ở 3 cấp học: Mầm non, tiểu học, THCS. Do được quy hoạch, xây dựng từ trước và nằm trong khu vực dân cư nên hầu hết các trường ở khu vực các quận trung tâm (Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa...) chật hẹp và rất khó khăn để cải tạo, mở rộng diện tích. 

Để tháo gỡ những khó khăn trong việc xây dựng trường CQG, theo ông Nguyễn Thanh Bình, lãnh đạo UBND TP cần thực hiện tốt công tác quy hoạch, bố trí quỹ đất xây dựng trường học đáp ứng quy định trường CQG, bảo đảm diện tích trường, diện tích trung bình/HS, sĩ số HS/lớp và các điều kiện cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu quy định; đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư xây dựng trường học công lập để sớm khắc phục tình trạng thiếu trường thiếu lớp; ưu tiên đầu tư kinh phí để xây dựng trường THPT đạt CQG.

Thành phố có cơ chế hỗ trợ, bổ sung kinh phí xây dựng trường CQG cho các huyện có tỉ lệ trường chuẩn đạt thấp và có nguồn ngân sách hạn hẹp; Có giải pháp quyết liệt yêu cầu các chủ đầu tư nghiêm túc thực hiện đầu tư xây dựng trường học tại các khu đô thị. Chỉ đạo rà soát, kiên quyết thu hồi với các dự án xây dựng trường học mà chủ đầu tư cố tình trì hoãn, chậm triển khai, giao cho UBND các quận huyện, thị xã lập dự án đầu tư xây dựng trường học công lập.

Cũng theo ông Bình, cần chỉ đạo rà soát, phê duyệt danh sách các cơ sở công nghiệp không phù hợp với quy hoạch, gây ô nhiễm môi trường để di dời ra khỏi nội đô để ưu tiên quỹ đất xây dựng trường học. Nghiên cứu, xem xét việc dành quỹ đất sau khi di dời trụ sở các cơ quan của thành phố tại các quận trung tâm để xây dựng trường học công lập các cấp. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.