Xây dựng xã hội học tập gắn với an sinh

GD&TĐ - Công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập đóng vai trò quan trọng nâng cao dân trí, hỗ trợ và khuyến khích phát triển tài năng...

Sinh viên Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật, Đại học Đà Nẵng tham gia chiến dịch tình nguyện Mùa hè xanh 2024 tại Trà Bồng, Quảng Ngãi. Ảnh: NTCC
Sinh viên Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật, Đại học Đà Nẵng tham gia chiến dịch tình nguyện Mùa hè xanh 2024 tại Trà Bồng, Quảng Ngãi. Ảnh: NTCC

Ông Nguyễn Minh Hùng - Chủ tịch Hội Khuyến học TP Đà Nẵng: Bình đẳng trong tiếp cận hệ thống tri thức mở

Gần 20 năm qua, từ Trung ương, Chính phủ, Bộ, ban, ngành đến tỉnh, thành phố, quận, huyện đều có các chủ trương, chính sách, đề án, chương trình, kế hoạch về khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập (XHHT). Để có XHHT phải có công dân học tập (CDHT), nghĩa là phải vận động nhân dân xây dựng các mô hình học tập gồm: Gia đình học tập, Dòng họ học tập, Đơn vị học tập, Cộng đồng học tập; trong đó, điều kiện tiên quyết là tạo điều kiện và môi trường để người dân được học tập suốt đời, nhằm đạt các tiêu chí CDHT.

Thời gian qua, Đà Nẵng tập trung phát triển mạnh mẽ mạng lưới khuyến học từ thành phố đến cơ sở; đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao hiệu quả hoạt động; khơi dậy và phát huy truyền thống khuyến học, huy động các nguồn lực. Bước đầu ứng dụng chuyển đổi số, tạo điều kiện để người dân bình đẳng trong tiếp cận hệ thống tri thức mở, linh hoạt với nhiều mô hình; từ đó hình thành thói quen, phát triển năng lực tự học, góp phần nâng cao dân trí, xây dựng XHHT, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản và toàn diện GD-ĐT thành phố trong thời kỳ mới.

xay dung xa hoi hoc tap gan voi an sinh3.jpg
Ông Nguyễn Minh Hùng.

Qua phong trào, có thể đánh giá các ưu điểm:

Phát huy ý thức tự học, nỗ lực tiếp cận tri thức, kỹ năng của người dân cùng truyền thống hiếu học, ham đổi mới và tiến bộ. Hội Khuyến học các cấp đã triển khai nhiều giải pháp hiệu quả trong việc xây dựng XHHT, mô hình học tập, tạo nền tảng xây dựng thành phố học tập. Công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các cấp kịp thời thông qua văn bản chỉ đạo, hội nghị triển khai và giải pháp phù hợp với điều kiện địa phương.

Xây dựng XHHT được sự phối kết hợp và hỗ trợ của Mặt trận Tổ quốc các cấp, sở, ban, ngành, hội đoàn thể, địa phương, doanh nghiệp, nhà hảo tâm…; gắn kết phong trào thi đua khuyến học, xây dựng XHHT với phong trào thi đua yêu nước và các chương trình an sinh xã hội của thành phố.

xay dung xa hoi hoc tap gan voi an sinh2.jpg
Trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng) trao học bổng khuyến học tại Trường THPT Bình Sơn (Quảng Ngãi). Ảnh: NTCC

Về hạn chế, việc triển khai các mô hình XHHT từ quận, huyện, xã, phường đến tổ dân phố, thôn và từ tổ dân phố, thôn đến công dân nhiều nơi còn lúng túng, nhất là việc đánh giá CDHT thay đổi theo các nhóm đối tượng của bộ tiêu chí hiện nay.

Mô hình xây dựng đơn vị học tập và CDHT trong cơ quan, đơn vị cấp quận, huyện và cấp thành phố còn thiếu sự quan tâm và triển khai cần thiết nên chưa đạt yêu cầu đề ra. Bộ máy nhân sự của Hội Khuyến học các cấp theo quy định cũ không còn phù hợp (về năng lực, chế độ chính sách...) nên khó đảm đương trọng trách với những mục tiêu mới, giải pháp lớn của một thành phố học tập.

Từ đó, chúng ta có thể rút ra những bài học đồng thời tăng cường giải pháp qua kinh nghiệm triển khai. Đó là sự quan tâm, hiểu biết sâu sắc, tinh thần trách nhiệm của lãnh đạo các cấp thông qua văn bản và sự chỉ đạo kịp thời, phù hợp thực tiễn; tăng cường điều kiện (nhân sự, cơ chế tài chính, thiết chế, phương tiện tổ chức hoạt động…); huy động và khơi dậy lòng nhiệt huyết và năng lực của cán bộ Hội các cấp, trong đó, kỹ năng cơ bản về lập kế hoạch, công tác tham mưu, phối hợp và tổ chức triển khai hiệu quả chính là yếu tố có ý nghĩa quan trọng trong việc hoàn thành các mục tiêu. Bên cạnh đó, cần phát huy hiệu quả công tác thông tin, vận động, phối hợp đúng mục tiêu, nội dung, đúng người đúng việc, đúng lúc đúng nơi, có tính thuyết phục cao…

Bà Lê Thị Hoàng Chinh - Trưởng phòng GD&ĐT quận Thanh Khê (TP Đà Nẵng): Phát huy hiệu quả quỹ khuyến học

xay dung xa hoi hoc tap gan voi an sinh6.jpg
Bà Lê Thị Hoàng Chinh.

Các cấp hội khuyến học trên địa bàn quận Thanh Khê đã phối hợp chặt chẽ với ngành, hội đoàn thể để huy động nguồn lực cho công tác khuyến học, khuyến tài. Hàng nghìn lượt doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm tham gia ủng hộ, đóng góp vào quỹ khuyến học, đặc biệt hưởng ứng cuộc vận động “Mỗi tổ chức cá nhân gắn với địa chỉ khuyến học” nhằm bảo trợ dài hạn cho học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, cấp học bổng và động viên khen thưởng học sinh đạt thành tích cao trong học tập.

Xác định xây dựng quỹ khuyến học là nhiệm vụ quan trọng, các cấp hội đã có nhiều cách làm sáng tạo để duy trì và phát huy hiệu quả nguồn quỹ. Nhờ đó, phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng XHHT không ngừng phát triển và có sức lan tỏa sâu rộng, được nhân dân tích cực hưởng ứng. Đặc biệt, việc triển khai mô hình “Công dân học tập”, “Đơn vị học tập” cấp quận đã tạo cơ hội cho công chức, viên chức tích cực tham gia học tập, nâng cao chất lượng, hiệu quả công việc, làm nòng cốt trong việc xây dựng các mô hình học tập trong cộng đồng...

Các cơ sở giáo dục trên địa bàn quận Thanh Khê đã thực hiện tốt nhiệm vụ ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý, dạy học, khai thác, sử dụng có hiệu quả kho học liệu điện tử của ngành, nguồn tài nguyên mở để nâng cao chất lượng dạy học; coi trọng việc động viên, khuyến khích sự cố gắng trong học tập, rèn luyện của học sinh…

Ngoài ra, các phường nỗ lực mở lớp xóa mù chữ, giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ cho người dân từ 15 - 60 tuổi; thực hiện tốt công tác xây dựng XHHT, học tập suốt đời. Công tác giúp đỡ học sinh khó khăn, bị thiệt thòi có nguy cơ bỏ học được quan tâm; ngăn chặn hiệu quả tình trạng học sinh THCS bỏ học giữa chừng… Hằng năm, phòng Lao động, Thương binh và Xã hội quận tham mưu UBND quận tổ chức nhiều chương trình hỗ trợ học nghề và việc làm cho người lao động với sự tham gia của các chuyên gia, nhà tuyển dụng lao động với hơn 4.000 vị trí việc làm.

ThS Lê Vũ - Giám đốc Trung tâm Học liệu và Truyền thông Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật, Đại học Đà Nẵng: Tạo điều kiện để các doanh nghiệp đầu tư, tài trợ giáo dục

CFA8DD75-F94A-4D72-991F-36AD00A03EC2.jpeg
ThS Lê Vũ.

Trường đại học là một trong những môi trường quan trọng nhất để thực hiện và đẩy mạnh phong trào xây dựng XHHT. Trường đại học không chỉ là nơi đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho xã hội, mà còn ươm mầm và lan tỏa văn hóa học tập suốt đời trong cộng đồng.

Tại trường đại học nơi tôi công tác, nhà trường triển khai nhiều hoạt động cụ thể để thực hiện mục tiêu xây dựng XHHT. Nhà trường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của sinh viên và cộng đồng về tầm quan trọng của học tập suốt đời; tổ chức nhiều hội thảo, diễn đàn, các chương trình giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm học tập, nhằm truyền cảm hứng và khuyến khích mọi người không ngừng học tập, nâng cao kiến thức, kỹ năng.

Bên cạnh đó, nhà trường đã thiết kế và triển khai nhiều chương trình, khóa học đa dạng, linh hoạt để đáp ứng nhu cầu học tập suốt đời của người dân. Không chỉ dừng lại ở bậc đại học, nhà trường mở rộng các hình thức đào tạo như khóa bồi dưỡng kiến thức, đào tạo ngắn hạn, thiết lập các mô hình học tập kết hợp giữa lý thuyết và thực hành... nhằm tạo cơ hội học tập thường xuyên, liên tục cho mọi người.

xay dung xa hoi hoc tap gan voi an sinh8.jpg
Chi hội Khuyến học Trường THPT Võ Chí Công (Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng) trao học bổng cho học sinh trước khi bước vào năm học mới 2024 - 2025. Ảnh: NTCC

Hệ thống thư viện, trung tâm học liệu, hệ thống E-learning; các câu lạc bộ, nhóm nghiên cứu SRT được chú trọng. Nhà trường còn liên kết chặt chẽ với các trường đại học, cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức trong và ngoài nước để mở rộng cơ hội học tập; trao đổi kinh nghiệm và hợp tác nghiên cứu.

Tuy nhiên, trên thực tế, quá trình xây dựng XHHT tại trường đại học cũng gặp phải một số khó khăn, thách thức. Do vậy, để nâng cao chất lượng và hiệu quả của phong trào, ở Việt Nam cần tăng cường đầu tư và huy động nguồn lực tài chính như tăng nguồn ngân sách Nhà nước; khuyến khích và tạo điều kiện để các doanh nghiệp, tổ chức tham gia đầu tư, tài trợ. Xây dựng cơ chế phân bổ, quản lý và sử dụng hiệu quả các nguồn lực tài chính dành cho học tập suốt đời, đặc biệt là những nhóm đối tượng yếu thế, thu nhập thấp.

Bên cạnh đó, cần nâng cao năng lực và đổi mới phương pháp giảng dạy của đội ngũ giáo viên, giảng viên. Khuyến khích và tạo điều kiện để giáo viên, giảng viên tham gia các hoạt động học tập, nghiên cứu, chia sẻ kinh nghiệm nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy. Xây dựng cơ chế đánh giá, công nhận và tôn vinh đội ngũ giáo viên, giảng viên có thành tích xuất sắc trong lĩnh vực học tập suốt đời.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục học tập suốt đời. Đầu tư phát triển hạ tầng công nghệ thông tin, ứng dụng công nghệ số trong các hoạt động giảng dạy, học tập và quản lý giáo dục. Xây dựng các nền tảng số, kênh học tập trực tuyến để mở rộng cơ hội học tập cho người dân…

Khuyến khích, động viên các cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức xã hội tích cực tham gia và hỗ trợ cho phong trào học tập suốt đời. Xây dựng và phát triển mạng lưới câu lạc bộ, trung tâm học tập cộng đồng để tăng cường hoạt động học tập thường xuyên.

“Để phong trào học tập suốt đời đi vào cuộc sống bền vững, đều khắp, hiệu quả, cần quan tâm đến nhiệm vụ mới của khuyến học trong giai đoạn 2023 - 2030; tình hình nhân sự, tài chính, vị trí việc làm, điều kiện làm việc cho đội ngũ khuyến học các cấp, đảm bảo thực hiện nhiệm vụ quan trọng được Đảng, Nhà nước giao (thông qua ban hành quy chế, phê duyệt đề án vị trí việc làm, bố trí ngân sách hoạt động và chi con người hằng năm, ngân sách cho cho đề án, chương trình thuộc giai đoạn 2021 - 2030).

Cơ quan, đơn vị, trường đại học, cao đẳng, trung cấp thành lập Chi hội, Ban Khuyến học, thực hiện các nhiệm vụ khuyến học, khuyến tài, xây dựng XHHT theo các chỉ thị, kết luận, quyết định của Đảng, Chính phủ, bộ, ban, ngành… và từng địa phương”. - Ông Nguyễn Minh Hùng - Chủ tịch Hội Khuyến học TP Đà Nẵng

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Diễn sâu kịch bản vụng

GD&TĐ - Ukraine càng thêm khó khăn trong cuộc chiến với Nga thì quyết định cho phép của Mỹ và Anh sẽ càng đến nhanh.