(GD&TĐ) - Có thể nói, xây dựng xã hội học tập là trách nhiệm chung của các cấp, các bộ, ngành, tổ chức, đoàn thể và của toàn dân. Tất cả các tổ chức đều có trách nhiệm xây dựng xã hội học tập và động viên, tạo điều kiện thuận lợi để mọi người tham gia học tập suốt đời. Xây dựng xã hội học tập, tạo điều kiện để mọi người được học tập là chìa khóa của phát triển kinh tế - xã hội. Xây dựng xã hội học tập dựa trên nền tảng phát triển đồng thời gắn kết, liên thông của hai bộ phận cấu thành hệ thống giáo dục quốc dân là giáo dục chính quy và giáo dục thường xuyên.
Tại cuộc hội thảo “Xác định vai trò, trách nhiệm của các Bộ/Ngành, các tổ chức trong quá trình Xây dựng xã hội học tập ở Việt Nam” vừa diễn ra tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, kiêm Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về Xây dựng xã hội học tập- Nguyễn Vinh Hiển phát biểu: Bước vào thế kỷ 21, với sự phát triển nhanh của khoa học công nghệ, sự nổi lên của nền kinh tế trí thức và sự hội nhập ngày càng sâu, rộng vào thế giới đã cho thấy nhu cầu bức thiết của việc đào tạo và cung cấp nguồn nhân lực có chất lượng cao cho đất nước. Xây dựng xã hội học tập, tạo nên các cơ hội và điều kiện cho mọi người dân được học tập suốt đời nhằm nâng cao năng lực làm việc và thích ứng với tốc độ thay đổi của KHCN và xã hội. Học tập suốt đời đã và đang phát triển mạnh mẽ và ngày càng được quốc tế công nhận, được đưa vào nhiều chính sách của các khu vực, các quốc gia.
Ở Việt Nam, Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI đã khẳng định “Sự phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao, là một trong ba nhân tố chiến lược có tính quyết định đối với sự tăng trưởng và phát triển bền vững quốc gia. Học tập suốt đời vừa được xem là một mục tiêu vừa là giải pháp để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và đời sống của người dân”. Chúng ta chủ trương chuyển hệ thống giáo dục được coi là của riêng ngành GD-ĐT sang phát triển 1 hệ thống giáo dục mở, lấy học tập suốt đời và xã hội học tập là 1 trong những đặc trưng và mục tiêu cơ bản.
Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển: Việt Nam đang trong quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế - xã hội tri thức và định hướng công nghệ, với những “cơ hội vàng” về dân số bao gồm lực lượng lao động trẻ và sự gia tăng nhanh chóng của dân số lớn tuổi, chúng ta cần một chính sách toàn diện để thúc đẩy sự phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, tranh thủ kiến thức và trí tuệ của dân số độ tuổi trung niên và cao niên nhằm hưởng lợi từ việc học tập giữa các thế hệ. Việc chuẩn bị sẵn sàng thích ứng trước những thay đổi của nhu cầu kinh tế - xã hội cho các nhóm người thuộc độ tuổi và trình độ văn hóa khác nhau, đặc biệt là đối với người lớn là điều hết sức quan trọng.
Nhận thức được tầm quan trọng của việc xây dựng XHHT tạo điều kiện cho mọi người dân được học tập suốt đời, năm 2005 Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án Xây dựng XHHT giai đoạn 2005- 2010. Qua 5 năm triển khai thực hiện chúng ta đã đạt được những thành tích đáng kể, tuy nhiên còn nhiều mục tiêu chưa được như: Tỷ lệ chung về người biết chữ từ 15 tuổi trở lên mới đạt 94,0% thấp hơn mục tiêu của đề án là 4%; tỉ lệ số người biết chữ trong độ tuổi từ 15-35 tuổi đạt 96,2% thấp hơn so với mục tiêu của đề án là 2,8%. Việc đào tạo bồi dưỡng cập nhật kiến thức về quản lý, pháp luật, kinh tế và xã hội, nâng cao hiểu biết, khả năng lao động và nâng cao chất lượng cuộc sống cho các đối tượng vẫn còn thấp hơn so với mục tiêu đề ra. Việc phối hợp giữa các Bộ/Ngành, các tổ chức, đoàn thể chưa được chặt chẽ dẫn đến còn gặp nhiều khó khăn trong quá trình xây dựng XHHT.
Để tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được và khắc phục những tồn tại yếu kém trong quá trình xây dựng XHHT, Bộ GD-ĐT được Chính phủ giao tiếp tục xây dựng Đề án Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2011- 2020. Trong đó, quan điểm lớn của đề án là: Xây dựng XHHT là trách nhiệm của Đảng, của Nhà nước và của toàn dân, tất cả các tổ chức (cơ quan nhà nước, các tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị- xã hội, các tổ chức xã hội, các đoàn thể, các doanh nghiệp, các đơn vị sự nghiệp...) đều có trách nhiệm và tạo điều kiện thuận lợi để cung ứng giáo dục và đào tạo, đáp ứng nhu cầu học tập của mọi người, xã hội; Xây dựng XHHT dựa trên nền tảng phát triển đồng thời, gắn kết, liên thông của 2 bộ phận giáo dục cầu thành hệ thống giáo dục quốc dân là giáo dục chính quy và giáo dục thường xuyên. Tuy nhiên, phạm vi của đề án tập trung vào phát triển giáo dục ngoài nhà trường; tập trung ưu tiên các nhóm đối tượng, các khu vực ít được tiếp cận với các cơ hội giáo dục, thông qua những đề án thích hợp và cụ thể.
Nguyên Anh