Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực ở Quảng Bình

Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực ở Quảng Bình

(GD&TĐ) - Tính từ tháng 2/2009 đến nay Sở GD-ĐT đã phối hợp với Tỉnh đoàn, Hội đồng Đội của tỉnh đã tổ chức 09 hội nghị tập huấn cho trên 680 người là lãnh đạo của 7 phòng GD, Bí thư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Tổng phụ trách đội TNTP Hồ Chí Minh, Hiệu trưởng hiệu phó, GV cốt cán về nội dung của phong trào. Công tác đánh giá chuẩn kiến thức kỹ năng các môn ở tiểu học, dạy học tích hợp sử dụng tiết kiệm năng lượng ở các môn học khối giáo dục tiểu học; đồng thời Ban chỉ đạo phong trào còn đề cập giới thiệu các mô hình giáo dục ở Singapore.

Số trường có khuôn viên cây xanh, cây cảnh được quy hoạch mang tính chiến lược, luôn sạch đẹp đạt tỷ lệ tương đối cao: 493 trường, đạt tỉ lệ 86% trong đó mầm non 145 trường (81,09%), tiểu học 184 trường (88,46%), THCS 142 trường (88,19%), THPT 27 trường (81,8%). Tổng số các cây trồng mới: 115.257 cây, 100% các trường có nhà vệ sinh (579 trường); Số trường có đủ bàn ghế phù hợp với độ tuổi học sinh: 535 (chiếm 92,4%). Đến nay có 579 trường (100%) có đủ phòng học, bàn ghế, tường rào, thiết bị nước sinh hoạt, thiết bị dạy học, vườn cây, ao hồ…đã có biện pháp bảo đảm an toàn cho cán bộ, giáo viên, học sinh, 100% số trường đã có nội dung, chương trình và tổ chức các hoạt động giáo dục học sinh về việc bảo vệ, xây dựng trường lớp xanh sạch đẹp và an toàn, trong đó Mầm non 177 trường, Tiểu học 208 trường, THCS 161 trường và THPT là 33 trường.

Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực ở Quảng Bình ảnh 1

 Đội ngũ nhà giáo phát huy tính sáng tạo của học sinh, dạy học có hiệu quả và phù hợp với đặc điểm lứa tuổi, giúp các em chủ động, tự tin hơn trong quá trình tiếp cận thông tin. Số học sinh bỏ học ngày càng giảm đi (năm học 2008-2009: 0,048% tiểu học; 1,59 % ở THPT; Học kỳ I năm 2009-2010 tỉ lệ đó ở tiểu học là 0.03% và THPT là 0,96%). Số cán bộ quản lý (hiệu trưởng, hiệu phó) tham gia tập huấn về đổi mới quản lý, đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới đánh giá kết quả học tập của học sinh đạt tỉ lệ 100% ở tất cả các cấp học. Số giáo viên đứng lớp tham gia các lớp tập huấn đổi mới PPDH và đổi mới đánh giá kết quả học tập của học sinh chiếm tỉ lệ: Mầm non 2199 (100%), Tiểu học 3.500 (95,3%), THCS 3850 (97,2%), THPT 1759 (98%).

Điều đáng mừng là số trường đã ứng dụng CNTT trong đổi mới hoạt động giáo dục cho học sinh 460 (79,4%) trong đó THPT và THCS 194 (100%), Tiểu học 203 (97,6%) và Mầm non 63 trường (35,6%).

Số giáo viên đăng ký phấn đấu giáo viên giỏi cấp huyện trở lên: Mầm non 358 (15%), Tiểu học 750 (18,8 %), THCS 840 (21,2 %) và THPT 350 (20,1%).

Toàn ngành đã quan tâm đến công tác rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh, đã xây dựng quy tắc ứng xử giữa các thành viên trong nhà trường, hạn chế tối đa các hành vi thiếu văn hoá. Các trường đã tổ chức cho học sinh ký cam kết phòng chống các tệ nạn xã hội, không để xẩy ra các hiện tượng vi phạm tệ nạn xã hội trong cán bộ giáo viên. Cũng thông qua các hình thức sinh hoạt câu lạc bộ, các hoạt động trong mỗi nhà trường, các em đã có ý thức bảo vệ sức khoẻ, phòng chống tai nạn đuối nước, thương tích, gần gũi và có trách nhiệm bảo vệ lẫn nhau.

Các đơn vị trường học đã quan tâm đúng mức đến công tác tuyên truyền và phát huy các di tích lịch sử, văn hoá, cách mạng ở địa phương. Sở giáo dục – đào tạo đã ban hành Công văn 2111 ngày 18/12/2008 về tiếp tục thực hiện kế hoạch phong trào xây dựng trường học thân thiện học sinh tích cực. Trích dẫn và gửi tài liệu giới thiệu toàn bộ các di tích lịch sử, văn hoá, cách mạng để các trường tìm hiều và nhận chăm sóc. Từ giáo dục mầm non đến tiểu học, THCS, THPT, Trung tâm giáo dục thường xuyên, đội ngũ các thầy cô giáo, học sinh đều hào hứng, tự nguyện tổ chức trồng cây, bảo vệ cảnh quan ở các địa chỉ nhận chăm sóc. Trong quá trình dạy học, các trường còn thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hoá, thể thao, văn nghệ, tổ chức các trò chơi dân gian, tạo không khí đầm ấm, vui tươi lành mạnh, an toàn, góp phần tích cực nâng cao chất lượng giáo dục hiện nay.

  Bùi Vũ Hoà

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ