Xây dựng thương hiệu quốc gia: Đòn bẩy nâng tầm vị thế doanh nghiệp Việt

GD&TĐ - Thấy rõ vai trò then chốt của thương hiệu quốc gia, từ năm 2003, Việt Nam đã triển khai Chương trình Thương hiệu Quốc gia do Bộ Công Thương chủ trì.

Công ty Cổ phần Ống đồng Toàn Phát nhận danh hiệu, biểu trưng Thương hiệu Quốc gia Việt Nam 2024.
Công ty Cổ phần Ống đồng Toàn Phát nhận danh hiệu, biểu trưng Thương hiệu Quốc gia Việt Nam 2024.

Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng với khu vực và thế giới, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp không còn chỉ dựa vào giá thành hay quy mô sản xuất, mà phụ thuộc ngày càng lớn vào sức mạnh thương hiệu. Xây dựng thương hiệu vì thế đã trở thành nhiệm vụ then chốt, quyết định khả năng phát triển và trụ vững của doanh nghiệp trên thị trường.

Dấu ấn của giá trị, chất lượng và uy tín

Nhận thức rõ vai trò then chốt của thương hiệu quốc gia, từ năm 2003, Việt Nam đã triển khai Chương trình Thương hiệu Quốc gia do Bộ Công Thương chủ trì. Việc này nhằm nâng tầm vị thế hàng Việt trên thị trường quốc tế. Đây không chỉ là dấu ấn chiến lược trong chính sách phát triển kinh tế, mà còn tạo động lực để doanh nghiệp đầu tư bài bản vào xây dựng và phát triển thương hiệu.

Khác với các chương trình xúc tiến thương mại đơn lẻ, Chương trình Thương hiệu Quốc gia Việt Nam không chỉ tập trung vào sản phẩm cụ thể mà còn đề cao giá trị cốt lõi mà doanh nghiệp mang lại cho người tiêu dùng: chất lượng - đổi mới, sáng tạo - năng lực tiên phong.

Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại chia sẻ: “Chương trình Thương hiệu Quốc gia của Chính phủ, Bộ Công Thương là cơ quan thường trực đã đóng một vai trò rất lớn. Bên cạnh nâng cao nhận thức cho các cấp, các ngành về ý nghĩa, vai trò của thương hiệu trong sản xuất, kinh doanh, đầu tư và đóng góp vào sự nâng cao năng lực cạnh tranh cũng như sản phẩm của doanh nghiệp; chương trình còn hỗ trợ kỹ thuật thiết thực cho các doanh nghiệp trong quá trình xây dựng và quản trị thương hiệu một cách bài bản, chuyên nghiệp…”.

Tính đến năm 2024, đã có 190 doanh nghiệp được vinh danh trong khuôn khổ Chương trình Thương hiệu Quốc gia, đại diện cho nhiều lĩnh vực: công nghiệp chế biến, thực phẩm - đồ uống, công nghệ, logistics, dệt may, nông sản… Những thương hiệu tiêu biểu như Vinamilk, Viettel, Thaco, MASAN, MISA… đã trở thành hình mẫu cho chiến lược xây dựng thương hiệu gắn với giá trị quốc gia.

xay-dung-thuong-hieu-quoc-gia-don-bay-nang-tam-vi-the-doanh-nghiep-viet-1.jpg
Ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương trả lời báo chí.

Phát triển thương hiệu để nâng tầm doanh nghiệp

Phát biểu khai mạc tại Diễn đàn Doanh nghiệp quốc gia Việt Nam 2025 diễn ra vào trung tuần tháng 4, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân nhấn mạnh, thương hiệu quốc gia là tài sản vô hình có giá trị chiến lược, phản ánh năng lực cạnh tranh tổng thể và vị thế của một quốc gia trong tiến trình hội nhập.

Trong những năm gần đây, với sự lãnh đạo của Đảng, điều hành của Chính phủ và sự đồng hành của doanh nghiệp, Thương hiệu Quốc gia Việt Nam đã có bước tiến ấn tượng.

Theo đó, Việt Nam không chỉ lọt vào Top 100 quốc gia có thương hiệu mạnh, mà còn là quốc gia có tốc độ tăng trưởng giá trị thương hiệu nhanh nhất thế giới trong giai đoạn 2019 - 2022. Giá trị thương hiệu của Việt Nam năm 2024 được xếp thứ 32/193 quốc gia được đánh giá, đạt 507 tỷ USD, tăng 1 bậc về thứ hạng và tăng 2% về giá trị so với năm 2023, theo Brand Finance đánh giá, xếp hạng.

Lần đầu được vinh danh trong Chương trình Thương hiệu Quốc gia 2024, Công ty Cổ phần Ống đồng Toàn Phát tự hào góp mặt trong danh sách những thương hiệu uy tín của Việt Nam.

Chia sẻ về dấu mốc này, ông Bùi Hồng Phúc - Tổng Giám đốc cho biết: “Chúng tôi đặc biệt chú trọng vào các giá trị cốt lõi như chất lượng và năng lực tiên phong. Việc tham gia Thương hiệu Quốc gia không chỉ giúp chúng tôi mở rộng mạng lưới đối tác cùng tầm nhìn, mà còn tạo cơ hội vươn xa hơn trên thị trường quốc tế thông qua các diễn đàn, hội thảo uy tín”.

Tính đến nay, các sản phẩm của Toàn Phát đã xuất hiện ở gần 50 quốc gia trên thế giới, với doanh thu vượt 3500 tỷ đồng vào năm 2024. Trong đó, sản xuất xanh là một trong những định hướng quan trọng của doanh nghiệp trên chặng đường phát triển bền vững.

Toàn Phát đã thực hiện các giải pháp từ quy trình sản xuất tại nhà máy đến các hoạt động vì cộng đồng, với cam kết mang lại lợi ích lâu dài cho môi trường và xã hội. Điều này hoàn toàn phù hợp với tiêu chí mà Chương trình Thương hiệu Quốc gia Việt Nam hướng tới.

Bên cạnh đó, với thị trường xuất khẩu chủ yếu là châu Âu - thị trường khắt khe trong quy trình kiểm định sản phẩm thân thiện với môi trường, việc được công nhận là thương hiệu quốc gia trong xu thế chuyển đổi xanh cũng là một lợi thế giúp doanh nghiệp phát huy thế mạnh xuất khẩu.

Trong suốt quá trình thẩm định, Công ty đã nhận được sự tư vấn, góp ý có giá trị từ các chuyên gia từ Hội đồng, gợi mở để doanh nghiệp có hướng phát triển lâu dài, bền vững hơn trong tương lai.

Theo PGS.TS Nguyễn Phước Thịnh, giảng viên cao cấp Trường Đại học Thương mại, thành viên Ban Chuyên gia Chương trình Thương hiệu Quốc gia Việt Nam, trong 3 năm trở lại đây, nhận thức của doanh nghiệp Việt Nam về vấn đề xây dựng thương hiệu đã tăng đáng kể, khoảng 60% doanh nghiệp đều nhận thấy rằng việc xây dựng thương hiệu là vô cùng cấp thiết và chính đáng.

Từ đó, các tổ chức đã triển khai những chương trình cụ thể để xây dựng đơn vị của mình ngày càng vững mạnh với thương hiệu được định hình rõ ràng trên bản đồ thương mại.

Với các giá trị cốt lõi, Chương trình Thương hiệu quốc gia không chỉ góp phần hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng thương hiệu mạnh, nâng cao uy tín hàng hóa và dịch vụ Việt Nam trên thị trường quốc tế, mà sẽ còn tiếp tục phát triển mạnh mẽ, đóng góp thiết thực vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Trong bối cảnh Việt Nam chuyển mình theo hướng kinh tế số, tiêu dùng xanh và công nghệ xanh, thương hiệu quốc gia càng thể hiện rõ vai trò là đòn bẩy chiến lược, giúp doanh nghiệp khẳng định sự khác biệt và vươn xa trong môi trường cạnh tranh toàn cầu.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ