Chọn đúng người, làm đúng việc
Cô Huỳnh Thị Thu Nguyệt – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Núi Thành (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) cho biết: Hơn ai hết, ban giám hiệu (BGH) phải nắm được điểm mạnh, yếu của từng GV để có thể bố trí đứng lớp hợp lý nhất. Với những GV tỉ mỉ, cẩn thận thì đảm nhận dạy lớp Một, Hai là hợp lý, vì ở lứa tuổi này, các em cần sự hỗ trợ rất nhiều từ GV. Nhưng nếu phân công cho các GV này dạy lớp Năm, hiệu quả sẽ không cao.
“Không nhất thiết cứ phải kiểm tra GV bằng cách dự giờ, thăm lớp mới có thể đánh giá chất lượng giờ dạy của GV. Tôi thường hay đi xuống khu vực lớp học khoảng 5 - 10 phút đầu mỗi tiết học. Thường lúc này, GV đã xong phần kiểm tra bài cũ và bắt đầu dạy bài mới. Chỉ cần đi ngang qua hành lang lớp học để quan sát, đã có thể đánh giá phần nào chất lượng giờ dạy của GV thông qua thái độ của HS, nền nếp lớp học, cử chỉ, lời nói của cô giáo…” - cô Thu Nguyệt chia sẻ.
Cách đây 10 năm, Trường Mầm non Bình Minh có 13 GV đứng lớp với 100% biên chế, độ tuổi bình quân là 46 tuổi. Dù lúc đó số cháu/lớp rất ít, nhưng cô Nguyễn Quốc Thư Trâm - Hiệu trưởng nhà trường mạnh dạn đề đạt xin được hợp đồng thêm GV trẻ. “Trẻ hóa đội ngũ có trình độ đào tạo chính quy nhằm tạo sự trẻ trung, năng động và sáng tạo trong nhà trường. Với việc bố trí một GV lớn tuổi có kinh nghiệm bên cạnh một GV trẻ góp phần thúc đẩy sự tiến bộ trong nhận thức của GV, làm cho phụ huynh yên tâm khi gửi con vào trường”, cô Trâm quan niệm.
Với những GV “cứng tuổi”, trường phân công các cô đảm nhiệm lớp nhà trẻ. “Ở độ tuổi nhà trẻ, ngoài sự chăm sóc tỉ mỉ, các GV đứng lớp còn phải có kinh nghiệm để xử lý những tình huống liên quan đến sức khỏe như biểu hiện của trẻ khi sốt, những dấu hiệu khi trẻ khóc. Cùng là khóc nhưng trẻ khóc do mệt khác với khóc vì đói, khóc do gắt ngủ… Đứng lớp nhà trẻ, những GV lớn tuổi cũng bớt áp lực soạn giảng vì các nhóm lớp này công tác chăm sóc là chủ yếu” – cô Trâm cho biết. Chính sự lựa chọn, phân công đúng người, đúng việc, khuyến khích được sự sáng tạo của đội ngũ mà Trường Mầm non Bình Minh luôn nằm trong tốp dẫn đầu trong các phong trào thi ở bậc học mầm non của TP Đà Nẵng.
Cải thiện điều kiện làm việc của giáo viên
Gần 3 năm nay, Trường Tiểu học Núi Thành triển khai mô hình “6T”: Trí tuệ - Tận tâm – Thân thiện. Cô Huỳnh Thị Thu Nguyệt trao đổi: Mô hình này là cụ thể hóa của phong trào Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, Cuộc vận động Mỗi thầy giáo, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” và Phong trào “Trường học thân thiện – Học sinh tích cực”. Mô hình 6T cũng đồng thời là những chuyển động của nhà trường trong xây dựng đội ngũ đáp ứng nhu cầu đổi mới giáo dục hiện nay.
Tháng nào nhà trường cũng tổ chức đối thoại, giao lưu giữa GV trong các tổ chuyên môn theo chủ đề, như ứng xử thế nào khi phụ huynh gây khó cho giáo viên, làm sao để nâng cao chất lượng bữa ăn bán trú. Cô Thu Nguyệt chia sẻ: “Mục đích chính là để các thầy cô biết cách xử lý tình huống, hiểu được ý nghĩa của công việc, bồi đắp thêm tình yêu nghề”.
Làm sao đo được sự tận tâm và thân thiện của giáo viên? Đó là câu hỏi của không ít giáo viên khi BGH Trường Tiểu học Núi Thành phát động mô hình 6T. Cô Thu Nguyệt cho rằng, không cứ GV phải bám lớp thường xuyên mới là tận tâm. Sự tận tâm thể hiện ở nhiều mặt, chẳng hạn, GV có phương pháp giúp đỡ HS tiến bộ hơn trong rèn luyện hạnh kiểm, học tập. Có thể GV không thường xuyên ở lại lớp vào giờ ăn trưa của HS nhưng có những hướng dẫn để rèn các kỹ năng sinh hoạt tập thể cho HS để lực lượng quản sinh không quá vất vả duy trì nền nếp trong giờ ăn, ngủ của các em. Và không phải lúc nào cũng tươi cười, niềm nở với phụ huynh, đồng nghiệp mới là biểu hiện của thân thiện. “Có những giáo viên rất giỏi chuyên môn nhưng lại không được các đồng nghiệp học hỏi, chia sẻ, tâm sự. Chỉ cần qua một năm học, phụ huynh, học sinh chính là thước đo chứ chưa cần đến sự đánh giá của BGH hay tổ chuyên môn”, cô Nguyệt bày tỏ.
Theo cô Nguyệt, BGH phải “chia lửa” với GV, đừng tạo thêm áp lực và nặng nề với GV; quan trọng nhất là phải biết được sự cống hiến của GV. Chính vì vậy, các điều kiện hỗ trợ cho việc giảng dạy của GV luôn được nhà trường hỗ trợ tối đa. Đôi khi, chỉ đơn giản là sửa chữa ngay khi GV báo đèn chiếu sáng hay quạt bị hư hỏng. Hay GV dự thi các cuộc thi nghiệp vụ hoặc phong trào, BGH đều cử người đại diện cùng sát cánh với họ; có những phần thưởng kịp thời, dù có thể giá trị vật chất không đáng bao nhiêu nhưng GV được động viên tinh thần rất nhiều.
Trường Mầm non Hoàng Cúc, trường đầu tiên thí điểm mô hình nhận trẻ trong độ tuổi từ 6 – 18 tháng tuổi của quận Sơn Trà (Đà Nẵng). Cô Hồ Thị Kim Hiền – Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: Cứ mỗi đợt nhận trẻ mới, Trường Mầm non Hoàng Cúc chỉ tiếp nhận khoảng 5 trẻ để bảo đảm chất lượng chăm sóc trẻ. Cường độ làm việc của GV ở các nhóm lớp này rất vất vả, trẻ hay quấy khóc và gần như tiếng khóc là thông điệp của mọi nhu cầu, từ ăn, gắt ngủ, tè dầm, đòi cô bế nên GV phải rất tinh tế và tỉ mỉ trong quan sát và chăm sóc trẻ…. Chính vì vậy, trong thời gian nhận trẻ mới, nhà trường bố trí thêm GV để trẻ vẫn được bế ẵm, duy trì giờ ngủ sinh học như trẻ đang sinh hoạt ở nhà. Sau khoảng nửa tháng, khi mọi nền nếp ăn ngủ của trẻ đi vào ổn định, nhà trường mới nhận thêm trẻ mới. Đây cũng là cách BGH hỗ trợ, chia sẻ, giảm bớt áp lực công việc cho GV ở nhóm lớp này.