(GD&TĐ)-Tầm quan trọng cũng như cách thức để xây dựng thương hiệu cho các trường ĐH, CĐ, TCCN đã được chia sẻ tại hội thảo “Xây dựng thương hiệu và Tiếp thị cho các trường TCCN, CĐ và ĐH” diễn ra sáng nay (3/4) tại Hà Nội với sự tham gia của chuyên gia tư vấn và tiếp thị Catherine Pitman đến từ đại học UBC (Vancouver, Canada), một trường liên tục đứng trong thứ hạng 25-40 trường ĐH hàng đầu thế giới.
Hội thảo “Xây dựng thương hiệu và Tiếp thị cho các trường TCCN, CĐ và ĐH”. Ảnh: gdtd.vn |
Theo bà Catherine Pitman, một thương hiệu có nghĩa là sự khác biệt giữa được chú ý đến và bị bỏ qua. Hiện nay, con người được tiếp cận với một nguồn thông tin bất tận và mức độ chú ý của mọi người ngày càng ngắn hơn. Kết quả là, các trường cần tập trung nỗ lực của mình vào việc được chú ý vì khả năng một trường sẽ trở nên nổi trội mà không cần nỗ lực này là rất thấp.
Bà Catherine Pitman. Ảnh: gdtd.vn |
Một thương hiệu mạnh có thể góp phần cạnh tranh một cách thành công trong việc tuyển đúng sinh viên, cán bộ và giảng viên, kêu gọi nhiều tài trợ dành cho nghiên cứu hơn cũng như quyên tiền. Một thương hiệu cũng đem lại cho một trường cơ hội nêu bật một điểm mạnh hay một điểm khác biệt mà có lẽ không được biết đến một cách rộng rãi.
Để làm nên một thương hiệu mạnh, bà Catherine Pitman cho rằng, cần 3 yếu tố: đáng ghi nhớ, nhất quán và phải thật. Đáng ghi nhớ có nghĩa là phải hấp dẫn và khác biệt với các tổ chức khác. Nhất quán có nghĩa là những kinh nghiệm, tình cảm, hình ảnh, ý tưởng ... giúp liên hệ với thương hiệu không nên thay đổi. Sự nhất quán áp dụng không chỉ với những nhân tố hình ảnh mà nó còn được chuyển tải thông qua những thông điệp và câu chuyện bạn chia sẻ, mọi thứ bạn làm như là một tổ chức. Yếu tố “thật”có nghĩa là thương hiệu của bạn phải đáng tin cậy. Nếu bạn quảng bá tổ chức của mình như một đối tác mạnh về cộng đồng mà tổ chức của bạn trên thực tế lại không tham gia vào các hoạt đồng trong cộng đồng, thì thương hiệu của bạn là không thật.
Có nhiều cách thức để làm nên thương hiệu, như qua tờ rơi, website, qua những sinh viên đã tốt nghiệp và những gì họ đang làm; thông tin về nhà trường với cộng đồng từ các cán bộ, giảng viên và sinh viên; các bài diễn văn, các sự kiện, các thông điệp gửi qua thư điện tử....
Tuy nhiên, cũng theo bà Catherine Pitman, khi đã xây dựng thương hiệu của mình, đó mới chỉ là bắt đầu. Các trường cần thực hiện thương hiệu của mình và tiếp tục xây dựng, quản lý liên tục, làm nó trở nên “sống” trong lòng mọi người.
Lập Phương