Xây dựng quy hoạch sử dụng đất: Công cụ quan trọng để quản lý tài nguyên đặc biệt

GD&TĐ - Một trong những công cụ quan trọng nhất để quản lý đất đai và phát huy hiệu lực quản lý nhà nước đối với tài nguyên vô giá này là: xây dựng quy hoạch sử dụng đất.

đại biểu Nguyễn Thị Lan (đoàn TP Hà Nội)
đại biểu Nguyễn Thị Lan (đoàn TP Hà Nội)

Tài nguyên đặc biệt

Chiều ngày 29/10, Quốc hội thảo luận ở Tổ về dự kiến kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 – 2025; dự kiến quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021 - 2025).

Thảo luận tại tổ, đại biểu Nguyễn Thị Lan (đoàn TP Hà Nội) – nhấn mạnh: đất đai là tài nguyên đặc biệt, bộ phận quan trọng nhất của lãnh thổ quốc gia, gắn liền với lịch sử dựng nước và giữ nước của cả dân tộc.

Đất đai là không gian sinh tồn, sinh sống của các cộng đồng dân cư, gắn liền với từng gia đình,người dân; là nguồn lực to lớn để phát triển đất nước, tư liệu sản xuất đặc biệt tham gia vào tất cả các lĩnh vực hoạt động phát triển kinh tế, đời sống xã hội.

Đến nay, tổng diện tích đất tự nhiên của cả nước là hơn 33,13 triệu ha, trong đó nhóm đất nông nghiệp là 27,99 triệu ha, chiếm 84,49% (đất sản xuất nông nghiệp có 11,75 triệu ha; đất lâm nghiệp có 15,38 triệu ha); nhóm đất phi nông nghiệp là 3,9 triệu ha, chiếm 11,8% (đất ở có 0,75 triệu ha, đất chuyên dùng gần 2 triệu ha); nhóm đất chưa sử dụng có 1,23 triệu ha, chiếm 3,71%.

Đại biểu đoàn Hà Nội nhấn mạnh, ngay từ những ngày đầu tiên sau Cách mạng tháng 8/1945 thành công, Đảng ta đã ban hành và thực thi nhiều chính sách quan trọng về đất đai. Chủ trương, định hướng của Đảng về đất đai được thể hiện trong Nghị quyết qua các thời kỳ cơ bản, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước, phù hợp nguyện vọng của đại đa số các tầng lớp nhân dân.

Một trong các công cụ quan trọng nhất để quản lý về đất đai và phát huy hiệu lực quản lý nhà nước đối với tài nguyên vô giá này là xây dựng quy hoạch sử dụng đất. Chất lượng của việc quy hoạch đất đai có vai trò cực kỳ quan trọng đến phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng của bất kỳ quốc gia nào.

Ảnh minh hoạ/internet
Ảnh minh hoạ/internet

Căn cứ của quy hoạch sử dụng đất quốc gia

Theo đại biểu đoàn Hà Nội, một bản quy hoạch sử dụng đất quốc gia phải dựa trên các căn cứ: Các định hướng phát triển của Đảng và Nhà nước, các chiến lược và chủ trương dài hạn; Thực tiễn và xu thế phát triển trong thời gian vừa qua; dựa vào quy luật và xu hướng phát triển chung của thế giới;

Xác định được một số cân đối chính về nhu cầu sử dụng đất, như: cân đối an ninh lương thực (để xác định diện tích đất trồng lúa); cân đối nhu cầu bảo vệ môi trường (để xác định diện tích rừng đặc dụng và phòng hộ, độ che phủ rừng);

Cân đối nhu cầu cung cấp nước (để xác định diện tích sông suối mặt nước lớn); cân đối trữ lượng và khả năng đánh bắt thủy hải sản tại các vùng khai thác (để xác định quy mô và địa bàn đánh bắt trên biển và thềm lục địa;

Xác định được lợi thế tự nhiên kinh tế xã hội của từng vùng sinh thái, xác định tiềm năng và hướng đi cần thiết trong quy hoạch của các vùng đất này.

Cũng theo nữ đại biểu, cần tính toán một số dự báo chính về những yếu tố ảnh hưởng đến sử dụng đất trong tương lai như: tình hình biến đổi khí hậu, nhu cầu luơng thực và thực phẩm; các yếu tố phát triển (tăng giảm dân cư, dân số; đô thị hóa, công nghiệp hóa,...); các kịch bản rủi ro lớn (nguy cơ diễn biến thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh…); các kịch bản tranh chấp tài nguyên (nguồn nước của các dòng sông chính dùng chung, đánh bắt thủy hải sản và khai thác khoáng sản, tranh chấp giao thông trên biển,...). 

Ngoài ra, tính toán khả năng đầu tư cơ sở hạ tầng, điều chỉnh dân cư phân bổ kinh tế thế làm thay đổi diện mạo và quy mô tính chất đất đai của quốc gia. Các tác động và thay đổi khác có thể diễn ra nhờ hội nhập kinh tế quốc tế phát triển khoa học công nghệ và các yếu tố khác...

Góp ý kiến một số vấn đề cụ thể, đại biểu Nguyễn Thị Lan – cho rằng, cần làm nổi bật hơn nội dung đánh giá việc khai thác các mặt biển vào đánh bắt và nuôi trồng thủy sản, nhất là vùng ven biển gần bờ và quanh các hòn đảo lớn.

Phân tích sâu thêm tác động của biến đổi khí hậu để nhận thấy những tác động to lớn sẽ đe dọa tình hình sản xuất nông nghiệp của cả nước, đặc biệt là Đồng bằng Sông Cửu Long, Tây Nguyên, Bắc Trung Bộ và trung du miền núi phía Bắc.  

Cũng theo địa biểu, phần dự báo xu thế biến động đất đai cả nước cho thấy, đất chưa sử dụng đã giảm rất mạnh, hầu như chúng ta không còn quỹ đất dự trữ. Cần có phương án huy động nguồn lực đất để hình thành nguồn đất đai dự trữ quốc gia đủ lớn. Cùng với đó, cần quy hoạch để tăng số lượng và chất lượng rừng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Nhiệm kỳ 2.0 ?

GD&TĐ - Theo kết quả cuộc thăm dò do Reuters/Ipsos vừa tiến hành, Tổng thống Joe Biden chỉ còn dẫn trước 1% so với đối thủ là cựu Tổng thống Donald Trump.
Minh họa/INT

Câu trả lời rõ ràng

GD&TĐ - Mới đây, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết, sẽ thay thế tuyến buýt nhanh BRT Kim Mã - Yên Nghĩa bằng tuyến đường sắt đô thị...
Rút ngắn kỳ nghỉ hè có thể cải thiện năng suất học tập của học sinh.

Đề xuất rút ngắn kỳ nghỉ hè tại Anh

GD&TĐ - Quỹ từ thiện Nuffield, Anh, đề xuất nước này nên rút ngắn kỳ nghỉ hè từ 6 tuần xuống 4 tuần còn thời gian nghỉ giữa các học kỳ kéo dài 1 - 2 tuần.