Tham dự Hội thảo có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang Vũ Thị Bích Việt, lãnh đạo các Vụ, Cục, Viện chức năng của Bộ GD&ĐT, các chuyên gia ở nhiều trường ĐH, gần 30 Sở GD&ĐT thí điểm triển khai mô hình này.
“Nhà trường gắn liền với thực tiễn sản xuất, kinh doanh tại địa phương” là mô hình giúp học sinh được trải nghiệm với thực tiễn, được tìm hiểu và tham gia vào sản xuất kinh doanh tại địa phương. Mô hình còn giúp giáo viên cắt giảm được các tiết học lý thuyết trên lớp để dành thời lượng cho các kiến thức khác.
Vụ trưởng Vụ Giáo dục Phổ thông Vũ Đình Chuẩn đã báo cáo: GD&ĐT đã có công văn hướng dẫn 791 về thí điểm chương trình GD nhà trường phổ thông.
Ngay từ năm học 2013 - 2014 yêu cầu 6 cụm đơn vị trên cả nước triển khai, tạo điều kiện cho các nhà trường phổ thông phát huy tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong xây dựng kế hoạch giáo dục phù hợp với đặc điểm nhà trường, các địa phương, khuyến khích được tính sáng tạo của GV.
Từ 8 trường ban đầu có thêm nhiều trường đăng ký tham gia thí điểm. Đặc biệt, Tuyên Quang là tỉnh miền núi nhưng có 14 trường. Cụ thể, sau một năm triển khai, chương trình đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ.
Về xây dựng kế hoạch GD theo định hướng phát triển năng lực HS đã rà soát chương trình, SGK hiện hành để loại bỏ thông tin lạc hậu, bổ sung, cập nhật thông tin mới; cấu trúc, sắp xếp lại nội dung dạy học của từng môn học theo hướng phát triển năng lực HS thành những bài học mới; đồng thời xây dựng các chủ đề liên môn trong chương trình các môn học hiện hành.
Nhiều chủ đề liên môn được GV các trường xây dựng gắn với vấn đề thời sự đất nước như biến đổi khí hậu và phòng chống thiên tai , giới và bình đẳng giới, an toàn giao thông...
Đặc biệt, các hoạt động thí điểm chương trình GD nhà trường góp phần đổi mới phương pháp và hình thức tổ chức GD theo định hướng phát triển năng lực HS; đổi mới quản lý hoạt động dạy học, GD nhằm nâng cao hiệu quả phát triển chương trình GD nhà trường phổ thông.
Thông qua thực tế tại các nhà trường, các đại biểu tham dự đã có nhiều tham luận, đóng góp ý kiến cho Hội thảo. Điều quan trọng nhất đó là chương trình này tác động tích cực cho cả người học và người dạy, cha mẹ HS và nhà trường cũng như toàn cộng đồng.
Bà Trương Thị Kim Ngân - Hiệu trưởng Trường THPT Tháng 10 ở xã Mỹ Bằng (Yên Sơn, Tuyên Quang) - cho biết: Năm học vừa qua, nhà trường đã được sự giúp đỡ của Công ty Cổ phần Chè Mỹ Lâm đẻ HS đi tìm hiểu về tính chất đất vùng nguyên liệu chè ở địa phương, điều kiện tự nhiên như độ ẩm, nhiệt độ, nước, ánh sáng, độ dốc…; tìm hiểu thực tế và đánh giá năng suất chè tại các hộ gia đình và khảo sát về quy định vườn chè đạt tiêu chuẩn “nông nghiệp bền vững”.
Sau thời gian thực tế, các em đều được nghe những kết luận về điều kiện tự nhiên tác động tới sự phát triển cây chè; những tác động vào hiệu quả sản xuất của người dân.
Kết luận tại Hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển hoan nghênh cách làm của các nhà trường trong việc chủ động lập và thực hiện kế hoạch nhà trường; chương trình thu hút sự tham gia đông đảo của các trường, đặc biệt là đủ các loại hình nhà trường, đại diện các vùng miền, trường chuyên không chuyên.
Theo đó, năm học 2014 - 2015 kế hoạch GD nhà trường phổ thông sẽ tập trung thực hiện kế hoạch; đổi mới phương pháp, hình thức dạy học và kiểm tra đánh giá; đổi mới quản lý hoạt động dạy học, GD; tăng cường bồi dưỡng đội ngũ GV nhằm nâng cao hiệu quả phát triển kế hoạch GD nhà trường.
Thứ trưởng cũng yêu cầu Viện Khoa học GD tiếp tục nghiên cứu cùng các trường sư phạm về mô hình này; Cục Nhà giáo tập hợp thành tư liệu triển khai hoạt động tập huấn, góp phần cho đổi mới GD&ĐT sau năm 2015.
Đây là hoạt động từ thực tế, đề nghị các đồng chí cố gắng phát hiện nhân tố mới, bồi dưỡng, nhân rộng để đi đến thành công hơn nữa, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển nhấn mạnh.
Trong buổi chiều cùng ngày Bộ GD&ĐT đã tổng kết cuộc thi vận dụng kiến thức liên môn để giải quyết các tình huống thực tiễn và cuộc thi dạy học theo chủ đề tích hợp năm học 2013-2014”, đồng thời phát động cuộc thi năm 2015.
Sau đây là một số hình ảnh diễn ra: