Xây dựng nghệ thuật tranh biện cho trẻ: "Đắc nhân tâm" trong ăn nói

GD&TĐ - Tự tin nói chuyện trước đám đông là kỹ năng mà nhiều phụ huynh mong muốn ở con mình. Đặc biệt, không thể thiếu kỹ năng tranh luận phản biện.

Cha mẹ có thể để trẻ tham gia một số trò chơi, giúp phát triển tư duy phản biện. Ảnh minh họa.
Cha mẹ có thể để trẻ tham gia một số trò chơi, giúp phát triển tư duy phản biện. Ảnh minh họa.

Tranh luận khác với chỉ trích. Tranh luận được khuyến khích, nhưng không được làm tổn thương người khác. Cha mẹ cần dạy trẻ biết tôn trọng cảm xúc của người đang tranh luận, cũng như đâu là thời điểm phù hợp để đưa ra ý kiến. 

Phần tất yếu của quá trình trau dồi

Giao tiếp là công cụ tuyệt vời, giúp con người tiến thêm một bước để hiểu và chia sẻ với nhau nhiều hơn. Bộ phim “The Great Debaters” (Những nhà hùng biện) kể câu chuyện có thật về giáo sư - nhà thơ da đen Tolson (Denzel W.). Ông là người thành lập đội tranh luận tiếng Melvin đầu tiên tại Trường Wiley vào năm 1935. Ông dẫn dắt các thành viên vượt qua nhiều thử thách để trở thành đội lập luận giỏi nhất.

Bộ phim mang tới thông điệp rằng, giáo dục giúp đưa con người thoát khỏi sự ngu dốt, bóng tối, mở ra ánh sáng văn minh. Trong đó, tranh biện là một phần tất yếu của quá trình trau dồi kiến thức.

Có thể nói, một cuộc tranh biện hiệu quả không chỉ là một cuộc tranh luận hay thảo luận. Đó là khả năng nhận thức và hiểu một ý tưởng hoặc tuyên bố từ một quan điểm khác. Tranh luận có mối liên hệ đến tư duy phản biện (critical thinking), kỹ năng lắng nghe nhạy bén và khả năng đi đến tận cùng một chủ đề cụ thể.

Từ những nghiên cứu khoa học gần đây, các nhà giáo dục khẳng định, phụ huynh nên tập trung hơn vào việc dạy trẻ tư duy phản biện. Kỹ năng tư duy phản biện sẽ giúp trẻ có khả năng phân tích và đánh giá thông tin một cách kỹ càng hơn.

Phản biện không phải là cho phép trẻ cãi lại người lớn, luôn khư khư bảo vệ ý kiến của bản thân. Thay vào đó, trẻ có thể đưa ra lập luận phản biện rõ ràng, logic. Từ đó, làm sáng tỏ vấn đề và khẳng định tính chính xác của thông tin.

Tư duy phản biện được cho là sẽ giúp hoạt động não bộ trẻ phát triển gấp 2 lần trong nhận thức và giải quyết vấn đề. Dạy trẻ tư duy phản biện càng sớm, cha mẹ càng giúp con sử dụng kỹ năng này thuần thục khi lớn. Một nghiên cứu cho thấy, những đứa trẻ phát triển tư duy phản biện sẽ học giỏi với khả năng ghi nhớ tốt, đi đầu trong cách tìm và giải quyết vấn đề, cũng như có chỉ số IQ cao.

Viện Khoa học Lý thuyết Hoa Kỳ cho biết, trẻ có thể học tư duy phản biện ngay từ khi còn nhỏ. Tư duy phản biện có thể được xem là một kỹ năng trẻ cần học, không thuộc bẩm sinh hay gen di truyền. Trong hoạt động giao tiếp hằng ngày với trẻ, cha mẹ có thể giúp con làm quen và phát triển lối tư duy phản biện một cách tự nhiên. Trong khi đó, doanh nhân Margaret Heffernan (Anh) từng chia sẻ: “Để có những ý tưởng hay và đổi mới thật sự, chúng ta cần sự tương tác giữa con người, xung đột, tranh luận, tranh biện”.

Trẻ có thể sử dụng tài hùng biện ở mọi nơi trong cuộc sống hàng ngày. Ảnh minh họa.

Trẻ có thể sử dụng tài hùng biện ở mọi nơi trong cuộc sống hàng ngày. Ảnh minh họa.

Nền tảng hình thành tư duy phản biện

Tranh biện nhìn qua có thể như một cuộc cãi nhau. Nhìn chung, cãi nhau hay tranh biện đều thể hiện ý nói, quan điểm của những người trong cuộc. Song, thực tế, tranh biện khác với cãi nhau. Bởi, cãi nhau thường đặt cảm xúc lên trên với lý lẽ thiếu thuyết phục. Trong khi đó, tranh biện sẽ đi sâu vào tìm hiểu, phân tích, tìm dẫn chứng cụ thể để chứng minh, bảo vệ quan điểm, ý kiến cá nhân.

Theo các chuyên gia, khi tranh biện, trẻ cần có lập luận chặt chẽ, dẫn chứng cụ thể, hợp lý, tinh thần tự tin, sẵn sàng nêu luận điểm. Ngoài ra, người nghe cũng cần có thái độ lịch sự, tôn trọng ý kiến của nhau. Đồng thời, không được sử dụng những ngôn từ xúc phạm, công kích đối thủ để giành ưu thế về phía mình.

Chia sẻ về vấn đề này, bà Dương Thị Ngọc Bích - Thạc sĩ chuyên ngành giảng dạy tiếng Anh tại Đại học Victoria (Australia) cho biết, để dạy trẻ tư duy tranh biện, cha mẹ cần luôn đặt câu hỏi và tuân theo tuần tự. Đồng thời, quan sát và tìm hiểu xem trẻ thích chơi trò gì, ăn món nào cũng như hành vi cư xử hằng ngày. Phụ huynh có thể đặt câu hỏi 5 lần. Lần hỏi đầu tiên nên theo kiểu “Yes/No” (“Có / Không”, hoặc “Đồng ý / Không đồng ý”).

Câu hỏi như vậy kích thích trẻ trả lời. Sau đó, cha mẹ có thể hỏi, tại sao trẻ đưa ra câu trả lời như vậy. Nhiều cha mẹ chưa biết cách đặt câu hỏi cho con và thường mở đầu bằng câu hỏi “Tại sao?”. Khi đó, trẻ có thể lúng túng hoặc không kích thích “cái tôi”. Bên cạnh đó, cách trì hoãn, cho thời gian suy nghĩ sẽ giúp trẻ có phương pháp tổng hợp các câu trả lời trong đầu, trước khi chọn ra câu trả lời tốt nhất. Khi trẻ trả lời xong, phụ huynh không nên khen ngay, mà có thể gợi ý con đưa ra ví dụ.

Theo bà Ngọc Bích, phụ huynh cũng có thể tập cho trẻ thói quen chịu trách nhiệm về những gì đã gây ra. “Thương con phải tập cho con phân biệt đâu là lỗi thuộc về mình trong bất kì hoàn cảnh nào, phải chịu trách nhiệm thì chúng mới chịu suy nghĩ, cân nhắc. Đó là nền tảng hình thành tư duy phản biện”, chuyên gia nhận định.

Trẻ cũng có thể tập thói quen quan sát và tìm nhiều nguồn dữ liệu khác nhau. Trẻ lớn có thể đọc sách, lên thư viện tìm sách dưới sự hướng dẫn của cha mẹ. Trong khi đó, trẻ nhỏ cần được trải nghiệm càng nhiều càng tốt. Trong trường hợp trẻ thường xuyên hỏi “Tại sao?”, phụ huynh nên giúp con tự tìm câu trả lời thỏa đáng. Bà Ngọc Bích cho rằng, đó là trách nhiệm và bổn phận của cha mẹ. Phụ huynh không nên trả lời qua loa, thờ ơ. Bởi, điều đó vô tình triệt tiêu khả năng tìm nguồn thông tin và đặt câu hỏi của trẻ. Để giúp trẻ có tư duy phản biện, phụ huynh cũng được khuyến khích cho phép con làm mọi thứ theo cách riêng của chúng, dù cha mẹ biết kết quả sẽ không tốt như mong đợi.

Tự tin là một trong những yếu tố quan trọng khi tranh biện. Ảnh minh họa.

Tự tin là một trong những yếu tố quan trọng khi tranh biện. Ảnh minh họa.

Thái độ quan trọng hơn kiến thức

Để trẻ được phát triển khả năng tranh biện, phụ huynh có thể cho con tham gia một số trò chơi. Trước hết, trò chơi câu đố sẽ là “công cụ” hữu hiệu. Đây là hình thức trẻ thường yêu thích và chơi nhiệt tình.

“Câu đố dân gian đơn giản giúp phát triển vốn tri thức vạn vật quanh ta. Từ đó, kích thích trí tò mò, háo hức muốn thể hiện tài năng giải câu đố của trẻ. Cha mẹ có thể chơi trò câu đố với con bất kỳ lúc nào. Tiệm sách có bán nhiều sách về câu đố dân gian, hoặc có thể mua tập “Mười vạn câu hỏi vì sao”, đọc cho trẻ nghe rồi đặt câu đố”, bà Ngọc Bích gợi ý.

Ngoài ra, với trò chơi so sánh, trẻ có thể chỉ ra điểm giống và khác nhau. Từ đó, hình thành kỹ năng phân tích và phân loại thông tin. Phụ huynh đồng thời nên cho trẻ luyện khả năng tổng hợp thông qua đọc và kể truyện. Khuyến khích kể lại câu chuyện mà cha mẹ đã đọc cho con nghe. Sau đó, giúp trẻ tóm tắt ý chính của câu chuyện thay vì chỉ trả lời các câu hỏi cụ thể.

“Cha mẹ nên hỏi những câu không có câu trả lời trực tiếp từ truyện, giúp trẻ suy luận và rút ra kết luận của riêng mình dựa trên sự hiểu biết. Yêu cầu trẻ phân tích nhân vật và thiết lập các yếu tố trong câu chuyện là một cơ hội tốt để trẻ so sánh và đối chiếu các nội dung trong cũng như ngoài truyện”, bà Ngọc Bích gợi ý.

Để trẻ liên hệ câu chuyện với cuộc sống của bản thân và với các sự kiện bên ngoài sẽ giúp bé hình thành khả năng tổng hợp. Theo chuyên gia này, đây là khởi đầu quan trọng của kỹ năng tư duy phản biện. Đồng thời, là lúc trẻ em bắt đầu sử dụng các thông tin theo những cách mới và áp dụng vào ý tưởng khác nhau.

“Tranh luận khác với chỉ trích. Tranh luận được khuyến khích, nhưng không được làm tổn thương người khác. Chúng ta dạy con biết tôn trọng cảm xúc của người đang tranh luận, thời điểm nào phù hợp để đưa ra ý kiến. Đó là nghệ thuật kết hợp sự khéo léo. Tranh luận sao cho văn minh, thái độ tranh luận quan trọng hơn kiến thức tranh luận. Nếu không biết dạy, sẽ dễ thành con dao hai lưỡi”, bà Ngọc Bích nhận định.

Do đó, theo bà Ngọc Bích, muốn trẻ tranh luận tốt, cha mẹ cần trang bị cho con nhiều kiến thức. Đồng thời, rèn luyện cho trẻ sự tự tin, khả năng giao tiếp xã hội. Bởi, dù trẻ giỏi đến mấy, nhưng nếu kỹ năng trình bày ấp úng, thiếu sự tự tin, bé cũng sẽ không thể thuyết phục người nghe.

Theo chuyên gia này, phản biện giúp đối phương hiểu bản chất của vấn đề, đồng thời luôn tôn trọng người góp ý. Nếu phản biện làm gây chia rẽ, tạo phản ứng gay gắt không hồi kết, cha mẹ cần dạy trẻ nhận diện cảm xúc trước. Theo bà Ngọc Bích, trước khi rèn tư duy phản biện cho trẻ, phụ huynh cần tinh tế, chấp nhận hạ thấp mình ngang hàng, tập cách biết lắng nghe con.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Bình dân học vụ số

GD&TĐ - Sáng 18/11, tại Hà Nội, Tổng Bí thư Tô Lâm có cuộc gặp mặt đại diện nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam.