Xây dựng nền giáo dục thực học - thực nghiệp và dân chủ

GD&TĐ - Sáng nay (15/5), Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa đã có báo cáo trước Hội nghị báo cáo viên các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc trung ương khu vực phía Bắc về những nội dung quan trọng liên quan đến dự thảo chương trình giáo dục phổ thông.

Xây dựng nền giáo dục thực học - thực nghiệp và dân chủ
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa báo cáo tại Hội nghị báo cáo viên các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc trung ương khu vực phía Bắc sáng 15/5.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa báo cáo tại  Hội nghị báo cáo viên các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc trung ương khu vực phía Bắc sáng 15/5. 

Người học phát triển năng lực thực tiễn; cơ sở GD được trao quyền tổ chức kế hoạch dạy học

Chương trình giáo dục phổ thông mới thực hiện quan điểm của Nghị quyết 29-NQ/TW xây dựng nền giáo dục thực học - thực nghiệp và dân chủ.

Đây là một trong những điểm mới căn bản của chương trình giáo dục phổ thông mới được Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa nhấn mạnh.

Theo đó, quan điểm thực học - thực nghiệp thể hiện ở mục tiêu hình thành, phát triển năng lực thực tiễn cho người học; ở yêu cầu tăng cường thực hành, vận dụng, gắn kết với thực tiễn đời sống của các môn học và hoạt động giáo dục; ở việc quán triệt yêu cầu hướng nghiệp để thực hiện phân luồng mạnh sau THCS và bảo đảm tiếp cận nghề nghiệp ở THPT.

Quan điểm dân chủ thể hiện ở việc trao quyền và trách nhiệm tổ chức kế hoạch dạy học cho cơ sở giáo dục, quyền và trách nhiệm bổ sung các nội dung giáo dục phù hợp với yêu cầu của địa phương.

Chương trình mới tạo điều kiện cho học sinh được lựa chọn các học phần, các môn học và hoạt động giáo dục phù hợp với sở trường, nguyện vọng của mình; phát huy tính năng động, tư duy độc lập và sáng tạo của học sinh trong học tập, rèn luyện (môn học tự chọn, môn học bắt buộc có phân hóa). Chương trình cũng không quy định quá chi tiết, tạo điều kiện chủ động, sáng tạo cho người biên soạn sách giáo khoa và người dạy.

Ngoài nội dung này, những điểm mới căn bản khác của chương trình giáo dục phổ thông được Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa nhấn mạnh, cụ thể:

Thứ nhất: Chương trình giáo dục phổ thông gồm chương trình tổng thể và chương trình các môn học.

"Trước đây không có chương trình giáo dục phổ thông tổng thể nên thiếu định hướng chung cho các chương trình môn học và là nguyên nhân gây ra tình trạng không đồng bộ, trùng lắp nội dung giữa các cấp học, môn học. Lần này, Bộ GD&ĐT xây dựng dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể để làm căn cứ xây dựng các chương trình môn học, khắc phục các hạn chế trên" - Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa cho hay.

Thứ 2: Nội dung giáo dục trong chương trình giáo dục phổ thông mới được thiết kế theo 2 giai đoạn: Giáo dục cơ bản (gồm cấp tiểu học và THCS), giáo dục định hướng nghề nghiệp (cấp THPT).

Thứ 3: Chương trình giáo dục phổ thông mới được xây dựng theo định hướng tiếp cận năng lực, phù hợp với xu hướng phát triển chương trình của các nước tiên tiến, đáp ứng yêu cầu của Nghị quyết 29-NQ/TW và Nghi quyết 88/2014/QH13 của Quốc hội "... chuyển nền giáo dục nặng về truyền thụ kiến thức sang nền giáo dục phát triển toàn diện cả về phẩm chất và năng lực, hài hòa đức, trí, thể, mỹ và phát huy tốt nhất tiềm năng của mỗi học sinh".

Theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa, dự thay đổi căn bản trong cách tiếp cận này sẽ chi phối và bắt buộc tất cả các khâu của quá trình dạy học (nội dung, phương pháp, phương tiện, hình thức tổ chức, cách kiểm tra, đánh giá, thi cử; cách thức quản lý và thực hiện...) phải thay đổi, nhằm tạo ra sự thay đổi căn bản về chất lượng giáo dục.

Chương trình đã xác định các phẩm chất chủ yếu và năng lực cốt lõi cần hình thành, phát triển cho học sinh được thể hiện dưới dạng yêu cầu cần đạt cụ thể cho từng cấp học, làm căn cứ để xác định các lĩnh vực giáo dục, các môn học và hoạt động giáo dục, phương pháp giáo dục và phương pháp đánh giá kết quả giáo dục phù hợp.

Các phẩm chất chủ yếu được chương trình giáo dục phổ thông mới hình thành, phát triển cho học sinh là: yêu đất nước, yêu con người, chăm học, chăm làm, trung thực, trách nhiệm.

Các năng lực cốt lõi được chương trình giáo dục phổ thông mới hình thành, phát triển cho học sinh bao gồm: năng lực chung và năng lực chuyên môn.

Bên cạnh việc hình thành, phát triển các năng lực cốt lõi, chương trình giáo dục phổ thông mới còn góp phần phát hiện, bồi dưỡng năng lực đặc biệt (năng khiếu của học sinh).

Thứ 4: Chương trình giáo dục phổ thông mới áp dụng phương pháp giáo dục và đánh giá kết quả giáo dục phù hợp với định hướng tiếp cận năng lực. Cụ thể, kết hợp đánh giá thường xuyên trong quá trình dạy học và đánh giá định kỳ; coi trọng các nhận xét, hướng dẫn trong đánh giá; đa dạng hóa các hình thức đánh giá, hướng dẫn học sinh biết tự đánh giá...

Thứ 5: Chương trình giáo dục phổ thông mới bảo đảm kế thừa chương trình hiện hành, tạo điều kiện thuận lợi để giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục ở cơ sở thực hiện chương trình.

Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa cho biết: Chương trình mới đã giảm số môn học, thời lượng so với chương trình hiện hành và còn thấp hơn chương trình các nước.

Tuy nhiên, tiếp thu ý kiến, Ban Phát triển chương trình dự kiến báo cáo Hội đồng Thẩm định quốc gia không tổ chức dạy môn Thế giới công nghệ ở các lớp 1, 2; chỉ bắt đầu dạy Tin học và Tìm hiểu công nghệ từ lớp 3. Số giờ học ở các lớp 8, 9, 10 cũng sẽ được nghiên cứu để giảm xuống dưới 30 tiết/tuần...

Giải pháp triển khai trong thời gian tới

Các giải pháp triển khai trong thời gian tới được Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa chia sẻ tại Hội nghị, cụ thể:

Thứ nhất: Tiếp tục ban hành các văn bản quy phạm pháp luật phục vụ việc xây dựng, biên soạn và thẩm định chương trình, sách giáo khoa mới.

Thứ 2: Chỉnh sửa dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể trên cơ sở tiếp thu nghiêm túc, cầu thị ý kiến góp ý của các tầng lớp nhân dân.

Phê duyệt tạm thời chương trình tổng thể làm căn cứ xây dựng các chương trình môn học; tổ chức dự thảo các chương trình môn học và lấy ý kiến góp ý cho các dự thảo chương trình môn học; tổ chức thực nghiệm chương trình tổng thể và các chương trình môn học; thẩm định, chỉnh sửa và ban hành chính thức chương trình giáo dục phổ thông mới (chương trình tổng thể và chương trình môn học).

Thứ 3: Tiếp tục chuẩn bị các điều kiện cần thiết để biên soạn sách giáo khoa mới, trong đó xây dựng và triển khai kế hoạch chi tiết tổ chức biên soạn 1 bộ sách giáo khoa theo chương trình mới do Bộ GD&ĐT thực hiện; biên soạn bộ tài liệu hướng dẫn dạy học các môn học theo chương trình mới.

Căn cứ chương trình mới do Bộ GD&ĐT ban hành, các tổ chức, cá nhân có nguyện vọng tổ chức biên soạn bản thảo SGK; các Hội đồng quốc gia thẩm định SGK tiến hành thẩm định theo tiêu chuẩn SGK do Bộ GD&ĐT ban hành; Bộ trưởng Bộ GD&ĐT phê duyệt cho phép sử dụng.

Các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tổ chức biên soạn tài liệu giáo dục của địa phương theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT; ban hành hướng dẫn lựa chọn SGK ở cơ ở giáo dục phổ thông; cung cấp SGK cho các trường thuộc miền núi, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc ít người, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, học sinh khuyết tật, tổ chức cho học sinh mượn SGK để sử dụng trong năm học.

Thứ 4: Triển khai kế hoạch tổng thể đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông phù hợp với lộ trình áp dụng chương trình, SGK mới.

Thứ 5: Xây dựng kế hoạch để triển khai thực hiện Đề án đảm bảo cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục mầm non và chương trình giáo dục phổ thông phù hợp với lộ trình áp dụng chương trình, SGK mới sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đảm bảo đồng bộ từ trung ương đến các địa phương và đồng bộ với lộ trình thực hiện chương trình, SGK mới; xây dựng, ban hành danh mục thiết bị dạy học tối thiểu theo chương trình mới.

"Từ nhiều năm nay, Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục trung học tạo điều kiện cho các tổ, nhóm chuyên môn, giáo viên được chủ động lựa chọn nội dung, xây dựng các chủ đề dạy học trong mỗi môn học và các chủ đề tích hợp, liên môn;

Đồng thời, xây dựng kế hoạch dạy học phù hợp với các chủ đề và theo hình thức, phương pháp và kĩ thuật dạy học tích cực; tăng cường các hoạt động nhằm giúp học sinh vận dụng kiến thức liên môn vào giải quyết các vấn đề thực tiễn. Do đó, giáo dục tích hợp không phải là điều xa lạ với giáo viên phổ thông.

Từ nhiều năm nay, Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo áp dụng nhiều phương thức giáo dục mới như mô hình trường học mới, phương pháp bàn tay nặn bột, hoạt động trải nghiệm sáng tạo, nghiên cứu khoa học kĩ thuật, dạy học thông qua di sản, giáo dục tích hợp khoa học - công nghệ - kĩ thuật - toán (STEM)... Do đó, hầu hết giáo viên các cấp học đã được làm quen, nhiều giáo viên đã vận dụng thành thạo các phương pháp giáo dục mới"
- Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.