Khoanh tay, mỉm cười, cúi chào
Trong những buổi học đầu tiên đầu năm học mới, các cô giáo Trường Tiểu học Trưng Vương (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) đã lồng ghép giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh và văn hóa chào hỏi đến học sinh.
Cô Đỗ Thị Thu Hiền - giáo viên Trường Tiểu học Trưng Vương cho biết, giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh, nâng cao văn hóa giao tiếp bắt đầu từ lời chào hỏi sẽ giúp mỗi học sinh hình thành nhân cách, xây dựng hình ảnh người Hà Nội thanh lịch, văn minh từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.
Trong những năm học vừa qua, nhà trường quan tâm đặc biệt đến xây dựng văn hóa chào hỏi, đề ra chỉ tiêu 100% học sinh được giáo dục nếp sống thanh lịch văn minh, văn hóa giao tiếp, văn hóa chào hỏi. Nhà trường tổ chức nhiều hoạt động theo hướng tăng cường trải nghiệm, vận dụng vào thực tiễn; thường xuyên thực hành nét đẹp văn hóa nhà trường.
“Khoanh tay, mỉm cười, cúi chào” là nội quy được Trường THCS Gia Quất (huyện Gia Lâm) thực hiện từ nhiều năm nay. Triển khai nội quy, nhà trường đã hướng dẫn học sinh khi gặp thầy cô, các bác lao công, bảo vệ hay khách đến trường, học sinh sẽ mỉm cười, đặt tay phải lên ngực trái, cúi nhẹ và cất lời chào. Khi nhận được lời chào của học sinh, thầy cô cũng đáp lại bằng cử chỉ và lời chào tương tự.
Nhằm lan tỏa nét đẹp văn hóa ứng xử này, nhà trường còn triển khai tuyên truyền thông qua các buổi phát thanh măng non, quay video tuyên truyền và đăng tải trên website, Facebook, Zalo. Ngoài ra, các thầy cô còn tuyên truyền tới học sinh thực hiện văn hóa chào hỏi không chỉ tại trường mà còn thực hiện ở nhà, khi đi trên đường, khu dân cư.
Sau một thời gian thực hiện, đến nay nếp văn hóa chào hỏi của giáo viên và học sinh trở thành thói quen, hình ảnh đẹp tại Trường THCS Gia Quất.
Ảnh minh họa ITN. |
Lan tỏa trong nhà trường
Với mục tiêu giáo dục học sinh “là người tử tế và biết cách cư xử”, Trường THCS Khương Thượng (quận Đống Đa) đã phát động đến toàn thể cán bộ giáo viên, nhân viên và học sinh toàn trường thực hiện văn hóa chào hỏi. Theo đó, học sinh sẽ thực hiện chào thầy cô giáo, các bác, các cô chú, nhân viên của nhà trường. Đáp lại, thầy cô cũng sẽ chào hỏi và thể hiện tình cảm với học trò.
Cô Bùi Thị Hồng Thủy - Hiệu trưởng Trường THCS Khương Thượng cho hay, giáo dục sự lễ phép của học sinh thông qua chào hỏi thầy cô, người lớn tuổi là công việc quan trọng trong quá trình hình thành và rèn luyện nhân cách của học sinh. Nhờ sự ủng hộ của phụ huynh, văn hóa này được lan tỏa trong nhà trường.
Trong khi đó, cô Nghiêm Thị Hằng Nga - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thịnh Hào (quận Đống Đa) chia sẻ, từ nhiều năm qua, nhà trường đã coi trọng giáo dục đạo đức, nhân cách của học sinh. Từ những việc nhỏ như lời chào hỏi, cách đi đứng, ăn mặc, nói năng lễ phép sẽ góp phần hình thành và rèn giũa cho mỗi học sinh nhân cách tốt, sự thanh lịch trong môi trường thân thiện.
Từ đầu năm học, các lớp tổ chức cho học sinh học tập nội quy nhà trường, tập trung vào giáo dục phẩm chất “lễ phép” cho học sinh. Chào hỏi lễ phép là một trong những kỹ năng sống quan trọng, không chỉ gieo thói quen tốt mà còn giúp các em hòa nhập tốt và được mọi người xung quanh yêu mến hơn.
Để duy trì tiếp nối giá trị tốt đẹp đó, trong tiết sinh hoạt dưới cờ dịp đầu năm mới, nhà trường tiếp tục thực hiện chuyên đề “Nét đẹp trong chào hỏi, giao tiếp của học sinh Trường Tiểu học Thịnh Hào” nhằm giúp học sinh nhận thức được sự cần thiết của chào hỏi, cách thức chào hỏi, cách thể hiện sự lễ phép của học sinh đối với thầy cô và người lớn tuổi, ở trường cũng như ở nhà và ngoài xã hội.
Theo ông Kiều Cao Trinh - Phó Trưởng phòng Chính trị tư tưởng - Khoa học Công nghệ (Sở GD&ĐT Hà Nội), những năm qua, ngành GD-ĐT Hà Nội luôn quan tâm đến việc xây dựng văn hóa chào hỏi cho học sinh. Qua đó góp phần xây dựng văn hóa học đường, đảm bảo môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh thân thiện và phòng chống bạo lực học đường; đồng thời rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh.