Xây dựng Luật Học tập suốt đời: Không thể chậm hơn

GD&TĐ - Bên cạnh dự án Luật Nhà giáo, Bộ GD&ĐT đã và đang nghiên cứu xây dựng Luật Học tập suốt đời.

Ảnh minh họa ITN.
Ảnh minh họa ITN.

Luật này sẽ có chế tài cho việc được đi học và phải đi học. Nói như Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng, Luật để tạo lực đẩy, để được làm, phải làm và phải làm theo.

Ngày nay, học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập là tất yếu và trở thành xu thế mang tính chiến lược của các quốc gia và nền giáo dục. Nhìn ở cấp độ cá nhân, học tập suốt đời đem lại tác động tích cực, góp phần cải thiện tình trạng nghèo đói của hộ gia đình, tăng thu nhập và phúc lợi lâu dài. Trên phương diện vĩ mô, một lực lượng lao động lành nghề và có khả năng thích ứng cao với những thay đổi của khoa học công nghệ sẽ ngày càng cần thiết cho các nền kinh tế đang phát triển và muốn tăng mức thu nhập trung bình của người dân.

Học tập suốt đời được cấu thành dựa trên một hệ thống tích hợp các cơ hội học tập. Việc này được lồng ghép, thay thế, mở rộng, bổ sung cho nhau bằng cách tạo ra những con đường kết nối, liên thông giữa các hệ thống giáo dục, đào tạo. Một trong những đặc thù của học tập suốt đời là sự linh hoạt và độ mở cả trong cung cấp dịch vụ giáo dục, đào tạo cũng như phương thức học tập của cá nhân, với sự hỗ trợ của công nghệ thông tin, tài nguyên học tập trực tuyến, E-learning…

Trong bối cảnh chung, học tập suốt đời không chỉ phục vụ cho cuộc sống cá nhân, mà còn góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, năng lực cạnh tranh và khả năng hội nhập của quốc gia. Nói cách khác, học tập suốt đời là con đường tất yếu để mỗi cá nhân và cộng đồng phát triển bền vững, thích ứng với những thay đổi của cuộc sống và xã hội.

Bởi vậy, vấn đề học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập được Đảng và Nhà nước quan tâm, chỉ đạo từ sớm. Điều đó được thể hiện qua nhiều nghị quyết, chỉ thị trực tiếp hoặc gián tiếp đề cập đến chủ đề này.

Chẳng hạn như: Nghị quyết Trung ương 2, khóa VIII về định hướng chiến lược phát triển giáo dục - đào tạo trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá và nhiệm vụ đến năm 2000, trong đó quy định giáo dục - đào tạo là sự nghiệp của toàn Đảng, Nhà nước và toàn dân. Mọi người đi học, học thường xuyên, học suốt đời, phê phán thói lười học. Mọi người chăm lo cho giáo dục.

Trên tinh thần đó, các cấp uỷ và tổ chức Đảng, các cấp chính quyền, đoàn thể nhân dân, tổ chức kinh tế, xã hội, gia đình và cá nhân đều có trách nhiệm góp phần phát triển sự nghiệp giáo dục - đào tạo, đóng góp trí tuệ, nhân lực, vật lực, tài lực cho giáo dục - đào tạo. Kết hợp giáo dục nhà trường, giáo dục gia đình và giáo dục xã hội, tạo nên môi trường giáo dục lành mạnh ở mọi nơi, trong từng cộng đồng, từng tập thể (thể hiện cách tiếp cận toàn chính phủ, liên bộ/ngành).

Hay như Đại hội lần thứ XIII của Đảng (năm 2021) đã đề cập, thúc đẩy xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời… đa dạng hoá phương thức đào tạo dựa theo mô hình giáo dục mở, khung trình độ quốc gia, gắn với thị trường và đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Rõ ràng, những quan điểm chỉ đạo nêu trên thể hiện cách tiếp cận tổng thể trong học tập suốt đời, gắn kết học tập suốt đời với giáo dục mở, khung trình độ quốc gia, yêu cầu của thị trường và những giá trị văn hóa...

Chẳng thế mà, nhiều chuyên gia, nhà khoa học đều thống nhất quan điểm: Xây dựng Luật Học tập suốt đời cần thực hiện ngay, không thể chậm hơn; nhất là trong bối cảnh môi trường số, công dân toàn cầu như hiện nay.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ