Xây dựng lối sống đẹp cho học sinh bằng cách nào?

GD&TĐ - Bên cạnh nhiệm vụ đào tạo về kiến thức, kỹ năng, thì việc hướng các em học sinh (HS) đến những giá trị sống cao đẹp là vô cùng cần thiết của những người làm công tác giáo dục. Hiện nay, nhiều trường đã có những đổi mới và đa dạng hóa mô hình dạy lối sống đẹp ở HS, thu được những kết quả tích cực.

PGS-TS Huỳnh Văn Sơn, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TPHCM, trong một buổi nói chuyện về kỹ năng sống với HS Trường THPT Nguyễn Du (TPHCM)
PGS-TS Huỳnh Văn Sơn, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TPHCM, trong một buổi nói chuyện về kỹ năng sống với HS Trường THPT Nguyễn Du (TPHCM)

GD nhận thức kết hợp trải nghiệm thực tế

Một trong những cách xây dựng lối sống đẹp hiệu quả nhất là gắn việc giáo dục nhận thức kết hợp với trải nghiệm thực tế. Tiêu biểu như tại Trường THPT Nguyễn Du (TPHCM), 2 hình thức này được thực hiện song hành và bổ trợ cho nhau rất hiệu quả. Để giáo dục nhận thức cho HS, nhà trường thường tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề với các em.

Chủ đề của các chuyên đề rất đa dạng và bao trùm nhiều khía cạnh của cuộc sống, như: “Ước mơ”; “Lời mẹ ru”; “Nhận thức bản thân”; “Dạy con giữ đạo làm người”; “Kỹ năng giải quyết xung đột trong tập thể”, “Bí mật 3 chữ T”, “Sử dụng facebook thông minh”, “Học cách cười”, “Giải tỏa áp lực”, “Sống khôn ngoan”…

Chủ trì các buổi nói chuyện là thầy Hiệu trưởng Huỳnh Thanh Phú và những thạc sĩ, tiến sĩ tâm lý giáo dục có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực của mình, như: TS tâm lý Huỳnh Văn Sơn, ThS tâm lý Đào Lê Hòa An, TS Nguyễn Thị Bích Hồng… Các diễn giả đưa ra những tình huống thực tế rất gần gũi, đời thường mà các em HS có thể gặp phải hằng ngày, để từ đó giáo dục các em về lối sống đạo đức, cách đối nhân xử thế sao cho văn minh, đúng đắn và nhân văn nhất.

Không dừng lại ở lý thuyết, nhà trường còn thường xuyên tổ chức các hoạt động ngoại khóa, các chuyến tham quan thực tế, công tác từ thiện để các em được thấy, được nghe về những hoàn cảnh khó khăn và được chung tay làm các công tác vì cộng đồng, như: nấu cơm từ thiện; quyên góp kinh phí xây mới cầu cho bà con ở huyện Thạnh Phú, Bến Tre; Marathon vì cộng đồng, về nguồn thăm hỏi các thương binh ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu… Các hoạt động được thực hiện xuyên suốt năm học để luôn nhắc nhở và vun đắp tinh thần sống đẹp ở HS.

Các em HS THPT không chỉ quan tâm hơn đến cộng đồng, mà còn tìm thấy niềm vui và mục tiêu sống từ các hoạt động giàu ý nghĩa này. Đơn cử như hoạt động “Chia sẻ yêu thương – Một hộp cơm, một tấm lòng” - quyên góp và nấu 500 suất cơm từ thiện cho các bệnh viện trong địa bàn thành phố. HS cùng các thầy cô giáo mua thực phẩm, chế biến tại trường và mang những phần cơm đến các bệnh viện phát cho thân nhân và bệnh nhân đang khám, điều trị tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 và Bệnh viện Nguyễn Trãi.

Qua 5 lần thực hiện, hoạt động luôn được sự ủng hộ của hội cha mẹ HS. Hầu hết HS tìm thấy niềm vui khi được làm công tác thiện nguyện và dần có định hướng theo ngành công tác xã hội.Nhiều phụ huynh cho biết, được tham gia phong trào, các em trở nên năng động hơn, sống có trách nhiệm hơn và quan tâm nhiều hơn tới người thân trong gia đình và xã hội.

Hình ảnh đẹp của HS iSchool và các em có hoàn cảnh khó khăn ở Ninh Thuận

Hình ảnh đẹp của HS iSchool và các em có hoàn cảnh khó khăn ở Ninh Thuận

Mỗi tuần một danh ngôn sống đẹp

Cũng theo đuổi triết lý giáo dục nhân bản, 7 hệ thống giáo dục thành viên của Tập đoàn Nguyễn Hoàng (NHG) đã có cách làm khá mới mẻ và đầy sáng tạo để giúp các em HS- SV xây dựng lối sống đẹp, biết san sẻ và yêu thương cộng đồng trong suốt 52 tuần của một năm. Cụ thể, mỗi em sẽ được nhà trường tặng một bộ flashcard với 52 danh ngôn sống đẹp thuộc các chủ đề: sự trung thực, lòng can đảm, tình yêu hòa bình, lòng quảng đại, sự tử tế, tình bằng hữu, tinh thần đồng đội và tình yêu thương...

Tại mỗi buổi sinh hoạt đầu tuần, hiệu trưởng các trường sẽ chọn một tấm card, phân tích ý nghĩa câu châm ngôn được in trên đó và thực hành “sống đẹp” theo thông điệp được chọn. Tại lớp, các giáo viên sẽ luôn nhắc nhở và chia sẻ với các em về những vấn đề xoay quanh chủ đề của tuần...

Thầy và trò iSchool Ninh Thuận trao quà cho các gia đình khó khăn

Thầy và trò iSchool Ninh Thuận trao quà cho các gia đình khó khăn

Tương tự Trường THPT Nguyễn Du, các hoạt động giáo dục nhân cách tại NHG cũng gắn liền với trải nghiệm thực tế, thông qua các hoạt động thiện nguyện. Gần đây nhất là chương trình “Xuân yêu thương 2018” do hệ thống trường iSchool tổ chức vào trước Tết Nguyên đán.

Theo đó, các em HS cùng phụ huynh đã tổ chức quyên góp được hơn 350 triệu đồng, 1,300 kg gạo, hơn 1.000 phần quà và hàng trăm thùng mì tôm, thùng quần áo, bánh, kẹo, sữa, dầu ăn,... để san sẻ đến 104 gia đình có hoàn cảnh thực sự khó khăn, 13 tổ chức, mái ấm tình thương tại các địa phương trên toàn quốc.

Điểm đặc biệt của chiến dịch này là các em được tự mình lên kế hoạch tổ chức và thực hiện hoạt động từ thiện. Từ việc quyên góp, chọn lọc và liên hệ các hộ gia đình khó khăn, cho đến việc chọn quà, tổ chức thăm hỏi, động viên các cụ già neo đơn… đều được các em cùng nhau thực hiện.

Có thể thấy, từ những bài học nhân sinh gần gũi và các hoạt động ngoại khóa thiết thực mà Trường THPT Nguyễn Du hay các trường thuộc hệ thống giáo dục Nguyễn Hoàng tổ chức, HS sẽ có ý thức hơn với những gì xảy ra trong cuộc sống thường ngày, từng bước mở rộng thế giới quan của mình, nhìn nhận mọi vấn đề ở một góc nhìn nhân bản, văn minh và cởi mở hơn.

Đây là hướng đi mới phù hợp cho hoạt động dạy sống đẹp và là nền tảng để tạo dựng một con người hiện đại, bản lĩnh, giàu lòng nhân ái, biết tận hưởng và sẻ chia hạnh phúc với mọi người xung quanh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ