Xây dựng Khung trình độ Quốc gia - Không chỉ là chuyện bằng cấp

Xây dựng Khung trình độ Quốc gia - Không chỉ là chuyện bằng cấp

(GD&TĐ) - Hôm nay (15/8), tại Hà Nội, đã diễn ra Hội nghị quốc tế "Xây dựng Khung trình độ quốc gia - Hỗ trợ Việt Nam hội nhập ASEAN" do Hội đồng Anh phối hợp cùng Bộ GD&ĐT, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức.

Thứ trưởng Bùi Văn Ga phát biểu tại Hội nghị
Thứ trưởng Bùi Văn Ga phát biểu tại Hội nghị

Tham dự Hội nghị có Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga; Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Ngọc Phi; Tiến sỹ Sasithara Pichaichannarong -Tổng Thư ký Hội đồng Giáo dục, Văn phòng Giáo dục Quốc gia Thái Lan; bà Kornsuang Pirom - Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế, Viện Quản lý Trình độ nghề Thái Lan - đại diện khối ASEAN; ông Mark Novels - Giám đốc Novels Consulting - đại diện chia sẻ kinh nghiệm của Vương quốc Anh; cùng nhiều chuyên gia của Bộ GD&ĐT; Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội, Hội đồng Anh.

Về phía doanh nghiệp có ông David Priestley - Giám đốc điều hành Rolls-Royce International Ltd, Việt Nam; bà Nguyễn Thùy Dương - Phó Tổng giám đốc công ty Ernst & Young Việt Nam.

Xây  dựng Khung trình độ Quốc gia nhằm thúc đẩy hợp tác giáo dục và việc làm giữa các quốc gia trên cơ sở công nhận văn bằng, chứng chỉ của nhau. Để văn bằng trở nên dễ hiểu với người sử dụng lao động và người tốt nghiệp một trình độ. Nhằm hình thành cơ chế đảm bảo chất lượng gắn với công nhận văn bằng và trình độ tương ứng để tạo niềm tin vào giá trị của văn bằng.... Những điều đó đã được khẳng định lại trong hội nghị quốc tế lần này.

Các chuyên gia, đại biểu tham dự Hội nghị
Các chuyên gia, đại biểu tham dự Hội nghị
 

Tại Hội nghị, một số kinh nghiệm quý báu của các quốc gia trong khu vực và Vương quốc Anh đã được chia sẻ để đóng góp cho quá trình xây dựng Khung trình độ Quốc gia Việt Nam.

Qua phần trình bày về Khung trình độ Quốc gia Vương quốc Anh, ông Mark Novels đã quy hoạch bằng cấp và trình độ của Vương quốc Anh theo tám bậc của Khung trình độ quốc gia, chỉ ra hai yếu tố quan trọng khiến bằng cấp của Vương quốc Anh được công nhận về chất lượng trên phạm vi thế giới.

Ông Ian Robinson - Quyền Giám đốc Quốc gia Hội đồng Anh Việt Nam - nói: “Cũng giống như Việt Nam, Vương quốc Anh đã từng gặp phải những khó khăn về nhận biết, so sánh và đánh giá các bằng cấp khác nhau vì chúng tôi cũng có một hệ thống bằng cấp rất đa dạng và khá phức tạp. Năm 1997, Khung Bằng cấp hay Khung Trình độ Quốc gia ra đời và là khung duy nhất cho tất cả các loại bằng cấp ở Anh, Xứ Wales và Bắc Ai-len (không bao gồm các bằng cấp bậc đại học), giúp chúng tôi giải quyết khó khăn".

Tại Hội nghị, các đại biểu cũng chia sẻ về điểm yếu, cơ hội, những thách thức về văn bằng và trình độ đang tồn tại, và trình bày sơ lược về chiến lược xây dựng khung trình độ quốc gia trong bối cảnh và tiến trình xây dựng Khung tham chiếu trình độ khu vực ASEAN.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga cho biết: Hội nhập quốc tế về giáo dục đòi hỏi  chính sách và khung pháp lý phù hợp với chuẩn mực quốc tế về hành chính, quản lý, chất lượng GD, mô hình cung cấp dịch vụ GD và cơ chế công nhận trình độ, kỹ năng của người lao động, giúp cho họ được học tập lao động trong môi trường toàn cầu. GD của ta đáp ứng cơ bản nhu cầu phát triển kinh tế xã hội trong nước.

Tuy nhiên, phải nhìn nhận rằng hệ thống giáo dục nước ta còn nhiều tồn tại, nhiều bất cập về tư duy hình thức, cơ chế quản lý , điều kiện đảm bảo chất lượng còn thiếu thốn, lạc hậu, thiếu các tiêu chuẩn về trình độ cũng như bằng cấp; bằng cấp chưa thực sự gắn với học vấn, năng lực của người học,  làm ảnh hưởng đến niềm tin của xã hội nói chung và người sử dụng lao động nói riêng.

Một số địa phương chỉ dùng người vừa làm vừa học, người học liên thông hoặc học các chương trình  ở nước ngoài. Chúng ta phải có giải pháp làm sao cho văn bằng tốt nghiệp đại học phải xứng đáng với năng lực và học vấn, xóa đi những phân biệt, định kiến xã hội với người học, dù học ở đâu theo hình thức nào đều được đánh giá công nhận dựa vào năng lực thực sự.

Việc xây dựng khung trình độ quốc gia giúp người học có thể học suốt đời và được công nhận năng lực; giúp cho người sử dụng lao động hiểu rõ bản chất của trình độ đào tạo để tuyển dụng và sử dụng hợp lý.

Tại Việt Nam, các văn bằng và trình độ đang được định nghĩa một cách thiếu rõ ràng, khó hiểu, lòng tin của người sử dụng lao động với các văn bằng chưa cao và khả năng quy đổi tương đương bằng cấp của Việt Nam với khu vực và thế giới còn hạn chế.

Đến năm 2012, khoảng 130 nước trên thế giới đã có Khung trình độ quốc gia. Trong khu vực ASEAN, Việt Nam là một trong bốn nước vẫn chưa xây dựng hoàn chỉnh Khung trình độ quốc gia (cùng với Campuchia, Lào và Myanmar).

An Nhiên

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Café chủ nhật: Cõi nhớ

GD&TĐ - Nắng đầu Đông yếu ớt hai ngày qua đã phải nhường chỗ cho đợt gió mùa tràn về.

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

GD&TĐ - Theo truyền thống, vào ngày 15/11 âm lịch, các gia đình thường chuẩn bị lễ cúng gia tiên cùng bài văn khấn để nguyện cầu sức khỏe, bình an.