Xây dựng Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Densavan

GD&TĐ - Hội thảo "Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Densavan" nhằm xây dựng cơ chế, chính sách ưu đãi chung cho khu vực này.

Tỉnh Quảng Trị và tỉnh Savanakhet đang xây dựng đề án xây dựng Khu KTTM xuyên biên giới chung.
Tỉnh Quảng Trị và tỉnh Savanakhet đang xây dựng đề án xây dựng Khu KTTM xuyên biên giới chung.

Chiều 15/3, tại thị trấn Lao Bảo (huyện Hướng Hóa), tỉnh Quảng Trị phối hợp chính quyền tỉnh Savanakhet (Lào) tổ chức Hội thảo "Khu kinh tế thương mại (KTTM) xuyên biên giới chung Lao Bảo (Quảng Trị, Việt Nam) - Densavan (tỉnh Savannakhet, Lào): Từ ý tưởng đến hiện thực".

Hội thảo Khu KTTM xuyên biên giới chung Lao Bảo - Densavan với sự tham gia của hơn 200 đại biểu, gồm lãnh đạo các cơ quan Bộ, ngành Trung ương, địa phương 2 nước Việt Nam – Lào, các cơ quan ngoại giao, các đối tác, doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Hội thảo Khu KTTM xuyên biên giới chung Lao Bảo - Densavan.
Hội thảo Khu KTTM xuyên biên giới chung Lao Bảo - Densavan.

Hội thảo lần này nhằm giới thiệu, lấy ý kiến tham gia của các nhà khoa học, các cơ quan, đơn vị và cộng đồng doanh nghiệp về nội dung Đề án thí điểm xây dựng Khu KTTM xuyên biên giới chung Lao Bảo - Densavan.

Trong đó, tập trung làm rõ tính khả thi và đề xuất các cơ chế, chính sách ưu đãi tạo thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh tại Khu KTTM xuyên biên giới chung; giới thiệu mô hình Khu thương mại tự do, khu phi thuế quan; giới thiệu về tiềm năng, thế mạnh, cơ hội đầu tư nhằm thu hút mạnh mẽ các nguồn lực để đầu tư vào Khu KTTM đặc biệt Lao Bảo và Khu Thương mại biên giới Densavan.

Tỉnh Quảng Trị có cơ sở hạ tầng giao thông tương đối hoàn chỉnh và được quy hoạch đồng bộ với cảng biển nước sâu, các tuyến đường bộ, đường thủy, đường sắt Bắc - Nam, cảng hàng không đang được đầu tư xây dựng, thuận lợi về lưu thông hàng hóa và hành khách, tạo điều kiện phát triển các hoạt động kinh tế, đầu tư, thương mại, dịch vụ, du lịch ở quy mô quốc gia và khu vực.

Khu KTTM đặc biệt Lao Bảo (Việt Nam) cũng như Khu Thương mại biên giới Densavan (Lào) được hình thành xuất phát từ lợi thế của khu vực, mối quan hệ hữu nghị đặc biệt giữa hai nước, chủ trương của hai Bộ Chính trị cũng như sự quyết tâm của hai Chính phủ Việt Nam và Lào trong việc lựa chọn và thiết lập một khu vực chung, cho phép áp dụng thí điểm những chính sách đặc thù.

Sau hơn 25 năm xây dựng và phát triển, hai khu kinh tế đã góp phần làm thay đổi diện mạo của khu vực hai bên biên giới, có đóng góp quan trọng vào sự phát triển của hai tỉnh Quảng Trị và Savannakhet.

Đến nay, do nhiều nguyên nhân, Khu Kinh tế - Thương mại đặc biệt Lao Bảo và Densavan chưa phát triển được như kỳ vọng; có những hạn chế bất cập về cơ chế chính sách cần được tháo gỡ, tạo động lực mới cho khu vực Lao Bảo - Đensavan phát triển phù hợp với bối cảnh, tình hình mới.

Ông Võ Văn Hưng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị phát biểu tại hội thảo.
Ông Võ Văn Hưng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị phát biểu tại hội thảo.

Phát biểu tại hội thảo, ông Võ Văn Hưng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị nhấn mạnh, Hội thảo “Khu Kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Densavan: Từ ý tưởng đến hiện thực” nhằm giới thiệu nội dung Đề án, đặc biệt là các cơ chế chính sách đặc thù, vượt trội dự kiến áp dụng tại Khu Kinh tế - Thương mại xuyên biên giới chung để lấy ý kiến tham gia của các chuyên gia, các nhà khoa học, các cơ quan có liên quan.

Ngoài ra, hội thảo tham vấn ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và Lào để tỉnh Quảng Trị và tỉnh Savannakhet tiếp tục hoàn thiện Đề án và dự thảo nội dung Hiệp định giữa hai Chính phủ trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư - Cơ quan thường trực Uỷ ban hợp tác Việt Nam - Lào và các Bộ, ngành của hai nước với mong muốn khi Khu Kinh tế - Thương mại xuyên biên giới chung đi vào vận hành sẽ có tính khả thi cao, phù hợp tình hình thực tiễn và mối quan hệ Việt Nam - Lào trong bối cảnh mới và thực sự có sức hấp dẫn đối với doanh nghiệp đến đầu tư, kinh doanh tại khu vực nhiều tiềm năng này.

Hội thảo có sự đóng góp ý kiến của các doanh nghiệp, nhà khoa học.
Hội thảo có sự đóng góp ý kiến của các doanh nghiệp, nhà khoa học.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, để Khu Kinh tế - Thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Densavan sớm đi vào vận hành và hoạt động có hiệu quả, bên cạnh việc phối hợp nghiên cứu xây dựng các cơ chế chính sách, hành lang pháp lý, tỉnh Quảng Trị xác định việc điều chỉnh quy hoạch Khu Kinh tế - Thương mại đặc biệt Lao Bảo và phối hợp với tỉnh Savannakhet điều chỉnh quy hoạch Khu Thương mại biên giới Đensavan phù hợp với định hướng phát triển mới.

Đồng thời, tích cực quảng bá thu hút các doanh nghiệp đến đầu tư, nhất là đầu tư hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật tại hai Khu kinh tế: Khu Kinh tế - Thương mại đặc biệt Lao Bảo và Khu Thương mại biên giới Đensavan.

Ba nội dung trên đang được tỉnh Quảng Trị và tỉnh Savannakhet phối hợp triển khai thực hiện.

Tỉnh Quảng Trị cũng mong muốn Hội thảo lần này sẽ là kênh gặp gỡ, kết nối, giao lưu trực tiếp, thúc đẩy mối quan hệ hợp tác giữa tỉnh Quảng Trị, tỉnh Savannakhet với các tổ chức, doanh nghiệp, nhà đầu tư trong nước, quốc tế, lan toả thông tin về tiềm năng, thế mạnh, cơ hội đầu tư vào Khu Kinh tế - Thương mại đặc biệt Lao Bảo (Quảng Trị) và Khu Thương mại biên giới Đensavan (Savannakhet) đến với các tổ chức, hiệp hội, cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư.

"Thành công của Hội thảo sẽ góp phần rất quan trọng để việc thí điểm xây dựng Khu Kinh tế - Thương mại xuyên biên giới chung đầu tiên giữa hai nước Việt Nam - Lào sớm trở thành hiện thực", ông Võ Văn Hưng cho hay.

Hội thảo tiếp nhận 15 bài tham luận của đại biểu.
Hội thảo tiếp nhận 15 bài tham luận của đại biểu.

Hội thảo tiếp nhận 15 bài tham luận của đại diện lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lào, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam, các cơ quan, đơn vị hai tỉnh Quảng Trị - Savannakhet, các chuyên gia kinh tế và các doanh nghiệp, nhà đầu tư.

Các tham luận tập trung đề cập cơ sở lý luận và thực tiễn, tính khả thi và hiệu quả của việc hình thành khu KTTM xuyên biên giới chung; các chính sách, cơ chế, giải pháp xây dựng Khu KTTM xuyên biên giới chung Lao Bảo - Densavan, tạo động lực mới cho hợp tác kinh tế giữa Việt Nam - Lào.

Các giải pháp huy động nguồn vốn, tập trung đầu tư hạ tầng khu vực cửa khẩu hai nước để phát triển dịch vụ logistics và khu công nghiệp, khu thương mại tự do, khu phi thuế quan, thu hút các dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh và thực hiện thí điểm một số cơ chế, chính sách vượt trội tại Khu KTTM xuyên biên giới chung Lao Bảo - Densavan.

Trong khuôn khổ hội thảo, các đại biểu đã tham gia khảo sát thực địa và hội nghị giới thiệu Đề án Khu KTTM xuyên biên giới chung Lao Bảo - Densavan, tham vấn ý kiến doanh nghiệp, nhà đầu tư.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ