Các nội dung cụ thể như sau:
I. Đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch năm 2015 và ước thực hiện kế hoạch 2016
1. Trên cơ sở Kế hoạch và Dự toán ngân sách đào tạo năm 2015 và ước thực hiện năm 2016, đề nghị các bộ/ngành đánh giá thực trạng đào tạo và nguồn lực thực hiện với những nội dung sau:
a) Về quy hoạch mạng lưới CSĐT thuộc Bộ/ngành quản lý: Kết quả, thuận lợi, khó khăn trong việc xây dựng, rà soát, điều chỉnh, triển khai thực hiện quy hoạch mạng lưới CSĐT.
b) Quy mô và kết quả tuyển sinh đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp của các trường thuộc Bộ/ngành quản lý.
c) Quy hoạch phát triển nguồn nhân lực của Bộ/ngành; đào tạo theo nhu cầu xã hội; cơ cấu trình độ và ngành nghề đào tạo; quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các CSĐT; chất lượng đào tạo và việc làm của sinh viên sau tốt nghiệp; về đào tạo, tạo nguồn cán bộ cho vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
d) Tình hình phát triển đội ngũ giảng viên và cán bộ quản lý giáo dục (thuận lợi, khó khăn; thừa, thiếu, cơ cấu trình độ giảng viên theo khối/ngành và giải pháp khắc phục...).
đ) Kết quả thực hiện các chính sách của Nhà nước và các chính sách đặc thù của Bộ/ngành đối với học sinh, sinh viên; chính sách đối với giảng viên; chính sách đối với CSĐT.
e) Đánh giá thực hiện thu (học phí, lệ phí, thu hoạt động dịch vụ, thu sự nghiệp khác), ngân sách chi thường xuyên; định mức phân bổ ngân sách chi thường xuyên/sinh viên công lập; tỷ lệ chi hoạt động đào tạo so với tổng chi sự nghiệp đào tạo.
f) Kết quả thực hiện kế hoạch đầu tư công theo Luật đầu tư công; khó khăn, thuận lợi; tiến độ thực hiện các công trình, dự án thuộc nguồn vốn bộ/ngành quản lý; đánh giá về diện tích sàn xây dựng trực tiếp phục vụ hoạt động đào tạo, thiết bị phục vụ hoạt động đào tạo.
g) Về chương trình, dự án ODA do ngân sách Trung ương hỗ trợ các CSĐT thuộc bộ/ngành quản lý.
h) Kết quả thực hiện xã hội hóa giáo dục (đánh giá thuận lợi, khó khăn, kết quả đạt được và đề xuất sửa đổi hoặc bổ sung chính sách hiện hành).
2. Đánh giá chung
Trên cơ sở kết quả phân tích, cần đánh giá chung về những kết quả đạt được (so với mục tiêu, chỉ tiêu kế hoạch năm 2016 đã đặt ra), những khó khăn, vướng mắc; nguyên nhân và bài học kinh nghiệm.
II. Xây dựng kế hoạch phát triển giáo dục và đào tạo năm 2017 (năm học 2017 - 2018)
1. Nguyên tắc
a) Kế hoạch phát triển đào tạo và dự toán ngân sách đào tạo năm 2017 phải kết hợp chặt chẽ, phù hợp với kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2016-2020 của Bộ/ngành; kế hoạch phải dựa trên quy hoạch mạng lưới CSĐT và quy hoạch nguồn nhân lực của ngành; kế hoạch phải bao quát, khả thi, gắn với nguồn lực để thực hiện, là công cụ quan trọng để quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo.
b) Kế hoạch được xây dựng trên cơ sở dữ liệu của Bộ/ngành; nâng cao tính dự báo, những cơ hội, thách thức đối với sự nghiệp phát triển nguồn nhân lực; kế hoạch phải được triển khai xây dựng đồng bộ, phối hợp chặt chẽ với các bên liên quan; bảo đảm tính công khai, minh bạch, công bằng, hiệu quả và tăng cường trách nhiệm giải trình trong phân bổ các nguồn lực.
c) Thực hiện đổi mới công tác xây dựng quy hoạch, kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực; tiếp tục tăng cường quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các đơn vị sự nghiệp công lập; nâng cao hiệu quả đào tạo, dạy nghề gắn với giải quyết việc làm; ưu tiên đầu tư cho công tác đào tạo vùng có đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và những ngành, nghề cần thu hút người học; tăng cường xã hội hóa giáo dục, đào tạo.
2. Nội dung
a) Trên cơ sở mục tiêu, chỉ tiêu của Bộ/ngành đặt ra trong kế hoạch năm 2017 và giai đoạn 2016-2020:
- Xác định các chỉ tiêu chủ yếu của kế hoạch theo từng nội dung; các chỉ tiêu kế hoạch phải được xây dựng theo chỉ tiêu đầu vào, chỉ tiêu đầu ra, chỉ tiêu kết quả và theo nguyên tắc bảo đảm tính khoa học, khả thi, cụ thể, đánh giá được, có khung thời gian thực hiện; đi kèm với từng mục tiêu, chỉ tiêu nêu ngắn gọn về bối cảnh, phân tích, cân nhắc để lựa chọn mục tiêu, chỉ tiêu chủ yếu đó.
- Kế hoạch tuyển mới đào tạo: Căn cứ vào đội ngũ giảng viên và điều kiện cơ sở vật chất của các CSĐT quy định tại Thông tư số 57/2011/TT-BGDĐT ngày 02/12/2011 và Thông tư số 32/2015/TT-BGD ĐT ngày 16/12/2015 quy định về việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh đối với cơ sở giáo dục đại học; các CSĐT trực thuộc Bộ/ngành tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh sau đại học, đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp. Trong đó các cơ sở đào tạo cần lưu ý là chỉ tiêu tuyển sinh được xác định theo các quy định nêu trên là năng lực đào tạo tối đa của cơ sở đào tạo. Vì vậy, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị các Bộ/ngành chỉ đạo các CSĐT trực thuộc thực hiện giảm chỉ tiêu đối với các ngành có dấu hiệu dư thừa nhân lực; thực hiện chuyển đổi mô hình đào tạo từ phát triển quy mô, số lượng sang chất lượng, hiệu quả; đào tạo gắn với quy hoạch nhân lực của Bộ/ngành và xã hội.
b) Kế hoạch tài chính
- Dự toán thu: Học phí, dự toán trên cơ sở dự kiến quy mô sinh viên công lập và khung học phí năm học 2016-2017 theo Nghị định số 86/2015/NĐ-CP (chi tiết theo trình độ đào tạo); lệ phí tuyển sinh; thu sự nghiệp; xã hội hóa giáo dục.
- Chi thường xuyên: Dự toán chi thường xuyên sự nghiệp đào tạo năm 2017 xây dựng trên cơ sở hệ thống tiêu chí và định mức phân bổ NSNN hiện hành, trong đó dự toán chi tiền lương, các khoản phụ cấp theo lương theo đúng các chế độ đã ban hành trước thời điểm lập dự toán và chủ động dự kiến đầy đủ nhu cầu kinh phí thực hiện các chế độ chính sách đối với giáo dục và đào tạo đã ban hành.
- Chi đầu tư phát triển: Dự toán chi đầu tư phát triển năm 2017 xây dựng trên cơ sở phù hợp với Kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2016-2020 và tình hình thực hiện năm 2016 của Bộ/ngành. Trong đó: lưu ý Công văn số 916/BKHĐT-TH ngày 05/02/2016 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về thông báo số kiểm tra kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn nguồn ngân sách giai đoạn 2016-2020 để thực hiện. Dự toán chi đầu tư năm 2017 phù hợp với quy hoạch mạng lưới CSĐT, quy hoạch nguồn nhân lực của Bộ/ngành và cơ sở vật chất hiện có, trong đó sắp xếp thứ tự ưu tiên cho các dự án nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao.
- Các chương trình, dự án ODA liên quan đến hoạt động đào tạo của bộ/ngành.
c) Đề xuất các giải pháp thực hiện kế hoạch
Để xây dựng và tổ chức thực hiện thành công kế hoạch năm 2017, các Bộ/ngành cần xây dựng các giải pháp mang tính khả thi, phù hợp với đặc điểm của Bộ/ngành, cụ thể như sau:
- Huy động và sử dụng có hiệu quả các điều kiện thực hiện kế hoạch: đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo; các nguồn lực tài chính.
- Giải pháp về tổ chức quản lý (tổ chức, chỉ đạo, điều hành, phối hợp liên ngành và kiểm tra, giám sát việc thực hiện).
- Về xã hội hoá công tác đào tạo: đề xuất các giải pháp, cơ chế, chính sách để huy động được nguồn lực của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước phát triển giáo dục và đào tạo.
d) Kiến nghị
Nêu các kiến nghị với Bộ Giáo dục và Đào tạo và các Bộ/ngành Trung ương, Đảng, Nhà nước.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị các Bộ/ngành có CSĐT trực thuộc chỉ đạo đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch đào tạo và dự toán ngân sách đào tạo năm 2017.
Báo cáo kèm theo biểu mẫu gửi về Bộ Giáo dục và Đào tạo (qua Vụ Kế hoạch - Tài chính, số 35 Đại Cồ Việt, quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội, Email: phongkhdt@moet.edu.vn) trước ngày 30/5/2016 để phục vụ cho việc xây dựng và tổng hợp kế hoạch toàn ngành.
Khi có Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và văn bản hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính về xây dựng kế hoạch dự toán ngân sách năm 2017 nếu có các vấn đề phát sinh mới, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ có hướng dẫn bổ sung đến các đơn vị.