Xây dựng “hộp đen” cho Trái đất

GD&TĐ - Hộp đen của Trái đất là tên của dự án và được triển khai nhằm ghi lại từng bước trên con đường dẫn đến sự diệt vong của hành tinh chúng ta.

Xây dựng “hộp đen” cho Trái đất

Lấy cảm hứng từ những chiếc hộp đen lưu giữ thông tin của máy bay, các nhà khoa học từ Australia mới công bố ý tưởng sẽ tạo ra một thiết bị lưu trữ “không thể bị phá hủy” để ghi chép lại cách nhân loại xử lý cuộc khủng hoảng biến đổi khí hậu. 

Hộp đen của Trái đất là tên của dự án và được triển khai nhằm ghi lại từng bước trên con đường dẫn đến sự diệt vong của hành tinh chúng ta.

“Trừ khi chúng ta thay đổi cách sống của mình một cách đáng kể, biến đổi khí hậu và các nguy cơ nhân tạo khác sẽ khiến nền văn minh của chúng ta sụp đổ”, trích lời từ trang web của dự án Earth’s Black Box.

Chiếc hộp đen khổng lồ chạy bằng năng lượng Mặt trời sẽ có chiều dài gần bằng một chiếc xe buýt học sinh và có hình dạng gần giống với một đài tưởng niệm. Hộp đen sẽ được bọc bằng thép dày 7,5 cm được thiết kế để chống chịu được thảm họa. Hộp đen của Trái đất sẽ được đặt ở vị trí an toàn nhất trên Trái đất: Tasmania.

Dự án này là sự hợp tác giữa Đại học Tasmania với Công ty truyền thông Clemenger BBDO và nhóm nghệ thuật Glue Society, dự kiến sẽ bắt đầu được xây dựng vào đầu năm 2022.

Hộp đen - thiết bị được tạo ra bởi Tiến sĩ David Warren ở Melbourne (Australia) phát minh vào khoảng năm 1954 - có tác dụng ghi lại toàn bộ dữ liệu của các chuyến bay từ thời điểm cất cánh để khi có sự cố hàng không xảy ra, các đội tìm kiếm và cứu hộ có thể dựa trên nó mà tìm nguyên nhân của vụ tai nạn, hỗ trợ cho việc điều tra. Hộp đen được thiết kế đặc biệt giúp nó chịu được va đập (3.400 Gs), và tồn tại được dưới sức ép (227 kg/6,5 cm2), nhiệt độ (1.100 độ C) mà không hư hại, chịu được nước muối (dưới đáy biển) 24 - 30.    

Hộp đen sẽ thu thập các phép đo nhiệt độ, dữ liệu axit hóa đại dương, dữ liệu về sử dụng đất, mức chi tiêu quân sự, tiêu thụ năng lượng và gia tăng dân số của nhân loại, đồng thời thu thập các tiêu đề tin tức, các bài đăng trên mạng xã hội và thông tin từ các hội nghị quan trọng về biến đổi khí hậu giữa các nguyên thủ quốc gia.

Jim Curtis - Giám đốc sáng tạo điều hành tại Clemenger BBDO, nói với ABC News Australia: “Ý tưởng của dự án là nếu Trái đất sụp đổ do biến đổi khí hậu, thiết bị ghi và lưu trữ thông tin không thể bị phá hủy này vẫn sẽ tồn tại để bất cứ ai còn lại học hỏi từ nó.

Hộp cũng tồn tại để trở thành bằng chứng bắt các nhà lãnh đạo phải chịu trách nhiệm, đảm bảo các hành động hoặc việc từ chối hành động của họ được ghi lại”.

Trong khi tính hữu dụng của hộp đen đối với nhân loại thời hậu tận thế là một câu hỏi mở, giá trị trước mắt của nó dễ dàng được đánh giá hơn. Mặc dù thực tế là việc xây dựng dự án vẫn chưa bắt đầu, các thuật toán của nó đã đang chạy trong một thử nghiệm beta có thể được quan sát trên trang web của dự án.

Dữ liệu có trong hộp đen của Trái đất sẽ được công bố công khai tại mọi thời điểm dưới dạng một hộp thời gian về thông tin khí hậu.

Dự án đến với chúng ta vào thời điểm mà hành tinh đang trên đà đối mặt với mức tăng nhiệt độ toàn cầu là 2,7 độ C so với mức thời kỳ tiền công nghiệp. Các tảng băng đang mất ổn định, nước ngọt trở nên khan hiếm và một số lượng kỷ lục các loài sắp tuyệt chủng, theo nhiều nghiên cứu.

Mặc dù, một số người coi dự án là tượng đài cho chủ nghĩa bi quan về khí hậu, nhưng ý định rõ ràng của chiếc hộp đen này không chỉ đơn giản là ghi lại sự diệt vong sắp xảy ra của chúng ta mà thay vào đó là để giúp chúng ta tránh xa nó, theo các nhà sáng tạo của dự án.

Theo livescience

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cô Đỗ Thị Hồi trong giờ lên lớp.

'Quả ngọt' của cô giáo vùng khó

GD&TĐ - Cô Đỗ Thị Hồi, Trường TH Lạc Hòa 1 (TX Vĩnh Châu, Sóc Trăng) là nữ giáo viên đầu tiên của tỉnh được tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân.