(GD&TĐ) - Đối với không gian lớp học, xây dựng góc học tập là điều vô cùng hữu ích. Giáo viên cần quan sát xem học sinh thích gì, quan tâm đến lĩnh vực gì khi các em học và nghiên cứu môn học nào đó trong các góc môn học được trưng bày ở lớp. Giáo viên cũng lưu ý xem kết quả học tập của các em ở góc học tập nào có kết quả tốt hơn, hiệu quả hơn. Từ đó sẽ phát huy những mặt mạnh, khắc phục những tồn tại và có thể định hướng nghề nghiệp về sau cho các em.
Đối với mỗi gia đình, xây dựng góc học tập có ý nghĩa giúp học sinh thu nhận, tổng hợp kiến thức, quan sát và sử dụng các đồ vật ở góc học tập. Từ đó học sinh tự phát triển kiến thức của chính bản thân. Bên cạnh đó, có được góc học tập mà các em yêu thích mang lại sự hài lòng, hứng thú và tạo động cơ khi các em ngồi vào học và quan sát công việc diễn ra của chính mình. Ví dụ: Khi được học bài về môi trường sống của loài cá, về nhà các em hỏi thêm cha mẹ, người thân… đặc điểm, tên của con cá đó và như vậy các em đã tra cứu từ kho tàng dân gian những kiến thức mà các em chưa biết để bổ sung kiến thức cho bản thân.
Chị Phùng Thị Loan ở thành phố Hội An (Quảng Nam) cho hay, từ ngày gia đình chị có điều kiện sửa sang lại ngôi nhà và đã dành một diện tích khá lớn xây dựng góc học tập cho cậu con trai đang học lớp 4, hiệu quả việc học tăng lên rõ rệt, tới giờ là cháu tự giác ngồi vào học, chứ không đợi nhắc nhở nhiều lần như trước và tự trang trí theo sở thích dưới sự hướng dẫn của người lớn.
Còn anh Trần Văn Bảy (Hiệp Đức, Quảng Nam) có cô con gái Thảo My đang học lớp 5 chia sẻ, khi tham dự họp phụ huynh đầu năm, nghe giáo viên chủ nhiệm nêu ích lợi của mô hình xây dựng góc học tập, gia đình liền đầu tư để cháu có điều kiện phát triển. Cháu rất phấn khởi và tự làm các sản phẩm cắt dán, đồ dùng dễ kiếm trong nhà, trong thiên nhiên và bổ sung thêm một số đầu sách, tranh ảnh minh họa… nhằm tăng sự hiểu biết, mở rộng kiến thức.
Thiên Thu