Xây dựng ĐH Việt Đức sớm trở thành mô hình trường ĐH chuẩn mực

GD&TĐ - Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đặt ra yêu cầu này tại buổi làm việc diễn ra sáng 22/6, giữa Đoàn công tác của Chính phủ với Trường ĐH Việt Đức. Tham gia đoàn công tác có Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi làm việc
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi làm việc

Tiếp đoàn công tác của Chính phủ có ngài Andreas Siegel, Tổng lãnh sự Đại sứ quán Đức tại Việt Nam; ông Trần Thanh Liêm, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương; cùng Ban giám hiệu nhà trường.

Cầu nối cho mối quan hệ hợp tác hai nước

Được thành lập trên cơ sở hợp tác quốc tế giữa Việt Nam và CHLB Đức, bên cạnh sự hỗ trợ về tài chính của hai Chính phủ, ĐH Việt Đức nhận được sự hỗ trợ mạnh mẽ về học thuật của hiệp hội gồm hơn 30 trường ĐH đối tác Đức.

Đây là trường ĐH công lập đầu tiên thuộc dự án xây dựng ĐH mô hình mới. Trường được thành lập năm 2008 trên cơ sở hợp tác với một quốc gia đối tác nước ngoài, là bước triển khai cụ thể Nghị quyết số 14/2005/NQ-CP của Chính phủ về đổi mới cơ bản và toàn diện giáo dục ĐH Việt Nam giai đoạn 2006-2020 và Quyết định 145/2006/QĐ-TTg của Thủ tướng về chủ trương và những định hướng lớn xây dựng trường ĐH đẳng cấp quốc tế của Việt Nam.

Biểu dương sự tiến bộ vượt bậc của trường trong 9 năm qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ ấn tượng về số bài báo, công trình khoa học được công bố của trường, tỉ lệ SV ra trường có việc làm, cơ sở phòng thí nghiệm. Đặc biệt, trường đã tạo được niềm tin xã hội đối với chất lượng đào tạo ĐH.

Nhìn nhận đây là “ngọn hải đăng” trong mối quan hệ hai nước, Thủ tướng mong muốn ĐH Việt Đức là biểu tượng, là cầu nối cho mối quan hệ hợp tác giữa hai nền kinh tế và là cầu nối hữu nghị giữa người dân, thế hệ SV hai nước Việt Nam - Đức, gắn kết nền giáo dục uyên bác, nền kỹ nghệ bậc cao, nền kinh tế giàu mạnh bậc nhất của nước Đức, chuyển tải cho được nền kỹ thuật cơ khí tinh xảo và tân tiến của nước Đức vào công cuộc cải cách giáo dục và phát triển kinh tế của Việt Nam.

“Phòng thí nghiệm ở trường đa ngành thế này chủ yếu là cơ khí chính xác, hay nói cách khác là ngành nghề trường đào tạo thì Việt Nam đang rất cần hiện nay”, Thủ tướng nói. “Việt Nam mong muốn phát triển ngành công nghiệp cơ khí, ngành ô tô nhưng không phải lắp ráp mà là chế tạo thiết bị, cơ khí ô tô…”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, đồng thời nêu rõ: Việt Nam mong muốn ĐH Việt Đức sẽ đào tạo tại Việt Nam và cho Việt Nam những kỹ sư, những nhà kỹ thuật xuất sắc để có thể tự làm chủ được nền công nghiệp cơ khí của mình.

Trường cần tham gia một cách chủ động và tích cực vào mục tiêu cải thiện chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam, trong đó ưu tiên các lĩnh vực mà Việt Nam định hướng phát triển và trường có lợi thế như công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, điện, cơ khí, phát triển đô thị…

Lấy kết quả nghiên cứu làm thước đo chất lượng

Bày tỏ mong muốn ĐH Việt Đức sớm trở thành mô hình trường ĐH chuẩn mực, theo định hướng nghiên cứu của Việt Nam và xu thế phát triển của thế giới, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị ĐH Việt Đức phải lấy kết quả nghiên cứu làm thước đo cho thành quả và danh tiếng của trường, chia sẻ những giá trị nghiên cứu đó với Việt Nam và thế giới, vì lợi ích cộng đồng. Bên cạnh đó, thông qua các nghiên cứu của mình, cùng tham gia giải quyết các vấn đề phát triển ở Việt Nam. Những nghiên cứu này phải đi vào thực chất, có chất lượng, có khả năng áp dụng vào thực tiễn, tạo ảnh hưởng, làm tăng uy tín, cải thiện năng lực và thành tích nghiên cứu của nền khoa học Việt Nam.

Vui mừng về số bài báo của ĐH Việt Đức được đăng trên các tạp chí khoa học nổi tiếng gần đây, Thủ tướng đưa ra thông điệp, cũng là bài toán đối với ĐH Việt Đức, đó là đưa trường trở thành trung tâm nghiên cứu của nước Đức tại Việt Nam và ASEAN, phục vụ cộng đồng doanh nghiệp hai nước, đáp ứng nhu cầu phát triển của Việt Nam trong kỷ nguyên cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra sâu sắc tại Việt Nam.

Cho rằng ĐH Việt Đức cần xem lại mục tiêu mà trường đặt ra là trở thành một trong những trường ĐH hàng đầu tại Việt Nam, Thủ tướng nhìn nhận mục tiêu này còn khá khiêm tốn và đề nghị “các vị hãy xếp hạng tiên tiến về chất lượng đào tạo, về nghiên cứu ứng dụng của khu vực và thế giới”.

Trường cần chuẩn bị các điều kiện, nền tảng để đi tiên phong và hiện diện trong các bảng xếp hạng đó. Đây là yêu cầu rất lớn, rất cao đối với trường nhưng Thủ tướng tin tưởng với cách làm và bước đi ban đầu này, cùng sự hỗ trợ của hai Chính phủ, nhất định trường sẽ đạt được. ĐH Việt Đức cần đồng lòng, gắn kết toàn thể đội ngũ cùng hướng đến mục tiêu này, đặc biệt những giá trị làm nên nước Đức, những tinh hoa và tri thức khoa học đồ sộ của thế giới nói chung và nước Đức nói riêng sẽ đến Việt Nam, chia sẻ những tinh hoa của Việt Nam với thế giới thông qua ĐH Việt Đức. “Hải đăng chính là như thế”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Tại cuộc làm việc, lãnh đạo ĐH Việt Đức đã nêu một số kiến nghị với Thủ tướng như thúc đẩy để sớm ký kết Hiệp định Chính phủ giữa Việt Nam và CHLB Đức về dự án ĐH Việt Đức, chỉ đạo sớm ban hành cơ chế tài chính đặc thù mới thay thế Quyết định 303… Thủ tướng nhất trí việc sẽ làm việc với phía Đức để có một hiệp định Chính phủ làm cơ sở pháp lý quan trọng, lâu dài để phát triển ĐH Việt Đức. Về cơ chế tài chính đặc thù, Thủ tướng nhấn mạnh tầm quan trọng của tự chủ ĐH và giao Bộ GD&ĐT sớm trình cơ chế, tạo điều kiện tốt nhất cho ĐH Việt Đức phát triển.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Hệ thống THAAD của Mỹ.

Kích hoạt vụ phóng Oreshnik mới

GD&TĐ - Theo Reuters, lực lượng tên lửa Nga có thể phóng tiếp tên lửa Oreshnik vào Ukraine, sau khi bị Kiev tập kích lãnh thổ bằng ATACMS.

Minh họa/INT.

Truyện ngắn: Hồi ức khó quên

GD&TĐ - Tôi từng nghĩ rằng mình có thể hóa thành một chiếc ô, chỉ dựa vào sức lực và ý chí của bản thân để che chở cho cả gia đình trước những cơn giông bão của cuộc đời.

Minh họa/INT.

Nhạc kịch Việt tự tin 'cất cánh'

GD&TĐ - Nhạc kịch 'Giấc mơ Chí Phèo' của Nhà hát Ca Múa Nhạc Thăng Long đang được khởi động bán vé cho suất công diễn cuối tháng 12.