(GD&TĐ) - Sáng 24/4 tại TP Hà Tĩnh, Ban chỉ đạo quốc gia thực hiện quy hoạch phát triển nhân lực và đào tạo theo nhu cầu xã hội phối hợp với UBND tỉnh Hà Tĩnh tổ chức Hội nghị sơ kết công tác chuẩn bị nhân lực cho Khu kinh tế (KKT) Vũng Áng.
Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Kim Cự chủ trì hội nghị.
Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân phát biểu chỉ đạo tại HN. (Ảnh: Báo Hà Tĩnh) |
Trong những năm qua, KKT Vũng Áng đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ trong lộ trình phát triển, khẳng định được vai trò, vị trí là trung tâm công nghiệp lớn của tỉnh và khu vực. Đến nay, KKT Vũng Áng đã có hơn 153 doanh nghiệp, dự án được cấp Giấy chứng nhận đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh với số vốn đăng ký hơn 16 tỷ đồng. Năm 2011 nguồn thu từ KKT Vũng Áng đóng góp vào tổng thu ngân sách của tỉnh hơn 1.380 tỷ đồng, dự kiến năm 2012 là 2.000 tỷ đồng.
Sau hơn 5 năm đi vào hoạt động KKT Vũng Áng đã thu hút hơn 10.000 lao động đang làm việc cho các doanh nghiệp, các nhà đầu tư. Dự kiến tổng nhu cầu nhân lực của các doanh nghiệp tại KKT Vũng Áng giai đoạn 2011-2015 hơn 70.000 người.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ về việc đào tạo và đảm bảo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu KKT Vũng Áng ngày 18/08/2010 các Bộ ngành trung ương, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã thành lập các tổ công tác phối hợp với các trường Đại học, Cao đẳng trên toàn quốc khảo sát nhu cầu nguồn nhân lực, ký kết các chương trình đào tạo theo năng lực và nhu cầu của doanh nghiệp trong KKT Vũng Áng.
Từ năm 2010 ngân sách trung ương bố trí 423 tỷ đồng để hỗ trợ Hà Tĩnh thực hiện các nội dung liên quan đến công tác đào tạo nhân lực cho KKT Vũng Áng. Ngoài ra Bộ LĐTB&XH đã phê duyệt danh mục nghề đầu tư trọng điểm giai đoạn 2011-2015, trong đó có đầu tư các trường của Hà Tĩnh và các tỉnh lân cận nhằm đáp ứng nhu cầu lao động chất lượng cao cho các ngành kinh tế mũi nhọn trong KKT Vũng Áng; phối hợp với UBND tỉnh Hà Tĩnh đầu tư cơ sở vật chất, tăng cường năng lực dạy nghề bằng nguồn vốn ODA, vốn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Đức.
Các nhà trường đã và đang tích cực tiếp cận với các doanh nghiệp, KKT tổ chức đào tạo, cung ứng nhân lực đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp. Chỉ tính riêng các cơ sở dạy nghề trên địa bàn Hà Tĩnh đã tổ chức đào tạo nghề cho hơn 3.000 học viên phục vụ nhu cầu doanh nghiệp tại KKT Vũng Áng, trong đó Đại học và bồi dưỡng chuyên ngành 166 người, Cao đẳng nghề có 956 người, trung cấp nghề 1.552 người, 349 người sơ cấp nghề với các nhóm nghề điện, hàn, may công nghiệp... Nhằm đảm bảo chỗ ở và các điều kiện tiện ích cho người lao động tại KKT Vũng Áng, tỉnh Hà Tĩnh đã dành khu đất với có tổng diện tích 91,46 ha (tại 6 vị trí) để xây dựng nhà ở cho cán bộ, công nhân trong KKT...
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đánh giá cao những kết quả mà hai tổ công tác chuyên đề đã đạt được trong thời gian qua, đã góp phần tạo mối quan hệ gắn bó giữa các doanh nghiệp và cơ sở đào tạo, từng bước giải quyết nhu cầu về nguồn nhân lực cũng như việc nâng cao chất lượng lao động cho KKT Vũng Áng. Phó Thủ tướng đánh giá cao nỗ lực của tỉnh Hà Tĩnh trong việc xây dựng chiến lược phát triển nguồn nhân lực trong thời gian tới, cũng như quy hoạch xây dựng mạng lưới các trường dạy nghề trên địa bàn...
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng chỉ ra một số hạn chế trong công tác đào tạo nguồn nhân lực như: quy mô đào tạo còn thấp, chưa xây dựng được cơ chế đặc thù về đào tạo nghề tương xứng với yêu cầu đặt ra, chính sách thu hút lao động chưa thực sự thỏa đáng, thông tin về nhu cầu lao động, việc làm chưa được phổ biến rộng rãi; mối liên hệ thường xuyên giữa 2 tổ công tác của Chính phủ và UBND tỉnh Hà Tĩnh, các doanh nghiệp, cơ sở đào tạo nghề chưa được duy trì thường xuyên, kế hoạch xây dựng các khu nhà ở cho công nhân chưa được thực hiện đồng bộ, chưa đáp ứng được kế hoạch đặt ra...
Để nâng cao hiệu quả công tác đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu KKT Vũng Áng trong thời gian tới, Phó Thủ tướng giao Bộ GD&ĐT phối hợp với các bộ ngành liên quan hoàn thiện cơ chế đặc thù về đào tạo nguồn nhân lực cho KKT Vũng Áng, sớm trình Thủ tướng phê duyệt; xây dựng kế hoạch, đề án tuyên truyền nhu cầu về lao động của KKT đến với các trường một cách đẩy đủ, cụ thể, nhất là những cơ sở đào tạo trọng điểm, có đông con em Hà Tĩnh, Nghệ An đang học tập để thu hút về làm việc ở Vũng Áng; các bộ ngành cần ưu tiên nguồn vốn đầu tư ngay bệnh viện phục vụ nhu cầu chăm sóc sức khỏe ở KKT Vũng Áng; UBND tỉnh Hà Tĩnh, các doanh nghiệp sớm công bố chính sách thu hút người lao động về tiền lương, việc làm và nơi ở. Thường xuyên cập nhật các thông tin, chính sách liên quan đến lao động, việc làm trên các phương tiên thông tin đại chúng. Tập trung đầu tư xây dựng các trung tâm đào tạo nguồn nhân lực cho KKT Vũng Áng đã được quy hoạch. Vận động các doanh nghiệp tham gia hỗ trợ kinh phí, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo; có chính sách đặc thù thu hút lao động đến với KKT một cách phù hợp; quy hoạch các vùng sản xuất nông sản, hàng hóa, chuỗi cung cấp dịch vụ phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong KKT; ban hành các chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia xây dựng nhà ở và các công trình phúc lợi cho công nhân; duy trì mối liên hệ thường xuyên giữa 2 tổ công tác của Chính phủ với tỉnh Hà Tĩnh…
Tiến Dũng- Ngô Tuấn