Phân hóa theo trình độ học sinh
Cô giáo Nguyễn Thị Minh Thúy, Hiệu trưởng Trường THCS, THPT Nguyễn Siêu cho biết, 3 năm trở lại đây, Kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia đã liên tục đổi mới. Đây là tín hiệu rất mừng của GD nước nhà bởi tăng cơ hội lựa chọn cho các em cũng như tìm đầu ra cho các em tốt hơn trong tương lai.
Trường Nguyễn Siêu luôn chủ động nắm bắt sự thay đổi và xây dựng kế hoạch dạy học cũng như ôn tập phù hợp để phát huy tốt nhất năng lực của học sinh, đáp ứng yêu cầu của Kỳ thi THPT quốc gia.
Trong tổng số học sinh tham gia Kỳ thi THPT quốc gia năm 2018, nhà trường có khoảng 26 em (chiếm 30%) học sinh đăng ký ở diện miễn thi. Trong đó, một số em đã trúng tuyển một số trường quốc tế (du học), du học tại chỗ như RMIT, một số trường xét tuyển trước… Các em chỉ cần đỗ tốt nghiệp phổ thông vì các em đã có IELTS 6.5. Đây là một lợi thế của các em và nhà trường.
Đối với 2 bài thi tổ hợp KHTN và KHXH, 100% học sinh chọn một tổ hợp. Đối với 2 tổ hợp này trường tổ chức dạy theo hướng phân hóa nhỏ bắt đầu từ học kỳ II. Đặc thù của Trường Nguyễn Siêu học ngày 2 buổi (45 tiết/tuần), nhà trường có điều kiện hoàn thành chương trình sớm, bắt đầu khoảng tháng 1, chúng tôi đã tổ chức dạy học phân hóa cho học sinh theo nguyện vọng đăng ký của các em.
Trong các trình độ phân hóa đó, chúng tôi tiếp tục phân hóa nhỏ. Những học sinh chọn bộ môn trong tổ hợp để xét tuyển vào ĐH được phân ra một lớp riêng. Ví dụ: Học sinh chọn môn Vật lý trong tổ hợp KHTN để xét tuyển vào trường đại học sẽ học riêng một lớp. Như vậy, các em học tập trung hơn. Các em có ma trận đề thi theo yêu cầu của Bộ GD&ĐT (đã được công bố) nên các em có thể tự đặt ra mục tiêu.
Chẳng hạn, với bộ môn các em chọn là môn xét tuyển ĐH chúng tôi đặt mục tiêu các em phải đạt ít nhất từ trên 7 điểm trở lên. Còn những em dưới 7 điểm, chúng tôi sẽ có cách dạy tích cực để giúp đỡ các em.
Đối với những môn trong bài thi tổ hợp các em chọn chỉ để tính điểm tốt nghiệp phổ thông, chúng tôi đặt cho các em mục tiêu thấp hơn, chỉ cần đạt điểm 5. Thậm chí, chúng tôi không áp lực yêu cầu các em phải đạt điểm 5 nếu xét thấy các môn khác các em có thể hoàn thành tốt với kết quả cao.
Xây dựng chương trình ôn tập cụ thể
Cô giáo Trần Bích Hợp, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Đống Đa (Hà Nội) cho biết: Ngay sau khi có phương án thi THPT quốc gia từ Bộ GD&ĐT, nhà trường đã triển khai nhiều giải pháp giúp học sinh có thể bước vào kỳ thi một cách tốt nhất.
Đó là xây dựng chương trình ôn tập, đổi mới phương pháp, rèn luyện cho các em kỹ năng làm bài, đối với giáo viên
giảng dạy lớp 12 thì lựa chọn những giáo viên có năng lực, kinh nghiệm để bồi dưỡng kiến thức cho các em. Nhà trường cũng đã tư vấn, giải đáp thắc mắc cho các em trong quá trình đăng ký hồ sơ.
Năm nay, tổng số học sinh của trường là 527 học sinh. Tỷ lệ đăng ký của các em vào các tổ hợp KHTN là 225/527 và KHXH là 401/527.
Để nâng cao chất lượng học sinh, Ban giám hiệu đã tiến hành đánh giá, khảo sát chất lượng ngay từ đầu học kỳ II cho học sinh lớp 12, sau đó sắp xếp nhóm đối tượng học sinh ôn tập theo nhu cầu ôn tập theo tổ hợp tự nhiên hoặc xã hội và dành riêng một lớp bồi dưỡng học sinh học lực yếu. Nhà trường cũng đã họp cha mẹ HS để thống nhất kế hoạch ôn tập.
Ngoài 3 môn thi bắt buộc gồm: Toán - Ngữ văn - Ngoại ngữ, còn có 2 tổ hợp môn thi KHTN hoặc KHXH. Vì vậy, bên cạnh tổ chức cho học sinh làm quen với cách thức tổ chức đề thi mới đối với các môn tổ hợp, nhà trường cũng đã tổ chức thi thử để đánh giá chất lượng học sinh cũng như giúp các em có lựa chọn phù hợp trong việc đăng ký xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng.
Đặt mục tiêu phấn đấu cho từng học sinh
Cô giáo Nguyễn Thị Minh Thúy cũng cho biết: “Nhà trường cũng thực hiện tổng số 3 lần thi thử (tính cả phần thi thử của Sở GD&ĐT, từ đó nhà trường xác định trình độ học sinh. Qua phân tích kết quả, học sinh Trường Nguyễn Siêu chỉ gặp vấn đề ở các môn không xét tuyển đại học trong bài thi tổ hợp.
Nguyên nhân thứ nhất là do học sinh học lệch vì các em không lấy điểm môn này để xét tuyển đại học nên không tập trung đầu tư thời gian cho môn đó. Nguyên nhân thứ 2 là tính chủ quan, các em đã hoàn thành thủ tục đi du học hoặc đã đỗ vào trường ĐH nào đó nên các em không có sự phấn đấu, chỉ cần đỗ tốt nghiệp là được.
Để nâng cao chất lượng, thực hiện được nguyện vọng của các con, nhà trường đã tổ chức các cuộc họp tư vấn 3 bên, gồm các thầy cô giáo dạy các môn tư vấn cho từng HS, từng phụ huynh. Trong đó, cha mẹ học sinh bàn các biện pháp tích cực để cùng nhà trường động viên các em thi tốt, chọn ngành nghề phù hợp.
Giáo viên hướng dẫn các em xây dựng phiếu mục tiêu cho Kỳ thi THPT quốc gia, tự đánh giá khả năng của mình, những khó khăn đang gặp phải, đề xuất hỗ trợ (nếu cần). Từ đó, chúng tôi bám theo các mục tiêu của các em và có sự hỗ trợ hợp lý nhất với từng học sinh. Thành công của chúng tôi không phải là ở điểm thi cao hay thấp mà các em có đạt được mục tiêu các em đề ra hay không”.